Hợp tác xã là tổ chức kinh tế xã hội do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có nhu cầu, lợi ích chung cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật để phát huy sức mạnh của xã viên, giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, hỗ trợ về tinh thần, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nên nhiều chủ thể mong muốn được góp vốn vào hợp tác xã tuy nhiên trong nhiều trường hợp do nguyên nhân khách quan, chủ quan phải trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã. Vậy Các trường hợp trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã bao gồm những trường hợp nào?
Các trường hợp trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã
1. Quy định về hợp tác xã
- Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
- Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.
- Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
- Thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ. (xem thêm: Luật hợp tác xã 2012 và Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn luật hợp tác xã)
Như vậy, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế hay loại hình doanh nghiệp đặc biệt: có tư cách pháp nhân, thành lập để kinh doanh ngành nghề, lĩnh vực pháp luật không cấm, có điều lệ, trụ sở hoạt động rõ ràng. Hợp tác xã hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Yếu tố đặc biệt của loại hình doanh nghiệp vì được thành lập bởi một nhóm ít nhất 7 thành viên trở lên, với số lượng thành viên không hạn chế, việc gia nhập hay rút khỏi tổ chức này là tự nguyện, tự do theo điều lệ hợp tác xã, các thành viên không phân biệt vốn góp trong quyết định hoạt động của hợp tác xã. Ngoài ra mục tiêu chủ yếu là cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên góp vốn. Thành viên hợp tác xã có thể là lao động và hưởng lương trực tiếp từ hoạt động kinh doanh của hợp tác xã.
2. Các trường hợp trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã
Theo quy định tại điều 18, Luật Hợp tác xã năm 2012, các thành viên của hợp tác xã được trả lại phần vốn góp trong trường hợp:
– Chấm dứt tư cách thành viên khi:
+ Thành viên là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật;
+ Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản; hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã bị giải thể, phá sản;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị giải thể, phá sản;
+ Thành viên, hợp tác xã thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
+ Thành viên, hợp tác xã thành viên bị khai trừ theo quy định của điều lệ;
+ Thành viên, hợp tác xã thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm;
+ Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ;
+ Trường hợp khác do điều lệ quy định.
– Trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định.
Trình tự trả lại vốn góp:
Theo Điều 51 Luật hợp tác xã quy định trình tự trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên như sau:
“Điều 51. Trình tự trả lại vốn góp
1. Việc trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên chỉ được thực hiện sau khi hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đã quyết toán thuế của năm tài chính và bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Thành viên, hợp tác xã thành viên chỉ được trả lại vốn góp sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Cá nhân hoặc tập thể quyết định việc trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên không đúng quy định tại khoản này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
2. Việc trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên do điều lệ quy định, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định của pháp luật có liên quan.”
Như vậy theo quy định về việc trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên chỉ được thực hiện sau khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã quyết toán thuế của năm tài chính và đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thành viên, hợp tác xã thành viên chỉ được trả lại vốn góp sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Trên đây là các nội dung giải đáp của chúng tôi về Các trường hợp trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã. Trong quá trình tìm hiểu, nếu như các bạn cần Công ty Luật ACC hướng dẫn các vấn đề pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Nội dung bài viết:
Bình luận