Việc lập bản kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu không chỉ giúp đánh giá công tác lãnh đạo mà còn là cơ sở để đề ra các biện pháp cải tiến phù hợp. Bài viết này sẽ cung cấp mẫu bản kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu và các thông tin cần thiết có liên quan.
Mẫu bản kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu
1. Người đứng đầu trong hệ thống chính trị là người như thế nào và khi kiểm điểm thì người này cần chuẩn bị gì?
Người đứng đầu trong hệ thống chính trị trước đây được định nghĩa cụ thể tại khoản 4 Điều 2 Quy định 132-QĐ/TW năm 2018. Theo đó, người đứng đầu là người được bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc chỉ định giữ chức vụ cấp trưởng trong các tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang, và doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, theo Quy định 124-QĐ/TW năm 2023, mặc dù không còn quy định giải thích cụ thể về người đứng đầu trong hệ thống chính trị, nhưng dựa trên định nghĩa trước đây, người đứng đầu vẫn được hiểu là những cá nhân giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng, có trách nhiệm quản lý và điều hành các tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước.
Người đứng đầu trong hệ thống chính trị khi kiểm điểm thì cần chuẩn bị theo những nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy định 124-QĐ/TW năm 2023 (Có hiệu lực từ 04/10/2023) như sau:
“1. Chuẩn bị kiểm điểm
1.1. Người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm tập thể và lấy ý kiến tham gia, góp ý của các tập thể, cá nhân có liên quan.
1.2. Cá nhân chuẩn bị bản tự kiểm điểm theo nội dung quy định.
1.3. Cấp trên gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân theo phân cấp quản lý khi cần thiết.”
2. Mẫu bản kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu
UBND TỈNH HẬU GIANG SỞ NỘI VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hậu Giang, ngày ….. tháng 12 năm 2022 |
BÁO CÁO
Đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022
I. Đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022
- Trong năm, về cơ bản các chương trình và kế hoạch do UBND tỉnh giao đã được triển khai thực hiện hoàn thành. Ngoài nhiệm vụ phụ trách chung về công tác chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực thuộc ngành Nội vụ, bản thân đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện tốt một số lĩnh vực quản lý Nhà nước như:
- Về lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế: đã thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW. Kết quả, giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng kế hoạch giao biên chế gắn với lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026. Thẩm tra 730 trường hợp tinh giản biên chế trình cơ quan có thẩm quyền.
- Về xây dựng đề án vị trí việc làm: Năm 2022 có 05 đơn vị cấp tỉnh và 01 đơn vị cấp huyện đã xây dựng và trình Đề án vị trí việc làm.
- Công tác tuyển dụng, quản lý CCVC: được quan tâm đổi mới và hiệu quả hơn với kết quả tuyển được 67 công chức/114 chỉ tiêu cần tuyển, và tuyển dụng được 341 viên chức; nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức lên chuyên viên, chuyên viên chính, kết quả đạt 314/388 trường hợp. Tham mưu UBND tỉnh cử 10 trường hợp thi nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp, đạt 10/10.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng CCVC: hoàn thành 100% Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với tổng số 382 lớp cho 22.465 lượt CBCCVC. Đã tham mưu Nghị quyết HĐND tỉnh về ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích đào tạo sau đại học, thu hút nhân lực và luân chuyển trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
- Công tác xây dựng chính quyền địa phương và địa giới hành chính được triển khai thực hiện toàn diện, đặc biệt trong việc bố trí, sắp xếp những người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính; kiện toàn thành viên UBND các cấp; đề nghị công nhận xã An toàn khu (07 xã thuộc huyện châu Thành A và huyện Long Mỹ); đã triển khai thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng Đề án thành lập 03 thị trấn theo đúng quy định.
- Công tác cải cách hành chính: Tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong năm 2021, triển khai đồng bộ các giải pháp như: Cuộc thi “Đề xuất mô hình, sáng kiến, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ CCHC và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh”, tổng kết 05 năm thực hiện các chỉ số cạnh tranh tỉnh giai đoạn 2017-2021; triển khai thực hiện Kế hoạch số 182/ KH-UBND tỉnh, đã xây dựng phần mềm trợ lý ảo về lĩnh vực công chức, viên chức, đưa vào thử nghiệm, và đang trong quá trình hoàn thiện.
Ngoài ra, các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Nội vụ như Thi đua-Khen thưởng, quản lý nhà nước về tôn giáo, văn thư – lưu trữ, thanh tra, công tác thanh niên và dân vận chính quyền luôn được quan tâm triển khai theo đúng kế hoạch từ đầu năm, hiệu quả tất cả các mặt công tác của ngành Nội vụ năm 2022 có nhiều điểm mới, khởi sắc.
II. Kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan
Với vai trò là Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Sở Nội vụ, chịu trách nhiệm đối với toàn diện các mặt công tác của Sở theo quy định. Trong năm 2022, căn cứ Quy chế làm việc của Sở Nội vụ, bản thân cùng tập thể Ban Giám đốc Sở đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ thuộc chức năng theo thẩm quyền, chủ động đề xuất các giải pháp, xây dựng kế hoạch bám sát thực tiễn hoạt động của ngành để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Qua một năm công tác, bản thân tự nhận thấy có những ưu điểm và hạn chế trong vai trò của người đứng đầu đơn vị. Cụ thể:
- Ưu điểm:
- Thực hiện nghiêm những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước; các quy chế, quy định của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các quy định khác có liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách.
