Tội xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của người khác là gì?

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình không những được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về quyền con người, mà mỗi quốc gia thành viên đều phải tuân thủ thực hiện những nguyên tắc cơ bản trong việc bảo vệ quyền con người tại quốc gia thành viên. Vậy Ví dụ về hành vi xâm phạm quyền riêng tư? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Quyền Riêng Tư
Tội xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của người khác là gì?

1. Quyền riêng tư cá nhân là gì? Bao gồm những nội dung gì?

Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, được tôn trọng và được luật pháp bảo vệ.

Về cơ bản thì quyền riêng tư được pháp luật bảo vệ bao gồm 4 nội dung như sau:

– Quyền riêng tư về thông tin cá nhân:

Pháp luật Việt Nam đã ban hành các quy định về nguyên tắc trong hoạt động quản lý thu thập và xử lý các thông tin cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của cơ quan nhà nước lưu trữ về công dân. Các thông tin này được bảo đảm bảo mật tuyệt đối để tránh gây ra những ảnh hưởng xấu đến cá nhân đó . Hoạt động này được gọi là “bảo vệ dữ liệu”.

– Quyền riêng tư về cơ thể:

Quyền riêng tư về cơ thể được hiểu là các quyền mà pháp luật bảo vệ liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của mỗi người trong xã hội.

– Quyền riêng tư về thông tin liên lạc:

Bao gồm các quy định của pháp luật về bảo mật và riêng tư liên quan đến thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.

– Quyền riêng tư về nơi cư trú:

Là những quyền được pháp luật bảo vệ liên quan đến việc xử phạt đối với sự xâm nhập chỗ ở, nơi làm việc của người khác mà chưa được cá nhân đó cho phép.

2. Quyền riêng tư của mỗi cá nhân được pháp luật bảo hộ như thế nào?

Khi mà những phương tiện điện tử và mạng xã hội đang rất phát triển, mọi thông tin, bí mật riêng tư đều có nguy cơ bị phát tán và gây ảnh hưởng xấu cho cá nhân đó. Quyền riêng tư của mỗi cá nhân là một trong những quyền cơ bản của công dân được nhà nước công nhận và bảo vệ. Mặc dù vậy, hiện nay hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có đạo luật riêng cụ thể quy định về quyền riêng tư, mà thay vào đó quyền này được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực mà văn bản đó điều chỉnh.

Theo quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013 có quy định về quyền riêng tư như sau:

“ 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Theo đó, Hiến pháp Việt Nam công nhận và bảo vệ các quyền riêng tư của cá nhân trong mọi lĩnh vực và đời sống như: công dân có quyền bất khả xâm phạm về quyền riêng tư, quyền bảo mật về thư tín, điện tín,…. Không ai có quyền xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân của người khác khi không được người đó cho phép trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về quyền riêng tư của cá nhân như sau:

“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Bộ luật Dân sự 2015 cũng ghi nhận quyền riêng tư là quyền bất khả xâm phạm của mỗi người. Mọi thông tin cá nhân về đời sống riêng tư, bí mật của các bên tham gia giao kết hợp đồng đều được bảo vệ an toàn và các bên không được tiết lộ các thông tin liên quan đến bên còn lại.

Tại điều 46 Luật Giao dịch Điện tử 2005 cũng có quy định về quyền riêng tư như sau:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Theo đó, trong hoạt động giao dịch điện tử các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định rõ các cơ quan, cá nhân và tổ chức không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến quyền riêng tư của các đối tượng khác nếu không được họ đồng ý.

Như vậy, dù không được ban hành một đạo luật riêng nhưng hiện nay pháp luật cũng đã có những quy định bảo vệ quyền riêng tư của công dân – một trong những quyền cơ bản và dễ bị xâm phạm nhất của công dân. Theo đó, một người khi xâm phạm đến quyền riêng tư của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ vi phạm của hành vi xâm phạm đó.

3. Xâm phạm quyền riêng tư của người khác bị xử lý như thế nào?

Xử phạt hành chính

Đối với trách nhiệm hành chính, điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định mức phạt tiền cụ thể:

“Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”

Như vậy, người nào xâm phạm quyền riêng tư của người khác nhằm đe dọa, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp hành vi vi phạm cấu thành nên tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người thực hiện hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định sau:

Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, người nào xâm phạm quyền riêng tư của người khác mà đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác thì có thể bị phạt tù lên đến 03 năm.

 

 

 

 

 

 

 

 

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo