Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, khi một người phạm tội và bị kết án bởi Tòa án, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự cho tội lỗi của mình, người đó sẽ còn phải chịu thêm án tích. Vậy án tích là gì? Hãy theo dõi bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về khái niệm này.
1. Án tích là gì
Đối với câu hỏi án tích là gì, hiện nay pháp luật vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể. Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, có thể hiểu, án tích chính là hậu quả pháp lý của việc phạm tội và là một trong những hình thức thực hiện trách nhiệm hình sự. Đây là đặc điểm xấu về nhân thân của người bị kết án nhưng không có tính vĩnh viễn. Án tích tồn tại trong quá trình người phạm tội bị kết án về một tội phạm cho đến khi được xóa án tích.
2. Xóa án tích
Bên cạnh việc tìm hiểu về án tích là gì, việc xóa án tích cũng là một vấn đề mà quý độc giả cần phải tìm hiểu thêm
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, việc xóa án tích sẽ bao gồm các trường hợp:
2.1 Đương nhiên được xóa án tích
Theo quy định, người phạm tội sẽ thuộc vào trường hợp đương nhiên được xóa án tích nếu người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự 2015 và khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản dưới đây:
- Thứ nhất, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
- a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
- b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
- c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
- d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a), b) và c) thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
- Thứ hai, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại Điều thứ nhất
2.2 Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
Bên cạnh các trường hợp đương nhiên được xóa án tích, người phạm tội còn có thể được xóa án tích theo quyết định của Tòa án
Trong đó, xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự 2015 khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại các trường hợp sau:
- Thứ nhất, người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;
b) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
c) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a) thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
- Thứ hai, Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại Điều thứ nhất
Ngoài ra, với trường hợp được xóa án tích theo quyết định của Tòa án, cần lưu ý:
- Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự 2015, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
- Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.
2.3 Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt
Ngoài việc được xóa án tích theo trường hợp đương nhiên và theo quyết định của tòa án, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, những người có án tích sẽ vẫn có thể được xóa án tích trong một số trường hợp đặc biệt
Trong đó, trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Hình sự 2015 (thời hạn của trường hợp đương nhiên được xóa án tích hoặc thời hạn trường hợp được xóa án tích theo quyết định của Tòa án)
Trên đây là những giải đáp của ACC cho quý độc giả về án tích là gì cũng như những kiến thức quan trọng liên quan đến án tích. Nếu quý độc giả muốn tìm hiểu rõ hơn về xóa án tích, quý độc giả có thể tìm hiểu tại đây
Nội dung bài viết:
Bình luận