Trong vụ án hình sự kết quả của giám định tư pháp có vai trò quan trọng. Vì vậy, hoạt động giám định phải đảm bảo diễn ra một cách khách quan, chính xác dưới sự giám sát của hội đồng giám định. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, không ít trường hợp sau khi có kết luận giám định cơ quan, người tiến hành tố tụng vẫn ra quyết định giám định bổ sung, giám định lại. Vậy trưng cầu giám định bổ sung được quy định như thế nào. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
1. Khái niệm về giám định bổ sung, giám định lại?
Giám định bổ sung là hoạt động giám định lần tiếp theo sau lần giám định đầu tiên. Cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng ra quyết định giám định bổ sung hoặc đương sự yêu cầu giám định bổ sung khi xét thấy kết quả của lần giám định đầu tiên chưa đáp ứng yêu cầu về vấn đề cần giám định để phục vụ hoạt động xét xử vụ án hình sự
Khác với giám định bổ sung, giám định lại khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác, cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại.
2. Giám định bổ sung Tiếng Anh là gì? Giám định lại Tiếng Anh là gì?
Giám định bổ sung Tiếng Anh là :“Additional expert examinations”
Giám định lại Tiếng Anh là: “Repeated expert examinations”
3. Quy định về giám định bổ sung
3.1. Cơ sở pháp lý về giám định bổ sung
Căn cứ theo Điều 210 của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, nội dung của giám định bổ sung được quy định cụ thể như sau:
” Điều 210. Giám định bổ sung
1. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp:
a) Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ;
b) Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó.
2. Việc giám định bổ sung có thể do tổ chức, cá nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện.
3. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu”.
3.2. Các trường hợp tiến hành giám định bổ sung
Như vậy, việc giám định bổ sung sẽ được tiến hành trong hai trường hợp:
– Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ
Kết luận giám định là chứng cứ quan trong phục vụ công tác xét xử vụ án hình sự đảm bảo đúng pháp luật. Vì vậy, nếu xét thấy kết luận giám định có nội dung chưa rõ, chưa đầy dủ thì cơ quan có thẩm quyền có quyền ra quyết định giám định bổ sung để đảm bảo có được kết quả giám định khách quan, chính xác nhất.
– Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó.
Một vụ án hình sự trong quá trình xét xử sẽ liện tục được bổ sung chứng cứ hoặc bổ sung các tình tiết mới (nếu có) để phục vụ công tác điều tra, xét xử. Vì vậy, trước một tình tiết mới của vụ án hình sự mà cần thiết của việc trưng cầu giám định thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định giám định bổ sung để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tuổi.
3.3. Cơ quan tiến hành giám định bổ sung
Căn cứ theo khoản 2, Điều 210 Bộ luật hình sự 2015, việc giám định bổ sung có thể do tổ chức, cá nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện.
Theo đó, khoản 4, Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012 : “Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Vì tính chất của giám định bổ sung là việc nghiên cứu, giám định thêm trên cơ sở kết quả giám định lần đầu tiên chứ không phải vì lý do sai phạm phía cơ quan giám định. Vì vậy, việc thực hiện giám định bổ sung vẫn có thể được thực hiện bới cơ quan giám định lần đầu. Mặt khác, việc để cơ quan giám định lần đầu tiên tiếp tục thực hiện giám định bổ sung sẽ rút ngắn thời gian giám định hơn do cơ quan này đã có sự am hiểu về đối tượng giám định trước đó rồi.
4. Quy định về giám định lại
4.1. Cơ sở pháp lý về giám định lại
Căn cứ theo Điều 211 của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, nội dung của giám định lại được quy định cụ thể như sau:
” Điều 211. Giám định lại
1. Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.
2. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp”.
4.2. Các trường hợp giám định lại
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hiện nay, chỉ duy nhất một trường hợp cơ quan, người tiến hành tố tụng ra quyết định giám định lại hoặc đương sự trong vụ án hình sự gửi yêu cầu giám định là là khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác.
Căn cứ nghi ngờ kết luận giám định không chính xác có thể trên cơ sở sai sót từ phía cơ quan giám định, quá trình giao nhận đối tượng giám định,…
4.3. Cơ quan tiến hành giám định lại
Việc giám định lại không được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan giám định lần đầu tiên mà phải được thực hiện bởi cơ quan giám định khác.
Nếu như giám định bổ sung có thể được thực hiện bởi cơ quan giám định lần đầu thì giám định lại yêu cầu được thực hiện bởi cơ quan khác. Bản chất của giám định lại là việc cơ quan, người tiến hành tố tụng hoặc đương sự vụ án hình sự nghi ngờ về kết quả giám định không chính xác. Vì vậy, việc giám định lại phải được tiến hành bởi cơ quan khác nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch của kết quả giám định
4.4. Giám định lại trong trường hợp đặc biệt
Điều 212 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về giám định lại trong một số trường hợp như sau:
“Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Việc giám định lại trong trường hợp đặc biệt phải do Hội đồng mới thực hiện, những người đã tham gia giám định trước đó không được giám định lại. Kết luận giám định lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án”.
Như vậy, đối với những vụ án có tính chất phức tạp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định
5. Câu hỏi thường gặp
Thẩm quyền giám định trong tố tụng dân sự?
Căn cứ vào Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định khi Tòa án trưng cầu giám định hoặc khi đương sự có yêu cầu.
Người giám định có các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật.
Người giám định phải từ chối giám định hoặc bị thay đổi trong trường hợp:
- Người giám định đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
- Có căn cứ cho rằng người giám định không vô tư trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Thuộc một trong các trường hợp không được giám định tư pháp theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
- Đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch trong cùng một vụ án.
- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Trưng cầu giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì sao?
– Trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại; nếu không rút lại thì người tố cáo có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Tòa án có quyền quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật này.
– Trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì Tòa án chuyển tài liệu, chứng cứ có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
– Người đưa ra chứng cứ được kết luận là giả mạo phải bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác và phải chịu chi phí giám định nếu Tòa án quyết định trưng cầu giám định.
Cần giám định chữ ký ở đâu?
- Viện pháp y quốc gia; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực; Viện pháp y tâm thần Trung ương trực thuộc Bộ Y tế.
- Viện pháp y Quân đội; Phòng giám định kỹ thuật hình sự trực thuộc Bộ Quốc phòng.
- Viện Khoa học hình sự; TT giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự trực thuộc Bộ Công an.
- Trung tâm pháp y cấp tỉnh thuộc UBND tỉnh; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh.
Cơ sở pháp lý: Nghị định 85/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 157/2020/NĐ-CP
Quy định về kết luận giám định tư pháp?
– Kết luận giám định tư pháp phải ghi rõ họ tên người thực hiện giám định; tổ chức thực hiện giám định.
– Kết luận giám định tư pháp phải ghi rõ tên cơ quan tiến hành tố tụng; họ, tên người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định.
– Kết luận giám định tư pháp phải có thông tin xác định đối tượng giám định.
XEM THÊM :>>>Quy định về trưng cầu giám định tâm thần
Trên đây là một số thông tin về trưng cầu giám định bổ sung. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết.
Nội dung bài viết:
Bình luận