- Đã chỉ đạo, điều hành và thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ và kế hoạch của Sở đã đề ra; bản thân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân trong thực thi nhiệm vụ và đi đầu trong mọi công việc, không ngại khó, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được phân công; quan tâm công tác phát triển đảng viên, đưa đảng viên và công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm từng bước chuẩn hóa. Bản thân luôn là đầu mối quy tụ sự đoàn kết trong đảng, đoàn kết chính quyền; thực hiện nghiêm quy chế trong Đảng, trong cơ quan; luôn gần gũi, gắn bó với đảng viên, công chức, viên chức, được tập thể tín nhiệm cao.
- Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ động phối hợp, tham mưu đề xuất kịp thời cho UBND tỉnh trong lĩnh vực phụ trách; chấp hành kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; luôn chấp hành sự chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của cấp trên.
- Trong thực hiện nhiệm vụ luôn lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của đồng nghiệp, của nhân dân với tinh thần cầu thị và học hỏi. Chủ động, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên về những công việc được giao, sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, phối hợp tốt trong công việc để tập thể cùng hoàn thành nhiệm vụ.
- Ngoài ra, bản thân luôn ý thức về đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cơ hội; thực hiện tốt việc kê khai tài sản theo quy định; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, người lao động; đề cao trách nhiệm nêu gương trước công chức trong cơ quan. Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, quản lý.
- Hạn chế
- Công tác tham mưu Thường trực UBND tỉnh đôi lúc chưa kịp thời, công tác chỉ đạo điều hành một số nhiệm vụ còn chậm so với thời gian quy định. Trong quá trình xử lý công việc có nhiều văn bản gấp, thời gian quy định ngắn nên việc thực hiện các nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao đôi lúc còn sai sót hoặc kịp thời gian nhưng chất lượng chưa cao.
- Một số nhiệm vụ do Chủ tịch UBND tỉnh giao hoàn thành chưa đúng tiến độ như: xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, chưa tham mưu bổ sung kịp thời cấp phó của các sở, ngành; đề án sáp nhập, giải thể các tổ chức, đơn vị.
- Công tác cải cách hành chính được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu với như cầu hiện nay, việc triển khai các dự án phục vụ chuyển đổi số còn chậm theo kế hoạch đề ra.
- Công tác quản lý công chức, viên chức cơ quan chưa nghiêm, dẫn đến viên chức bị xử lý vi phạm hành chính do không đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.
- Nguyên nhân
- Do nhiệm vụ của ngành là tương đối nhiều, công tác kiểm tra, đôn đốc không kịp thời.
- Công tác phối hợp, tham mưu của các Phòng, Ban, Trung tâm trong thực hiện nhiệm vụ chưa thật sự hiệu quả và chặt chẽ. Một số đảng viên chưa tự giác trong công tác tham mưu, còn trông chờ sự chỉ đạo từ Ban Giám đốc, Ban Thường vụ Đảng ủy.
- Một số nhiệm vụ giao có chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong thời gian ngắn, không đảm bảo thời gian thực hiện, từ đó dẫn đến chất lượng xử lý không cao.
- Đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của một số đảng viên chưa cao, chưa xây dựng cho mình tư cách, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, trung thực.
- Phương hướng, biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm
- Tiếp tục học tập, nghiên cứu văn bản để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đồng thời phối hợp có hiệu quả với các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu, đề xuất.
- Triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai thực hiện công tác cán bộ cũng như các lĩnh vực khác của ngành.
- Phối hợp và hướng dẫn kịp thời trong việc xây dựng vị trí việc làm đối với các đơn vị có liên quan.
- Chủ động kịp thời hơn trong công tác tham mưu, công tác chỉ đạo điều hành, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao đúng thời gian quy định.
- Điều chỉnh cảm xúc tốt hơn, không để ảnh hưởng đến hòa khí và công việc chuyên môn.
Trên đây là báo cáo đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022 của Sở Nội vụ./.
GIÁM ĐỐC
Nguyễn Minh Trí
3. Kiểm điểm người đứng đầu trong hệ thống chính trị phải đảm bảo những nguyên tắc nào?
Kiểm điểm người đứng đầu trong hệ thống chính trị phải đảm bảo những nguyên tắc được căn cứ theo Điều 3 Quy định 124-QĐ/TW năm 2023 (Có hiệu lực từ 04/10/2023) như sau:
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, đúng thẩm quyền, trách nhiệm.
- Chú trọng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm, phương pháp trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là hiệu quả công việc. Gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể; gắn kết quả của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý với kết quả của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
- Kết hợp chặt chẽ kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
Hy vọng qua bài viết, Công ty Luật ACC đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về Mẫu bản kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu. Đừng ngần ngại hãy liên hệ với Công ty Luật ACC nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.
Nội dung bài viết:
Bình luận