CIC (Credit Information Center) là Trung tâm thông tin tín dụng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nếu bạn từng có ý định hay đã làm các thủ tục vay tiền tại Ngân hàng, chắc chắn bạn đã từng nghe đến cụm từ “tra cứu CIC cá nhân” để kiểm tra tín dụng. Luật ACC xin gửi đến quý bạn đọc bài viết về Cách tra cứu CIC cá nhân đơn giản và nhanh nhất.
1. CIC là gì?
Theo Thông tư 03/2013/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 27/2017/TT-NHNN, CIC (Credit Information Centre) là tên viết tắt bằng tiếng Anh của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia.
Điều 1 Quyết định 3289/QĐ-NHNN ngày 31/12/2008 quy định về CIC như sau:
- CIC là tổ chức sự nghiệp Nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước, có chức năng thu nhận, xử lý, lưu trữ, phân tích, dự báo thông tin tín dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước;
- Thực hiện các dịch vụ thông tin ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật.
- CIC là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng mở tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước, có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội; thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên theo quy định của Nhà nước và của pháp luật.
2. Quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của CIC
Nhiệm vụ và quyền hạn của CIC được quy định tại Điều 2 Quyết định 3289/QĐ-NHNN ngày 31/12/2008 như sau:
- Xây dựng, trình Thống đốc ký ban hành các văn bản về hoạt động thông tin tín dụng; tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện sau khi được Thống đốc ký ban hành.
- Xây dựng, trình Thống đốc phê duyệt các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình về phát triển CIC dài hạn, năm năm, hàng năm; tổ chức triển khai thực hiện sau khi được Thống đốc phê duyệt.
- Lập, trình Thống đốc phê duyệt danh mục, tiêu chuẩn về thông tin tín dụng; tổ chức xử lý, lưu trữ, quản lý kho dữ liệu quốc gia về thông tin tín dụng.
- Tổ chức khai thác, thu thập, mua thông tin tín dụng từ các nguồn trong, ngoài nước; cung cấp kịp thời, đầy đủ, trung thực các sản phẩm thông tin tín dụng cho Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác theo quy định của Thống đốc và của pháp luật.
- Thực hiện việc phân tích, xếp hạng và chấm điểm tín dụng đối với các tổ chức, cá nhân có quan hệ vay vốn của các tổ chức tín dụng.
- Xuất bản các ấn phẩm thông tin tín dụng và phát hành Bản tin thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các dịch vụ thông tin tín dụng; cảnh báo sớm rủi ro tín dụng theo quy định của pháp luật.
- Được liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân hoặc thuê chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Thống đốc và của pháp luật.
- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực thông tin tín dụng;
- Phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng và các tổ chức liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác thông tin tín dụng của CIC và của ngành Ngân hàng.
- Quản lý biên chế và sử dụng cán bộ, viên chức:
+ Được quyết định biên chế của CIC;
+ Quản lý và sử dụng cán bộ, viên chức: Ký hợp đồng làm việc đối với những người được tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, bố trí, sắp xếp cán bộ, viên chức; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật (trừ các chức danh do Thống đốc quản lý),
+ Bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch lương tương đương, nâng bậc lương đúng hạn, trước hạn đối với cán bộ, viên chức của CIC có ngạch lương từ Chuyên viên và tương đương trở xuống; thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, viên chức theo quy định của pháp luật.
+ Trình Thống đốc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với Giám đốc, Phó Giám đốc CIC;
+ Trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch, nâng ngạch, nâng bậc lương đúng hạn, trước hạn đối với Giám đốc, Phó Giám đốc và cán bộ, viên chức của CIC có ngạch lương từ Chuyên viên chính và tương đương trở lên;
+ Cử cán bộ, viên chức của CIC (trừ Giám đốc, Phó Giám đốc) đi công tác, học tập ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện việc hợp tác quốc tế; tiếp nhận, quản lý các dự án trợ giúp kỹ thuật của các tổ chức quốc tế về lĩnh vực thông tin tín dụng khi được Thống đốc giao.
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật.
- Quản lý tài chính, tài sản của CIC theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc giao.
3. Cách tra cứu CIC cá nhân
3.1. Tra cứu CIC cá nhân trên website
Bước 1: Truy cập vào website https://cic.gov.vn/#/ và bấm vào ô “Đăng ký” phía trên góc phải màn hình.
Bước 2: Nhập thông tin đăng ký, bao gồm các nội dung như sau:
- Họ và tên;
- Ngày sinh;
- Số điện thoại;
- Số CMND/CCCD; ngày cấp; nơi cấp.
- Email;
- Giới tính;
- Ảnh CMND/CCCD (mặt trước, mặt sau, chân dung)
- Địa điểm.
Bước 3: Thiết lập mật khẩu
Bước 4: Nhập mã OTP được gửi về số điện thoại mà đã đăng ký, sau đó ấn “tiếp tục“
Bước 5: Nhân viên CIC sẽ gọi điện thoại cho bạn để xác thực thông tin qua hình thức hỏi – đáp
Bước 6: Sau khi tạo tài khoản thành công, kết quả đăng ký, tên đăng nhập, mật khẩu sẽ được gửi qua SMS/Email của bạn.
Bước 7: Đăng nhập vào hệ thống CIC, và kiểm tra lịch sử tín dụng ở phần thông tin cá nhân.
3.2. Kiểm tra CIC cá nhân trên ứng dụng CIC Credit Connect
Bước 1: Tải về cài đặt ứng dụng CIC cho điện thoại.
Bước 2: Đăng ký tài khoản CIC theo các bước yêu cầu của hệ thống
Bước 3: Đăng nhập tài khoản khi CIC xét duyệt thành công. Quá trình xét duyệt có thể mất 1-3 ngày ngày làm việc hành chính.
Bước 4: Sử dụng tính năng tra cứu kiểm tra nợ xấu theo các bước yêu cầu của hệ thống
Bước 5: Nhận kết quả tra cứu
Trên đây là toàn bộ nội dung hướng dẫn của Luật ACC về Cách tra cứu CIC cá nhân đơn giản và nhanh nhất. Trong quá trình tìm hiểu, nếu quý bạn đọc còn có thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website hoặc Hotline để được hỗ trợ giải đáp.
Nội dung bài viết:
Bình luận