Những hình thức xử phạt tội phạm công nghệ cao hiện nay

Xã hội phát triển kèm theo đó là sự ảnh hưởng không ngừng của công nghệ, điều này đồng nghĩa với việc các tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi sẽ ngày càng gia tăng. Vậy đối với  những tội phạm này pháp luật Việt Nam quy định về hình thức xử phạt như thế nào? Hãy cùng ACC tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao  tại Việt Nam
Những hình thức xử phạt tội phạm công nghệ cao hiện nay

1. Tội phạm công nghệ cao là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP, tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao. Theo đó, các đối tượng là tội phạm công nghệ cao tiến hành phạm tội thông qua mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các thiết bị điện tử.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 8 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), các hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý:

- Xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc

- Xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức

- Xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân

- Xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự. 

Như vậy, tội phạm công nghệ cao là tội phạm thực hiện các hành vi để xâm phạm an ninh, trật tự, thông tin, dữ liệu, thông tin lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Các đối tượng phạm tội này thường là những người có kiến thức về công nghệ thông tin, có kỹ năng và các công cụ nhằm phục vụ hành vi phạm tội.

2. Các loại tội phạm công nghệ cao theo Bộ luật Hình sự

Tội phạm công nghệ cao hiện nay được xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

- Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285)

- Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286)

- Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287)

- Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288)

- Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289)

- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290)

- Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291)

- Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293)

- Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294)

Mức phạt tù cao nhất của tội phạm công nghệ cao là 20 năm (đối với tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản).

3. Những hình thức xử phạt đối với tội phạm công nghệ cao

Tại Điều 35 của Bộ Luật hình sự quy định về các loại hình phạt chính và hình phạt bổ sung:

Hình phạt chính bao gồm: Cảnh cáo, Phạt tiền, Cải tạo không giam giữ, Trục xuất, Tù có thời hạn, Tù chung thân, Tử hình.

Hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Hình thức xử phạt đối với tội phạm công nghệ cao được xác định dựa trên cơ sở tại Điều 35 và những quy định cụ thể tại các điều luật của mỗi loại tội phạm. Theo đó, hình thức xử phạt đối với tội phạm công nghệ cao bao gồm: phạt tiền, phạt tù, và các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện từ 01 tháng đến 03 tháng.

4. Khung hình phạt và mức án tội phạm công nghệ cao

Mỗi tội phạm công nghệ cao sẽ có dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm cũng như khung hình phạt, mức án khác nhau. Dưới đây là một số tội phạm công nghệ cao phổ biến và khung hình phạt:

  • Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự)

Theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây có thể bị xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản:

+ Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

+ Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

+ Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

+ Lừa đảo trong thương mại, thanh toán điện tử, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

+ Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, mức phạt thấp nhất áp dụng với tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm. Mức phạt cao nhất là từ 12 - 20 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 - 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

  • Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289 Bộ luật Hình sự).

Theo Điều 289 Bộ luật Hình sự, người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa hoặc bằng phương thức khác để thực hiện một trong các hành vi dưới đây có thể bị xử lý về Tội xâm nhập trái phép mạng máy tính:

+ Sử dụng quyền quản trị của người khác;

+ Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển;

+ Can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử;

+ Lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ.

Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm, khung hình phạt cao nhất là 07 - 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Trên đây là một số thông tin về Những hình thức xử phạt tội phạm công nghệ cao hiện nay – Công ty Luật ACC, trong trường hợp bạn cần tìm hiểu thêm những thông tin về lĩnh vực tội phạm, mời bạn đọc tham khảo và nếu có thêm những thắc mắc về bài viết này hay những vấn đề pháp lý khác về dịch vụ luật sư, tư vấn nhà đất, thành lập doanh nghiệp… hãy liên hệ với ACC theo thông tin bên dưới để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả từ đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm từ chúng tôi. ACC đồng hành pháp lý cùng bạn.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo