Xuất xứ và nơi sản xuất khác nhau như thế nào?

Ngày nay việc xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa từ trong nước ra ngoài nước và người lại ngày càng thuận tiện và phát triển. Để việc lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi thì một trong những công việc quan trọng không thể bỏ qua đó là xác minh xuất xứ hàng hóa. Thế xuất xứ hàng hóa là gì? Những quy định để xác định xuất xứ hàng hóa như thế nào? Xuất xứ và nơi sản xuất khác nhau như thế nào? Hãy cùng Luật ACC tìm hiểu về những vấn đề này trong bài viết Xuất xứ và nơi sản xuất khác nhau như thế nào? dưới đây. 

Xuat Xu Hang Hoa La Gi
Xuất xứ và nơi sản xuất khác nhau như thế nào?

1. Thế nào là xuất xứ hàng hoá?

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, quy định về xuất xứ hàng hoá như sau:

“1. Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.”

Như vậy, quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được công nhận xuất xứ hàng hoá khi thuộc một trong hai trường hợp sau:

- Là nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá đó.

- Là nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá đó trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất.

2. Xuất xứ và nơi sản xuất khác nhau như thế nào?

Tiêu chí Xuất xứ hàng hoá Nơi sản xuất
Khái niệm Là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cuối cùng đối với hàng hoá Chỉ khu vực sản xuất, chế biến ra sản phẩm đó, đươc người tiêu dùng xem là nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm
Bản chất Chứng nhận nơi xuất xứ hàng hoá để hưởng các ưu đãi thuế quan Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về nơi sản xuất ra hàng hoá
Giá trị pháp lý - Được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá.

- Bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hoá (theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP)

Không có giá trị pháp lý, chỉ có giá trị thương mại nhằm khẳng định nơi sản xuất hàng hoá để thu hút người tiêu dùng

3. Xác định xuất xứ hàng hóa để làm gì?

- Xác định được nơi xuất xứ của hàng hóa giúp doanh nghiệp được áp dụng các chính sách thương mại về chống bán phá giá trên một lãnh thổ hay một đất nước cụ thể nào đó.

- Xác định hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi về thuế hay không: Thuế quan nhập khẩu sẽ được tính theo nguồn gốc của hàng hóa. Từ vận dụng mức thuế đến thuế hải quan đều liên quan đến xuất xứ. Việc xác định xuất xứ hàng hóa có thể phân biệt được đâu là hàng nhập khẩu để hưởng các ưu đãi theo các thỏa thuận thương mại.

- Giúp thống kê thương mại của một quốc gia hàng năm dễ dàng hơn. Đồng thời là chỉ tiêu quan trọng trong hình thức đánh giá chất lượng và hình thức để xác định các ưu đãi dành riêng của các quốc gia.

- Dùng để thực hiện các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa và mua sắm công của quốc gia

4. Các loại Quy tắc xuất xứ hàng hóa

Quy tắc xuất xứ hàng hóa được chia làm hai loại theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, gồm:

- Quy tắc xuất xứ ưu đãi: là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có cam kết hoặc thỏa thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan.

- Quy tắc xuất xứ không ưu đãi: là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa không có cam kết hoặc thỏa thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan, và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại.

4.1. Quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi

Một là, quy tắc xuất xứ hàng hóa theo các điều ước quốc tế

Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn điều ước quốc tế đó.

Đây là loại quy tắc xuất xứ phổ biến và mang lại nhiều lợi ích về hưởng ưu đãi thuế quan cho các nước thành viên, đặc biệt trong các FTA và hiệp định đối tác kinh tế.

Hai là, quy tắc xuất xứ ưu đãi theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và các ưu đãi đơn phương khác

Việc xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và các ưu đãi đơn phương khác được thực hiện theo quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu dành cho các ưu đãi này và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn quy tắc xuất xứ đó.

Loại quy tắc này được hiểu là quy tắc xuất xứ một chiều, do nước nhập khẩu tự nguyện dành ưu đãi GSP cho các nước đang hoặc kém phát triển được thụ hưởng, trong đó có Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ do các nước thuộc EU, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… quy định và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A hoặc một số Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đơn phương khác sẽ được hưởng thuế GSP khi nhập khẩu vào các nước này.

4.2. Quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi

Về cơ bản, quy định quy tắc xuất xứ không ưu đãi của Việt Nam, cụ thể về hàng hóa có xuất xứ thuần túy, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, các công đoạn gia công chế biến đơn giản, tỷ lệ De minimis, các yếu tố gián tiếp… Riêng đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng theo từng dòng HS 6 số của 97 Chương trong Biểu thuế đã được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03 tháng 4 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa (sau đây gọi là Thông tư số 05/2018/TT-BCT). Hàng hóa của thương nhân xuất khẩu đi từ Việt Nam nếu đáp ứng tiêu chí xuất xứ quy định tại Phụ lục này và các quy tắc xuất xứ không ưu đãi của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP sẽ được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi hay còn gọi là C/O mẫu B của Việt Nam

5. Hướng dẫn về cách xác định xuất xứ hàng hóa

Ngày 03 tháng 4 năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa, theo đó, cách xác định xuất xứ hàng hóa được quy định như sau:

Nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa là hàng hóa đó phải có xuất xứ tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó.

Cụ thể, việc xác định xuất xứ hàng hóa sẽ dựa vào 2 quy tắc: Quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi và Quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi được quy định rõ ràng tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư 05/2018/TT-BCT.

Ngoài ra, thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O thực hiện việc kê khai, cam kết xuất xứ hàng hóa đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo các mẫu được ban hành kèm theo phụ lục II, II, IV, V, VI, VII, VIII, IX của Thông tư này.

Trường hợp thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O không phải là nhà sản xuất thì có trách nhiệm yêu cầu nhà sản xuất kê khai, cam kết xuất xứ hàng hóa theo những mẫu nêu trên.

Để tìm hiểu rõ hơn về cách xác định xuất xứ hàng hóa, xem thêm tại Thông tư 05/2018/TT-BCT. 

6. Căn cứ pháp lý về xuất xứ hàng hóa

  • Luật quản lý ngoại thương 2017
  • Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về Xuất xứ hàng hóa
  • Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về xuất xứ hàng hóa
  • Thông tư số 38/2018/TT-BTC của Bộ Tài Chính Quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
  • Thông tư số 62/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo