Vai trò của thị trường đấu thầu trái phiếu chính phủ

Trái phiếu được nhiều người biết đến là một kênh đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên thực tế, có rất nhiều loại trái phiếu khác nhau trên thị trường trái phiếu. Vậy thị trường trái phiếu Chính phủ là gì? Vai trò của thị trường trái phiếu Chính phủ như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

Chính Phủ Phát Hành Trái Phiếu để Làm Gì
Vai trò của thị trường đấu thầu trái phiếu chính phủ

1. Thị trường trái phiếu chính phủ 

Thị trường trái phiếu chính phủ chính là thị trường then chốt trên thị trường trái phiếu. Nó là nơi huy động nguồn vốn để bù đắp những thâm hụt trong ngân sách nhà nước. Đây cũng được xem là thị trường chuẩn cho thị trường tài chính.

Các trái phiếu trong thị trường này được phát hành với mục đích chính là huy động vốn cho ngân sách nhà nước, bên cạnh đó nó còn là nơi chính phủ thực hiện biện pháp quản lý lượng tiền trên thị trường, chống lại tình hình lạm phát nếu xảy ra.

Đại diện phát hành chính là Bộ tài chính. Sau khi quyết định, Kho bạc Nhà nước sẽ công bố kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ ra công chúng. Các thông tin gồm có: Khối lượng phát hành dự kiến, kỳ hạn, lãi suất,… Những thông tin này sẽ giúp nhà đầu tư chủ động nguồn vốn để tham gia vào các đợt phát hành.

Trái phiếu chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu, bảo lãnh hoặc bán lẻ. Hiện nay các chứng khoán sẽ được đăng ký, lưu ký và niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và phát hành theo hình thức đấu thầu là chủ yếu. Đối với những người tham gia và mua trái phiếu chính phủ trong thị trường này, Bộ tài chính hằng năm sẽ tiến hành kiểm tra về tình hình tài chính của doanh nghiệp, các hoạt động tham gia vào thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.

2. Vai trò của thị trường đấu thầu trái phiếu chính phủ

Vai trò của thị trường trái phiếu Chính phủ vô cùng quan trọng không chỉ đối với việc phát triển kinh tế đất nước, mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ tạo ra một chuẩn mực cho việc xác định giá cả các công cụ nợ khác trên thị trường tài chính, qua đó góp phần đồng bộ hoá và thúc đẩy thị trường tài chính phát triển, tăng huy động vốn cho ngân sách Nhà nước (NSNN), giảm nợ nước ngoài, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là một bộ phận cấu thành thị trường trái phiếu Chính phủ. Từ năm 1995 đến nay, thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua NHNN đã không ngừng hoàn thiện và phát triển. Qua 10 năm hoạt động, thị trường đấu thầu vai trò của thị trường trái phiếu Chính phủ ngày càng được phát huy là kênh huy động vốn hiệu quả với chi phí thấp cho NSNN. Đặc biệt, sự phát triển của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua NHNN nói riêng và các hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ nói chung đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sử dụng vốn hiệu quả hơn, tham gia tích cực hơn trong các nghiệp vụ thị trường tiền tệ với NHNN. Thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua NHNN không chỉ cung cấp thông tin giúp NHNN đưa ra các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) phù hợp, mà còn hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các nghiệp vụ thị trường tiền tệ của NHNN, qua đó nâng cao vai trò điều tiết tiền tệ của NHNN. Ngược lại, CSTT duy trì được sự ổn định tiền tệ, nhất là ổn định lãi suất thị trường tiền tệ lại tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ. Có thể thấy rằng hoạt động của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ và các hoạt động nghiệp vụ tiền tệ của NHNN có mối quan hệ qua lại và gắn kết chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ tương tác này có thể thấy được trên một số phương diện chủ yếu như sau:

Thứ nhất, thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ là kênh quan trọng tạo công cụ cho các nghiệp vụ thị trường tiền tệ, tạo điều kiện nâng cao khả năng điều tiết tiền tệ của NHNN. Ngược lại, việc điều hành CSTT của NHNN có tác động nhất định đối với sự phát triển thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ.

Trong những năm gần đây, NHNN đã ngày càng tăng cường sử dụng các công cụ gián tiếp trong điều hành CSTT. Việc điều tiết gián tiếp của NHNN thông qua các nghiệp vụ tiền tệ (chiết khấu, cầm cố giấy tờ có giá, nghiệp vụ thị trường mở, cho vay qua đêm) sẽ không thể thực hiện được nếu không có các công cụ là các giấy tờ có giá đủ điều kiện, đặc biệt là các loại trái phiếu Chính phủ. Thực tế, từ năm 2001 đến nay, 90% các công cụ sử dụng trong nghiệp vụ thị trường mở, 100% các công cụ sử dụng trong nghiệp vụ chiết khấu và cầm cố là trái phiếu Chính phủ. Điều này cho thấy trái phiếu Chính phủ đóng vai trò là công cụ chủ yếu trong các hoạt động nghiệp vụ tiền tệ của NHNN.

Không chỉ riêng các loại trái phiếu Chính phủ được phát hành thông qua đấu thầu tại NHNN, các loại trái phiếu Chính phủ được phát hành qua các kênh khác cũng đã trở thành công cụ đắc lực cho việc thực hiện các nghiệp vụ thị trường tiền tệ. Từ năm 2003 đến nay, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật NHNN, bên cạnh các giấy tờ có giá ngắn hạn, NHNN đã cho phép cả các giấy tờ có giá dài hạn được giao dịch trên thị trường tiền tệ. Theo đó, các loại trái phiếu Chính phủ được giao dịch trong các nghiệp vụ tiền tệ với NHNN ngày càng đa dạng và phong phú, không chỉ có tín phiếu Kho bạc như trước đây, mà còn cả các loại trái phiếu Chính phủ khác như trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình trung ương, công trái... Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ qua các kênh nhất là kênh đấu thầu qua NHNN có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo điều kiện tăng cường số lượng trái phiếu Chính phủ do các tổ chức tín dụng (TCTD) nắm giữ để tham gia các nghiệp vụ tiền tệ với NHNN. Đến nay, với lượng trái phiếu Chính phủ nắm giữ trên 30.000 tỷ đồng, các TCTD đã có điều kiện mở rộng khả năng tiếp cận với tất cả các kênh hỗ trợ vốn từ NHNN, qua đó nâng cao vai trò điều tiết tiền tệ của NHNN.

Bên cạnh đó, từ năm 2003, được sự cho phép của Chính phủ, NHNN cũng đã tham gia mua tín phiếu Kho bạc chưa bán hết trong từng phiên đấu thầu để tạo công cụ sử dụng trong nghiệp vụ thị trường mở khi cần thiết thay cho việc phát hành tín phiếu NHNN. Chính vì vậy, trên thực tế, doanh số giao dịch các nghiệp vụ tiền tệ của NHNN có sử dụng trái phiếu Chính phủ năm 2004 đã tăng gấp trên 7 lần so với năm 2003. Doanh số giao dịch trên thị trường tăng mạnh không chỉ làm cho thị trường tiền tệ ngày càng phát triển mà còn tạo điều kiện cho NHNN nâng cao vai trò điều tiết tiền tệ thông qua sử dụng các nghiệp vụ trên.

Ngược lại, việc NHNN điều hành CSTT duy trì được ổn định tiền tệ và nhất là ổn định lãi suất thị trường tạo thuận lợi cho các TCTD trong việc cân nhắc tham gia thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Trường hợp NHNN thực hiện CSTT nới lỏng thận trọng, thị trường tiền tệ ổn định, các TCTD sẽ yên tâm hơn khi tham gia đấu thầu trái phiếu Chính phủ do khi cần thiết TCTD có thể sử dụng các trái phiếu Chính phủ trong các nghiệp vụ thị trường tiền tệ để đảm bảo khả năng thanh toán. Nhất là việc NHNN tăng cường thực hiện các nghiệp vụ thị trường tiền tệ như nghiệp vụ thị trường mở, nghiệp vụ chiết khấu... đã làm tăng tính thanh khoản của các trái phiếu Chính phủ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/1995, doanh số phát hành trái phiếu Chính phủ qua NHNN khoảng 250 tỷ đồng, năm 1996 khoảng 800 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2004 doanh số phát hành đã lên tới khoảng 19.500 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2005 khoảng 5.000 tỷ đồng.

Thứ hai, hoạt động của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua NHNN là nguồn cung cấp tình hình, thông tin về thị trường tiền tệ, phục vụ cho việc điều hành CSTT của NHNN.
Thông qua hoạt động của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ, NHNN có được nguồn thông tin tham khảo về tình hình nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn bằng đồng Việt Nam của các TCTD. Trong một vài năm gần đây, các thành viên tham gia các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua NHNN chỉ là các TCTD, các công ty bảo hiểm không tham gia đấu thầu như trước đây. Theo đó, hoạt động của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua NHNN thực sự là kênh thông tin về tình hình nguồn vốn của các TCTD.

Mặc dù còn có lãi suất chỉ đạo trong từng phiên đấu thầu, nhưng nhìn chung, diễn biến lãi suất trên thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã phản ánh xu hướng lãi suất của thị trường. Khối lượng đặt thầu trong các giao dịch đấu thầu trái phiếu Chính phủ đôi khi chưa phản ánh chính xác lượng vốn khả dụng thiếu hụt hay dư thừa của các TCTD. Nhưng kết hợp xem xét các thông tin về khối lượng và lãi suất đặt thầu, trúng thầu cũng có thể đưa ra một số nhận định về vốn khả dụng của các TCTD. Trên thực tế, diễn biễn thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua NHNN còn ít sôi động, lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng khi các TCTD gặp khó khăn về vốn khả dụng và ngược lại.

Về mặt lý thuyết và theo thông lệ các nước cho thấy khi thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển, lãi suất trái phiếu Chính phủ hình thành lãi suất chuẩn trên thị trường. Trong một số năm gần đây, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ở Việt Nam ngày càng được tăng cường, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ đã từng bước đa dạng hơn. Điều này cho thấy tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, sẽ dần hoàn thiện đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính Việt Nam, tạo cơ sở tham chiếu cho các TCTD trong việc xác định lãi suất cũng như việc đưa ra các giải pháp điều hành lãi suất nói riêng và điều hành CSTT nói chung của NHNN.

Thứ ba, hoạt động của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ phát triển tạo điều kiện giảm gánh nặng cho vay, tạm ứng của NHNN đối với NSNN, qua đó tạo điều kiện nâng cao hiệu quả điều hành CSTT.

Một trong những hình thức bù đắp bội chi ngân sách tạm thời là NHNN (NSNN vay trực tiếp từ ngân hàng trung ương (NHTƯ). Việc NSNN vay NHTƯ thường là gánh nặng, gây khó khăn nhất định cho việc điều hành CSTT của NHTƯ. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, để hạn chế việc vay từ Trung ương bù đắp bội chi ngân sách, NSNN đã tăng cường các hình thức vay từ tổ chức kinh tế và dân cư. Trong đó, hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ qua NHNN là hình thức huy động vốn nhanh, hiệu quả, chủ động và với chi phí thấp cho NHNN. Hoạt động của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua NHNN càng phát triển, nguồn vốn được huy động kịp thời sẽ hạn chế việc NSNN phải vay NHNN để bù đắp thiếu hụt tạm thời, tạo điều kiện cho NHNN nâng cao tính hiệu quả và chủ động trong điều hành CSTT.

Thứ tư, hoạt động của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại sử dụng vốn hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành CSTT của NHNN.

Như trên đã nêu, trong những năm gần đây, NHNN đã đẩy mạnh thực hiện các nghiệp vụ thị trường tiền tệ. Đặc biệt là từ tháng 7/2000, NHNN chính thức thực hiện nghiệp vụ thị trường mở và từ năm 2003 trở lại đây, NHNN tăng cường các nghiệp vụ thị trường tiền tệ nói chung và nhất là nghiệp vụ chiết khấu nói riêng. Với xu hướng trên, nhiều ngân hàng thương mại không chỉ coi việc tham gia vào thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ như một hình thức đầu tư mà còn là một hình thức dự trữ thanh khoản mang lại hiệu quả cao. Thực tế cho thấy lãi suất đầu tư vào trái phiếu Chính phủ ở mức thấp so với lãi suất thị trường nhưng đây là một hình thức đầu tư an toàn. Hơn nữa, khi cần thiết các TCTD có thể bán lại các công cụ này trên thị trường tiền tệ để đảm bảo khả năng thanh khoản hoặc tạo nguồn tiếp tục tái đầu tư, trong khi đó, nếu cho vay các TCTD sẽ không có cơ hội tái đầu tư.
Với thủ tục đấu thầu trái phiếu Chính phủ ngày càng được cải tiến, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ ngày càng đa dạng, và tính ưu việt khi đầu tư vào trái phiếu Chính phủ như đã nêu trên, thời gian gần đây nhiều TCTD đã quan tâm và tham gia đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt, ngoài các ngân hàng thương mại Nhà nước, thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã thu hút cả các ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng cổ phần vốn trước đây chỉ tham gia vào thị trường với tính chất thăm dò.

Thứ năm, hoạt động của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ ngày càng phát triển tác động ngày càng mạnh mẽ đến diễn biến trên thị trường tiền tệ, đòi hỏi NHNN nâng cao khả năng điều tiết thị trường.

Việc phát hành trái phiếu Chính phủ và giải ngân nguồn vốn huy động được từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ đều có tác động nhất định đến diễn biến vốn khả dụng trong nền kinh tế. Có thể thấy rằng hoạt động của thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ ngày càng phát triển, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành ngày càng lớn thì hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ ngày càng có tác động đến việc điều hành CSTT. Chính vì vậy, trong điều hành CSTT nói chung cũng như điều hành các nghiệp vụ thị trường tiền tệ nói riêng, NHNN cần phân tích kỹ lưỡng các hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, nhất là những đợt phát hành với khối lượng lớn, cũng như việc giải ngân các nguồn vốn này. Việc Bộ Tài chính/ Kho bạc Nhà nước cung cấp cho NHNN thông tin về kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ và giải ngân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

3. Câu hỏi thường gặp

Mệnh giá trái phiếu Chính phủ là bao nhiêu?

Theo Nghị định 95/2018/NĐ-CP thì mệnh giá phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định như sau:

Trái phiếu Chính phủ có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.

Lãi suất trái phiếu Chính phủ là bao nhiêu?

Trái phiếu được phát hành theo lãi suất cố định, lãi suất thả nổi hoặc lãi suất chiết khấu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước.

Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.

Đặc điểm của trái phiếu Chính phủ là gì?

Theo Nghị định 01 năm 2011, trái phiếu Chính phủ có một số đặc điểm sau:

Về chủ thể phát hành

- Chủ thể phát hành trái phiếu Chính phủ là Bộ Tài chính;

- Chủ thể phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của nhà nước và tổ chức tài chính, tín dụng thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ.

Đối tượng được mua trái phiếu Chính phủ

Tại Điều 7 quy định, đối tượng mua trái phiếu là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Ngoài ra, tổ chức của Việt Nam không được sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp để mua trái phiếu.

Các điều khoản của trái phiếu Chính phủ

Điều 6 Nghị định 01 quy định về các điều khoản của trái phiếu như sau:

- Kỳ hạn trái phiếu

Ngoại trừ tín phiếu kho bạc do Bộ Tài chính phát hành, các loại trái phiếu Chính phủ khác, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương có kỳ hạn từ một (01) năm trở lên. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về kỳ hạn trái phiếu, đảm bảo tính đa dạng và tiêu chuẩn hóa các kỳ hạn trái phiếu nhằm mục đích phát triển thị trường trái phiếu.

- Mệnh giá trái phiếu

Mệnh giá trái phiếu do chủ thể phát hành quyết định. Trường hợp trái phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, mệnh giá trái phiếu được quy định phù hợp với quy định về niêm yết và giao dịch chứng khoán.

- Đồng tiền phát hành, thanh toán trái phiếu

+ Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương phát hành trong nước bằng đồng Việt Nam. Trường hợp trái phiếu Chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thực hiện theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

+ Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phát hành ra thị trường quốc tế bằng ngoại tệ theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định này.

+ Đồng tiền sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu cùng loại với đồng tiền khi phát hành.

+ Việc sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền phát hành, thanh toán trái phiếu phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

- Hình thức trái phiếu

Trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Chủ thể phát hành quyết định cụ thể về hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt phát hành.

- Lãi suất trái phiếu

+ Lãi suất trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương phát hành trong nước do chủ thể phát hành quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.

+ Trái phiếu được phát hành theo lãi suất cố định, lãi suất thả nổi và lãi suất chiết khấu theo phương án phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

XEM THÊM:>>>Quy định cụ thể tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ

Trên đây là vai trò của thị trường trái phiếu Chính phủ. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo