Trong bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vẫn còn tồn tại những yếu điểm dẫn tới sự mâu thuẫn giữa lựa chọn dài hạn và lợi ích ngắn hạn, buộc doanh nghiệp phải cân nhắc và chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đổi lấy lợi ích dài hạn. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực và nhận thức một cách đầy đủ để nhận ra và lựa chọn theo con đường đó. Vậy Trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường như thế nào? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Hiện nay, có một thực tế đáng buồn là nhiều doanh nghiệp đang chấp nhận đổi lợi ích dài hạn để chọn lợi ích ngắn hạn, nên chấp nhận hy sinh cả vấn đề về môi trường chỉ vì mục đích lợi nhuận. Để có thể điều chỉnh, đòi hỏi quyết tâm rất lớn từ cả cộng đồng và bản thân mỗi doanh nhân.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không phải là câu chuyện có thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà phải là một quá trình đồng hành và nỗ lực.
Luật bảo vệ môi trường năm 2020 ra đời đã có sự thay đổi rất lớn về kỹ thuật lập pháp và nguyên tắc về bảo vệ môi trường. Các yếu tố về phát triển bền vững và gắn môi trường với sự phát triển của kinh tế và xã hội đã được thể hiện rất rõ. Cụ thể, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 không chỉ đơn thuần là một đạo luật chống lại các hành vi gây ô nhiễm môi trường mà đã tiến xa hơn, trở thành cơ sở pháp lý cho các giải pháp thực hành phát triển bền vững.
Là một tế bào của nền kinh tế, trách nhiệm của doanh nghiệp có thể chỉ ra mấy nhóm như sau:
Nhóm thứ nhất là việc chủ động xây dựng các đánh giá về khả năng tác động của dự án đối với môi trường, thể hiện rõ qua trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai các dự án đầu tư. Đây là biện pháp chủ động nhằm phát hiện các yếu tố có khả năng gây nguy hại tới môi trường và đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa, xử lý chất thải và khắc phục sự cố môi trường. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được gửi tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đánh giá và phê duyệt trước khi triển khai dự án.
Nhóm thứ hai là xin cấp giấy phép môi trường, tức là doanh nghiệp cần phải xin phép cơ quan Nhà nước và chỉ được thực hiện khi được cơ quan Nhà nước cấp phép đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Nhóm thứ ba là trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp và tổ chức cá nhân liên quan đến các yếu tố môi trường. Việc cung cấp thông tin sẽ được thực hiện bằng hình thức cung cấp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu, và hình thức công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức hoặc bằng hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin. Bên cạnh đó, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm lập và gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nhóm thứ tư là trách nhiệm của doanh nghiệp về phòng ngừa sự cố, ứng phó với sự cố về môi trường. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Doanh nghiệp gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường.
Nhóm thứ năm là trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Doanh nghiệp gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.
Nhóm thứ sáu là các vấn đề khác, như thực hiện các trách nhiệm về nộp phí bảo vệ môi trường, kỹ quỹ bảo vệ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn “vô tư” xả thải ra ngoài môi trường. Xả rác thải ra môi trường hay không hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo số liệu thống kê cho thấy, tuyệt đại đa số doanh nghiệp Việt Nam nằm ở quy mô vừa và nhỏ, với tiềm lực về tài chính và công nghệ rất thấp. Nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường sẽ tạo nên gánh nặng về chi phí rất lớn. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều tìm cách trốn tránh các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường để tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, khả năng thực thi pháp luật về môi trường còn tồn tại nhiều bấp cập. Có quá nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, dẫn tới xử lý không xuể, và hệ quả là các chế tài xử lý bị nhờn, bị coi thường.
Trong nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ đòi hỏi mức độ đầu tư của Nhà nước phải lớn hơn nữa, lớn hơn so với đầu tư của doanh nghiệp. Không ai có thể thay thế vai trò của nhà nước trong việc tạo ra những mắt xích kết nối để khép kín vòng tuần hoàn của nền sản xuất.
Và vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược, trở thành một tất yếu mà tất cả chúng ta sẽ phải theo. Doanh nghiệp nào không chuẩn bị đón nhận và không sẵn sàng đón nhận thì sẽ bị đào thải.
Nội dung bài viết:
Bình luận