Các bước cần làm để đòi lại quyền sử dụng đất

1. Chị T thắc mắc:

Ngày 20/4/1981, bố mẹ  tôi có mua đất ao, vườn của bà Nguyễn Thị Bốn và ông Nguyễn Huy Vũ với diện tích là: 1060m2. .Trong đó: Đất ao là 510m2; đất vườn là 550m2 theo văn tự bán hoa màu và nhượng đất, được UBND xã Xuân Phương chứng thực. Việc mua bán này các con bà Bốn đều biết và trên giấy tờ Văn tự bán đất có chữ ký của ông Vũ và điểm chỉ của bà Bốn.

Sau khi mua bán xong, gia đình tôi đã nhận đất quản lý, sử dụng: đổ đất, san nền và xây dựng các công trình trên đất cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế đối với nhà nước; kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đã được UBND huyện Từ Liêm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20/1/1992.

Mặc dù thời điểm khi gia đình tôi mua đất thì các con của bà Bốn đều biết và không ai phản đối, tranh chấp hay kiện tụng gì nhưng mãi tới 24 năm sau tức là năm1995 khi đất đai có giá nên Nguyên đơn là ông Nguyễn Huy Vũ, bà Nguyễn Thị Tưởng mới phát sinh lòng tham tranh chấp đòi lại đất.

Tại bản án số: 40/2007/DSST, ngày 16/7/2007 của TAND thành phố Hà Nội áp dụng điều 12, 13, 14 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự ; áp dụng nghị quyết 02, ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xử “ bác yêu cầu của Nguyên đơn” và xác nhận văn tự bán hoa màu và nhượng đất  là hợp pháp.

Nhưng tại bản án số 17/2008/DSPT, ngày 14/1/2008 của Tòa án phúc thẩm tại Hà Nội- Tòa án tối cao đã có oan sai cho gia đình tôi lại xử “ hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số: 40/2007/DSST, ngày 16/7/2007 của TAND thành phố Hà Nội và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án”.

Càng bức xúc hơn khi bản án số 04/2009/ DSST, ngày 13+15/01 /2009 của TAND thành phố Hà Nội thì lại “ áp dụng Điều 127, 128, 37 Bộ luật dân sự, áp dụng điểm b khoản 2.2 Điều 2 Mục II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 10/8/2004; áp dụng thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 16/7/1996 xử chấp nhận một phần yêu cầu của Nguyên đơn, buộc  gia đình tôi phải trả cho nguyên đơn diện tích là 176,6m2  trên đó có 4 gian nhà cấp 4 và 01 nhà mái bằng cùng tường rào bao quanh.

Do đã có sự oan sai từ các bản án trước đó nên tại bản án số113/2009/DSPT, ngày 03/8/2009 của tòa phúc thẩm tại Hà Nội- Tòa án nhân dân tối cao” không chấp nhận kháng cáo của tôi, xử y án sơ thẩm: áp dụng điều 127, 128, 137 Bộ luật dân sự, áp dụng khoản 2.4 Điều 2 Mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 10/8/2004; áp dụng thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 16/7/1996”.

Đến ngày 01/10/2009 Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã quyết định thi hành án cưỡng chế bắt  phá bỏ nhà cấp 4 và nhà mái bằng của gia đình tôi, mặc dù lúc đó gia đình tôi vẫn đang làm đơn kiến nghị lên các cấp và giám đốc thẩm. Do có sự khuất tất ở đây nên sau khi cưỡng chế thi hành án xong bên thi hành án đi luôn và không hề có cắm mốc giới mảnh đất cũng như ký giáp gianh với xung quanh.

Hơn thế nữa trong khi gia đình tôi đang làm đơn kháng nghị giám đốc thẩm thì ngày 26/7/2011 Ủy ban nhân dân Huyện Từ Liêm lại  ra quyết định số 6624/QĐ-UBND: Cấp 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho 18 đồng sử dụng đất , diện tích 176,6m2 đất nuôi trồng thủy sản (đất ao trong khu dân cư) thời hạn sử dụng 20 năm, tại thửa đất số 94, Tờ số  20 nay theo bản đồ biên tập năm 1998 là thửa 323 , tờ bản đồ số 6 xã Xuân Phương. Điều đáng nói ở đây là Ủy ban nhân dân Huyện Từ Liêm ra thông báo này nhưng không hề thông báo hay gửi giấy gì cho gia đình tôi do vậy chúng tôi hoàn toàn không biết, không hay về việc lập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này. Hiện tại,  sổ đỏ đất nhà tôi vẫn giữ và chưa có ai từ đó tới bây giờ hỏi gia đình tôi về nó.

Tại Quyết định kháng nghị số : 320/2012/KN-DS Ngày 2 tháng  8 năm 2012 Đối với bản án dân sự phúc thẩm số 113/2009/DSPT ngày 3-8-2009 của tòa PT TANDTC tại Hà Nội đã quyết định: Kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số  113/2009/DSPT ngày 3-8-2009 của tòa PT TANDTC tại Hà Nội về vụ án “ Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Huy Vũ , bà Nguyễn Thị Tưởng với bị đơn là ông Nguyễn Huy Vinh, bà Nguyễn Thị Chung.

Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm; hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên ; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội  xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm nêu trên cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 87/2013/DS-GĐT ngày 11/7/2013 Về vụ án : Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã quyết định: Hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 113/2009/DSPT ngày 3-8-2009 của tòa PT TANDTC tại Hà Nội và toàn bộ bản án dân sự  sơ thẩm số 04/2009/DSST ngày 13 và 15/01/2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội  về vụ án “ Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Huy Vũ, bà Nguyễn Thị Tưởng với bị đơn là ông Nguyễn Huy Vinh, bà Nguyễn Thị Chung

Đồng thời giao vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Nhưng khi xét xử sơ thẩm lại thì ông Nguyễn Huy  Vũ , bà Nguyễn Thị Tưởng là nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần hai nhưng vẫn vắng mặt. Do vậy Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra quyết định số : 28/2014/ QĐST-DS Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự  thụ lý số 43/2013/TLST- DS ngày 01/10/2013 về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Huy Vũ, bà Nguyễn Thị Tưởng với bị đơn là ông Nguyễn Huy Vinh, bà Nguyễn Thị Chung.

Tôi muốn hỏi bây giờ tôi muốn lấy lại đất, đòi quyền sử dụng đất trên phần đất đã làm sổ đỏ cho bên nguyên đơn thì tôi cần làm những gì và nộp cho cơ quan nào.

Trân trọng cảm ơn luật sư.

2. Luật sư H giải đáp:

Chị chuẩn bị toàn bộ hồ sơ gồm quyết định đình chỉ và tất cả các bản án trước đây nộp cho Thi hành án TP Hà Nội để được giải quyết mọi vấn đề. Họ sẽ có trách nhiệm cưỡng chế nhà đất giao lại cho gia đình chị để gia đình chị có thể làm sổ trở lại

3. Chị T thắc mắc:

Xin hỏi thêm là hiện tại bên nguyên đơn đã được cấp sổ đỏ và có chuyển nhượng cho ai đó (mặc dù phần đất gia đình tôi bị mất vẫn nằm trong khuôn viên gia đình tôi  quản lý) thì có cần nộp lại đơn khởi kiện lại từ đầu từ tòa án không hay chỉ cần nộp cho Thi hành án thành phố Hà Nội

Trân trọng cảm ơn luật sư.

xin hỏi thêm luật sư là phần đất cấp cho 18 đồng sử dụng này đã được chuyển đổi cho con gái của nguyên đơn thì gia đình tôi chỉ cần nộp đơn lên thi hành án TP hà nội hay phải nộp đơn lên tòa án để  khởi kiện đòi quyền sử dụng đất.

Chân thành cảm ơn luật sư

4. Luật sư K giải đáp:

Quan điểm của tôi là thi hành án phải có trách nhiệm cưỡng chế thu hồi. Bởi A kiện B, kết thúc phúc thẩm lần 1 A đã thắng, do vậy Thi hành án đã kê biên đất giao cho A. Tuy nhiên sau TATC hủy toàn bộ bản án, xử sơ thẩm lần 1, A không tham gia, nghĩa là A bỏ cuộc tức không còn đi kiện, do vậy tài sản vẫn thuộc về gia đình bạn, do Thi hành án đã cưỡng chế thì nay Thi hành án phải tiếp tục thi hành cưỡng chế phần đất của gia đình bạn đã bị cưỡng chế trước đây để giao lại cho gia đình bạn, đồng thời kiến nghị phòng đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng  đất hủy giấy đã cấp cho bên A.

Đây là quan điểm của tôi, tuy nhiên sau khi tham khảo một số người bên thi hành án thì còn phụ thuộc vào nội dung quyết định đình chỉ ! vì vậy bạn cứ đem hồ sơ đến thi hành án yêu cầu giải quyết. chúc gia đình bạn may mắn

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo