Tội phạm là một hiện tượng xã hội mang tính chất hình sự - pháp lý, có nguồn gốc và nguyên nhân từ xã hội. Mặt khác, tội phạm là một phạm trù lịch sử, nó gắn liền với Nhà nước và giai cấp. Khái niệm tội phạm cũng luôn vận động và biến đổi cùng với những vận động của xã hội. Theo đó, nhà làm luật sẽ dự liệu và quy định về tội phạm mới hay xóa bỏ một tội phạm nào đó khi ban hành đạo luật hình sự mới. Đó gọi là tội phạm hóa. Vậy tội phạm hóa là gì? Phi tội phạm hóa là gì? Vấn đề này được thể hiện trong Bộ luật hình sự như thế nào? Hãy cùng Luật ACC tìm hiểu nhé!
1.Tội phạm hóa là gì ?
Tội phạm hoá, thì chữ “hoá” ở đây được hiểu là một khái niệm sẽ xuất hiện tương ứng, mà chúng ta hướng tới để xác định. Nói một cách “vĩ mô”, thì đó là cách nhà làm luật pháp điển hoá những hành vi của con người chưa được coi là tội phạm, thành hành vi được coi là tội phạm, phải coi là tội phạm và quy định nó trong Bộ luật Hình sự. Nói một cách khác, chữ “hóa” trong khái niệm “tội phạm hóa” thể hiện một quá trình biến đổi, một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về các mặt liên quan trong đời sống xã hội như chính trị, văn hóa, lịch sử, tâm lý…của các nhà nghiên cứu khoa học luật hình sự để đưa một hành vi nào đó vào điều chỉnh trong Bộ luật hình sự. Tội phạm hoá được hiểu là một hành vi nào đó do con người thực hiện tại thời điểm trước các nhà làm luật không cho rằng nó là hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội hoặc tính nguy hiểm cho xã hội không đáng để bị coi là tội phạm nên hành vi ấy không cấu thành tội phạm nên người thực hiện hành vi ấy không bị coi là tội phạm, nhưng tại một thời điểm khác, cũng hành vi ấy các nhà làm luật dựa trên các căn cứ về lý luận, nhận thức, điều kiện tâm lý, kinh tế, xã hội, lịch sử... lại quy định đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đủ điều kiện để cấu thành tội phạm nên người thực hiện hành vi đó bị coi là tội phạm.
2. Phi tội phạm hóa là gì?
Trong trường hợp này, chữ “phi” có nghĩa là không, là không được coi, không được xác định một hành vi, một số hành vi nào đó được coi là hành vi tội phạm. Lý do của vấn đề này thì nhiều, nhưng lý do cơ bản nhất là các hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, không được coi là tội phạm, không bị xử lý bằng biện pháp hình sự, khi một ai đó thực hiện các hành vi này.
Phi tội phạm hóa được hiểu là, một hành vi nào đó do con người thực hiện, tại thời điểm trước nhà làm luật cho rằng, hành vi đó phải coi là tội phạm, phải được quy định là tội phạm trong Bộ luật Hình sự, và ai đó thực hiện nó, thì có thể bị coi là thực hiện tội phạm, nếu có đủ các dấu hiệu liên quan khác theo quy định của pháp luật . Nhưng tại thời điểm hiện nay, vì nhiều lẽ khác nhau, hành vi đó không có tính nguy hiểm hoặc tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, và khi một ai đó thực hiện hành vi này, sẽ không cấu thành tội phạm, vì vậy hành vi đó không cần phải quy định trong Bộ luật Hình sự là tội phạm.
3. Sự cần thiết của tội phạm hóa và phi tội phạm hóa
Trong từng giai đoạn phát triển tương ứng của xã hội, việc tội phạm hoá trong pháp luật hình sự, nhà làm luật cho ta thấy, nếu không quy định trách nhiệm hình sự đối với loại hành vi nào đó (mà trong giai đoạn trước đây chỉ bị coi là hành vi trái đạo đức) hoặc nếu chỉ tiếp tục áp dụng chế tài pháp lý của ngành luật tương ứng khác ít nghiêm khắc hơn luật hình sự đối với loại hành vi nào đó (mà trước đây chỉ bị coi là vi phạm pháp luật) thì sẽ không còn đủ sức ngăn chặn đối với loại hành vi đó nữa; mặt khác, loại hành vi nào đó mặc dù mới xuất hiện và trước đây chưa được quy định là vi phạm pháp luật trong bất cứ ngành luật nào, nhưng do tính nguy hiểm cho xã hội cao và tính phổ biến cao mà việc thực hiện loại hành vi đó bị lên án về mặt đạo đức và bị dư luận xã hội phản ứng gay gắt nên vì vậy, loại hành vi đó phải bị tuyên bố là tội phạm.
Thực tiễn xã hội, lịch sử của việc đấu tranh phòng và chống tội phạm cho thấy, hiệu quả của các quy phạm pháp luật hình sự đạt được không phải là bằng sự mở rộng phạm vi áp dụng hoặc tăng nặng hình phạt mà phải bằng việc phân hóa tối đa trách nhiệm hình sự và đảm bảo hoàn toàn nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm hình sự. Vì vậy, trong những điều kiện đầy phức tạp của nền kinh tế thị trường do sự tăng lên về số lượng của việc tội phạm hóa những hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhà nước thường bị thiệt hại không những về tinh thần, mà phần đáng kể hơn là về vật chất, khi một bộ phận lớn công dân bị loại ra khỏi lĩnh vực sản xuất ra của cải cho xã hội và nhà nước phải bỏ ra các chi phí nuôi ăn và giáo dục, cải tạo những người bị kết án trong các nhà tù. Do đó, không phải ngẫu nhiên, khi chứng minh việc giảm nhẹ sự trấn áp về hình sự đối với những người phạm tội cũng như của việc kết hợp điều này với nguyên tắc nhân đạo, tính nhân văn của xã hội, nhà luật học C.Mac đã quan niệm rằng: “nhà làm luật thông minh là phải ngăn ngừa tội phạm để khỏi phải trừng phạt nó … và đừng biến thành tội phạm hành vi nào chỉ mang tính vi cảnh”. Đây là quan niệm đúng đắn, thể hiện sự cần thiết và vai trò quan trọng của việc TPH và PTPH trong pháp luật hình sự
4. Vai trò của tội phạm hóa và phi tội phạm hóa
Tội phạm hóa và phi tội phạm hóa là hai quá trình trái ngược nhau và khác nhau song chúng đều có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ và tác động tương hỗ lẫn nhau với tính chất là các biện pháp tư pháp để thực hiện chính sách hình sự, được thể hiện bằng một loạt các giai đoạn trong hoạt động xây dựng pháp luật hình sự của Nhà nước pháp quyền. Thực hiện tội phạm hóa, phi tội phạm hoá trong quá trình xây dựng luật là tôn trọng nguyên tắc pháp chế, bảo đảm sự thật khách quan của vụ án, tôn trọng và bảo vệ các quyền lợi của bị can, bị cáo theo đúng chuẩn mực tối thiểu của cộng đồng quốc tế đã được thừa nhận chung bởi nhân loại tiến bộ. Góp phần bảo vệ các cơ sở của chế độ hiến định, nhân thân cũng như các quyền tự do của con người của công dân, đồng thời bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật góp phần giữ gìn hòa bình an ninh của nhân loại trong khu vực và trên toàn thế giới. Bản chất của quá trình tội phạm hóa là ghi nhận trong pháp luật hình sự một hành vi nào đó là tội phạm và quy định trách nhiệm hình sự đối với việc thực hiện hành vi đó, còn bản chất của quá trình phi tội phạm hóa là loại trừ khỏi pháp luật hoặc giảm nhẹ hình phạt của pháp luật hình sự hiện hành một hành vi nào đó và hủy bỏ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi đó.
5. Ý nghĩa của tội phạm hóa và phi tội phạm hóa
Tội phạm hoạt động, gây ra hậu quả xấu cho xã hội, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, gây trở ngại cho việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, gây ra bất ổn về mặt chính trị. Nhiều vấn đề hình sự đã trở thành vấn đề chính trị, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia như: buôn lậu, tham ô tài sản với giá trị lớn, cố ý làm trái các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... gây ra sự bất ổn cho xã hội... ở một số nước, nhiều vụ tham ô, hối lộ, sách nhiễu dân chúng dẫn đến làm suy sụp cả chế độ xã hội như ở Indonesia, Philippin, Mêhicô... Thực hiện tội phạm hóa và phi tội phạm hóa sẽ góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thực hiện tội phạm hóa và phi tội phạm hóa góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thực hiện tội phạm hóa và phi tội phạm hóa sẽ góp phần hạn chế tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn và tiêu cực xã hội, tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, mọi quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội và của công dân sẽ được tôn trọng và bảo vệ. Mọi hành vi phạm tội sẽ được điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tạo bước chuyển biến quan trọng của toàn xã hội trong nhận thức về trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm, các cấp, các ngành và đại bộ phận nhân dân đã thấy được trách nhiệm, quyền lợi trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Tạo được cơ chế phối hợp thực hiện đồng bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm.
6. Các câu hỏi thường gặp
1. Mục tiêu của tội phạm hóa và phi tội phạm hóa là gì?
Nói tóm lại quá trình tội phạm hóa và phi tội phạm hóa trong Luật Hình sự Việt Nam
có ba mục tiêu không thể tách rời nhau và gắn bó mật thiết với nhau đó là các mục tiêu:
- Bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ
chức; bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa;
- Mục tiêu đấu tranh phòng và chống tội phạm;
- Giáo dục mọi người nâng cao ý thức, tuân theo pháp luật, nâng cao ý thức chống và
phòng ngừa tội phạm
2. Các yếu tố tác động đến quá trình tội phạm hóa và phi tội phạm hóa
Các yếu tố chính tác động đến quá trình tội phạm hóa và phi tội phạm hóa là:
Yếu tố chính trị - xã hội
Yếu tố văn hóa – lịch sử
Yếu tố tâm lý
3. Sự thể hiện nội dung tội phạm hóa và phi tội phạm hóa tại phần chung trong Bộ luật hình sự Việt Nam
BLHS năm 1999 đã thể chế hoá chính sách hình sự về tội phạm, nghĩa là chính sách trong việc cân nhắc, đánh giá về mặt pháp luật các hành vi nguy hiểm xẩy ra một cách khách quan trong xã hội, thông qua quá trình TPH, PTPH cả ở phần chung cũng như trong phần các tội phạm.
Về TPH, Bộ luật hình sự đã sử dụng các hình thức mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự tại các chế định phần chung: Quy định thêm tội danh mới (so với Bộ luật hình sự năm 1985); Phân hoá tội danh trước thành các tội danh mới.
Về PTPH, Bộ luật hình sự cũng có thể sử dụng cách thức tương tự với chiều ngược lại, đó là: Thông qua các quy định ở phần chung thu hẹp đối tượng áp dụng trách nhiệm hình sự và các hành vi phạm tội; Bỏ bớt (loại bỏ) một số tội danh ở phần các tội phạm cụ thể; Quy định thêm điều kiện đối với yếu tố nào đó của cấu thành tội phạm [34, tr 148].
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của chúng tôi về Tội phạm hóa là gì ? Phi tội phạm hóa là gì?. Trong quá trình tìm hiểu, nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhé. Công ty Luật ACC đồng hành pháp lý cùng bạn!
Nội dung bài viết:
Bình luận