Trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá, các nước thường đánh thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu ra vào thị trường nước mình. Ở Việt Nam, đối với hàng hoá là rượu do nước ngoài sản xuất được nhập khẩu vào nước ta cũng phải chịu những loại thuế theo quy định của pháp luật.
Vậy nhập khẩu rượu chịu thuế gì? Thuế suất nhập khẩu rượu là bao nhiêu? Bài viết này sẽ làm rõ câu hỏi của Khách hàng.
1. Thuế nhập khẩu là gì, đối tượng chịu thuế nhập khẩu
Thuế nhập khẩu là một loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu trong quan hệ thương mại quốc tế. Đây là một loại thuế các nước dùng để đánh vào hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu nhằm huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo hộ sản xuất và can thiệp vào quá trình hoạt động trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia.
Theo Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
Các trường hợp sau không áp dụng thuế xuất nhập khẩu:
- Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
- Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
- Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
- Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
2. Nhập khẩu rượu chịu thuế gì?
2.1. Thuế nhập khẩu
Đầu tiên, nhập khẩu rượu sẽ chịu thuế nhập khẩu. Theo Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, rượu nhập khẩu vào Việt Nam là đối tượng chịu thuế nhập khẩu. Theo Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, thuế nhập khẩu được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế.
Thuế suất nhập khẩu của mặt hàng rượu năm 2022 tuỳ theo mã số hàng hoá và thị trường nhập khẩu cũng như ưu đãi của Việt Nam đối với thị trường nhập khẩu (nếu có), quy định cụ thể trong Biểu thuế xuất nhập khẩu tổng hợp.
2.2. Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thứ hai, nhập khẩu rượu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo quy định của Điều 2, Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2016, rượu nhập khẩu thuộc đối tượng phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc các trường hợp không chịu thuế. Căn cứ để tính thuế tiêu thụ đặc biệt như sau:
Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính theo giá tính thuế của hàng hóa chịu thuế và thuế suất với công thức số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp = giá trị tính thuế của hàng hóa chịu thuế x thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa đó tại thời điểm tính thuế.
Theo Điều 6 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2016, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa có thuế bảo vệ môi trường và chưa có thuế giá trị gia tăng. Đối với hàng hóa nhập khẩu tại khâu nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu.
2.3. Thuế giá trị gia tăng
Thứ ba, nhập khẩu rượu chịu thuế giá trị gia tăng. Căn cứ Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2016 thì hàng hóa dịch vụ sử dụng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam đều phải chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng được quy định. Để tính được thuế giá trị gia tăng thì cũng cần tính được giá tính thuế và thuế suất, Điều 7 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2016, đối với hàng hóa nhập khẩu, giá tính thuế là giá nhập tại cửa khẩu cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt nếu có, thuế bảo vệ môi trường nếu có. Giá nhập khẩu được xác định theo quy định giá tính thuế hàng nhập khẩu.
Thời hạn nộp thuế nhập khẩu
Theo Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan.
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp thì tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế.
Người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật hải quan được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trong tháng chậm nhất vào ngày thứ mười của tháng kế tiếp. Quá thời hạn này mà người nộp thuế chưa nộp thuế thì phải nộp đủ số tiền nợ thuế và tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Rượu là đối tượng nộp thuế nhập khẩu theo quy định pháp luật. Người nộp thuế cần nắm rõ quy định về thuế nhập khẩu và các loại thuế khác khi nhập khẩu rượu để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế một cách nhanh chóng, đúng pháp luật.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi cho vấn đề nhập khẩu rượu chịu thuế gì. Trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ về thuế, Khách hàng nếu có thắc mắc hoặc gặp khó khăn và cần sự trợ giúp từ đội ngũ luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, xin liên hệ với Văn phòng Luật sư ACC để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất!
Nội dung bài viết:
Bình luận