Đề tài tiểu luận lịch sử đảng kháng chiến chống Mỹ

Thông qua bài viết dưới đây, ACC sẽ cung cấp một số ý chính cần có trong bài tiểu luận lịch sử đảng kháng chiến chống Mỹ

1. Cuộc kháng chiến chống Mỹ trải qua 5 giai đoạn chiến lược

Giai đoạn 1 (7.1954-12.1960)

Thời kỳ giữ gìn lực lượng chuyển sang khởi nghĩa từng phần - phong trào Đồng Khởi. Miền Bắc ra sức củng cố, xây dựng theo hướng XHCN làm căn cứ địa vững chắc cho cách mạng cả nước; miền Nam từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa từng phần, đánh bại cuộc chiến tranh một phía của Mỹ.

Thi hành Hiệp định Geneve, LLVT ta rút ra miền Bắc tập kết. Trong khi đó quân ngụy tay sai rút vào miền Nam. Với âm mưu chia cắt lâu dài VN, biến miền Nam VN thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, từ năm 1955, đế quốc Mỹ xây dựng cho chính quyền Ngô Đình Diệm một đội pháo binh, thiết giáp chủ lực cùng 54.000 quân địa phương dưới sự điều khiển trực tiếp của Mỹ thông qua gần 700 cố vấn quân sự.

Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên ra sức phá hoại hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam, thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đánh phá điên cuồng, giết hại, giam cầm hơn nửa triệu cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước, đàn áp dã man phong trào đấu tranh của nhân dân đòi thi hành hiệp định Giơnevơ và thực hiện tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước cùng chính quyền dân sinh, dân chủ (xem vụ thảm sát Ngân Sơn-Chí Thạnh, 7.9.1954; vụ thảm sát Phú Lợi, 1.12.1958). Chỉ trong 4 năm (1955-1958), 9/10 cán bộ đảng viên bị bắt giết, tù đày, nhiều huyện không còn cơ sở đảng. Cách mạng miền Nam phải chịu những tổn thất nặng nề và lâm vào tình thế rất hiểm nghèo.

Kế thừa, phát triển các nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị, Xứ ủy Nam Bộ và Đề cương Cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn, tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ XV Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xác định: con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Hội nghị còn dự đoán, vì đế quốc Mỹ là đế quốc hiếu chiến nhất nên cuộc khởi nghĩa của nhân dân có thể chuyển thành chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch.

Ngay sau khi Hội nghị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã cho lập Đoàn vận tải quân sự Trường Sơn (Đoàn 559), bắt đầu chi viện người và vũ khí cho miền Nam.

Nghị quyết 15 của Đảng đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của cách mạng miền Nam, mở đường cho cách mạng tiến lên. Dưới ánh sáng nghị quyết Hội nghị Trung ương XV (1.1959), năm 1959-60 các cuộc khởi nghĩa từng phần liên tiếp nổ ra ở vùng núi miền Trung và đồng bằng Nam Bộ, giành quyền làm chủ về tay nhân dân ở hàng nghìn xã, ấp, đẩy địch vào thế bị động, khủng hoảng (xem nổi dậy ở Vĩnh Thạnh, 6.2-4.1959; nổi dậy ở Bắc Ái, 7.2-4.1959; khởi nghĩa Trà Bồng, 8.1959, đồng khởi Bến Tre, 17.1-20.4.1960 ). Cuối năm 1959-đầu năm 1960, một phong trào “Đồng Khởi” nổi dậy khởi nghĩa diệt bọn tề điệp ác ôn, giải tán chính quyền cơ sở, diệt đồn, phá ách kìm kẹp của địch nổ ra rộng khắp các tỉnh Nam Bộ và vùng rừng núi Trung Trung Bộ, nhân dân giành được quyền làm chủ. Đặc biệt, trận tiến công Tua Hai (Tây Bắc thị xã Tây Ninh 7km) rạng sáng ngày 21/1/1960, LLVT ta tiêu diệt 500 tên, bắt giáo dục 500 tên khác, thu hàng ngàn súng. Đây là một trong những trận đánh tiêu diệt lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Nam.

Phong trào “Đồng Khởi” đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công, từ hình thức đấu tranh chính trị là chính có lực lượng vũ trang hỗ trợ, chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, từ đấu tranh quân sự từng bước lên ngang hàng đấu tranh chính trị.

Từ cao trào đồng khởi của nhân dân, LLVT cách mạng miền Nam phát triển nhanh chóng; Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) ra đời (20.11.1960). Từ miền Bắc, tuyến vận tải chiến lược vào miền Nam bằng đường bộ, đường biển hình thành và phát triển. Cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công.

Tiểu Luận Lịch Sử đảng Kháng Chiến Chống MỹTiểu luận lịch sử đảng kháng chiến chống Mỹ

Giai đoạn 2 (1.1961-6.1965)

 Cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ.

Thắng lợi của phong trào “Đồng Khởi” đã làm thất bại cuộc chiến “chiến tranh một phía” của Eisenhower, đẩy chính quyền Ngô Đình Diệm vào thời kỳ khủng hoảng triền miên. Trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền tay sai, Mỹ phải đối phó bằng chiến lược chiến tranh đặc biệt, ra sức củng cố và phát triển QĐ Sài Gòn, tăng cường viện trợ, cố vấn và lực lượng yểm trợ của Mỹ; mở các cuộc hành quân càn quét, gom dân, lập ấp chiến lược theo kế hoạch Staley-Taylor.

Chính quyền Kennedy công bố học thuyết chiến tranh mới: Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và chọn miền Nam Việt Nam làm nơi thí điểm. Nội dung chủ yếu của “Chiến tranh đặc biệt” là: củng cố ngụy quyền, tăng cường khả năng chiến đấu của ngụy quân bằng chỉ huy, trang bị vũ khí, yểm trợ kỹ thuật Mỹ, tăng cường phá hoại miền Bắc, chống miền Nam thâm nhập, bình định dồn dân vào “ấp chiến lược” để thực hiện “tát nước bắt cá”, cô lập, đi đến tiêu diệt cách mạng miền Nam. Ngụy quyền, ngụy quân và “ấp chiến lược” được coi là xương sống của “Chiến tranh đặc biệt”.

Trên đà thắng lợi, cách mạng miền Nam tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đưa dần đấu tranh vũ trang lên ngang hàng với đấu tranh chính trị, giành và giữ thế chủ động, xây dựng lực lượng mọi mặt, củng cố mở rộng căn cứ địa, phá “chương trình bình định” của Mỹ-Diệm, đẩy cách mạng lên một bước mới. Ngày 16/2/1962, MTDTGPMN ra đời đã cổ vũ động viên nhân dân miền Nam bước vào giai đoạn cách mạng mới.  Cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng 3 mũi giáp công, trên 3 vùng chiến lược; đẩy mạnh chiến tranh du kích tiêu hao, tiêu diệt địch, đánh bại các chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của Mỹ và QĐ Sài Gòn, hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh chống càn quét và phá ấp chiến lược. Trong năm 1962, quân dân miền Nam đã kết hợp đấu tranh chính trị và quân sự đánh bại hàng loạt cuộc hành quân càn quét lùa dân vào “ấp chiến lược”. Nhiều trận lực lượng vũ trang ta tiến công các căn cứ địch, diệt hàng trăm tên. “Chương trình bình định” 18 tháng của Mỹ-Diệm thất bại.

Tháng 1/1963, trận Ấp Bắc (2.1.1963), địch dùng 2.000 quân, có máy bay, tàu chiến, pháo binh phối hợp do 51 cố vấn Mỹ chỉ huy với chiến thuật “tân kỳ” trực thăng vận, thiết xa vận càn quét vào Ấp Bắc (Cai Lậy, Mỹ Tho). Lực lượng ta chỉ có một tiểu đoàn tăng cường, bằng 1/10 lực lượng địch nhưng đã đánh bại quân địch, diệt 450 tên. Chiến thắng Ấp Bắc quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa báo hiệu sự phá sản của Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt".

Được sự chi viện ngày càng lớn của miền Bắc, Quân Giải phóng Miền Nam VN (QGPMN VN) phát triển lớn mạnh, từ tác chiến du kích tiến lên tác chiến tập trung, mở các chiến dịch tiến công lớn nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân ngụy:

+ Chiến dịch Bình Giã (2.12.1964-3.1.1965, Bà Rịa, Long Khánh) là chiến dịch đầu tiên phối hợp chủ lực miền Nam, chủ lực quân khu và LLVT địa phương tiến công địch, loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.700 địch.

+ Chiến dịch Ba Gia (28.5-20.7.1965, Quảng Ngãi) loại khỏi vòng chiến đấu trên 2.000 địch, bắn rơi 18 máy bay, hỗ trợ nhân dân 29 xã thuộc 6 huyện tỉnh Quảng Ngãi nổi dậy làm chủ.

+ Chiến dịch Đồng Xoài (10.5-22.7.1965, Bình Phước), tiêu diệt nhiều tiểu đoàn, chiến đoàn QĐ Sài Gòn, diệt gần 4.500 địch, bắn rơi 34 máy bay, góp phần cùng với cao trào đấu tranh chính trị, nổi dậy của nhân dân đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ. 

Đến giữa năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ngụy sụp đổ. Ở miền Bắc, ngày 4/8/1964, Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ loan báo tàu chiến Mỹ bị Hải quân Việt Nam tấn công ở hải phận quốc tế ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, lấy cớ để ngày 5/8/1964, gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân đối với miền Bắc nước ta. Khi Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8.1964) và dùng không quân đánh phá một số nơi, quân và dân ta đã đánh thắng ngay từ trận đầu (xem trận chiến đấu phòng không 5.8.1964) và kiên quyết đánh trả hoạt động phá hoại tiếp theo của không quân Mỹ (từ 2.1965).

Giai đoạn 3 (7.1965-12.1968)

 Phát triển thế tiến công chiến lược, đánh bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ"  ở miền Nam và chiến tranh phá hoại lần 1 (7.2.1965-1.11.1968) của Mỹ ở miền Bắc.

Chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của Kennedy đề ra 3 hình thức chiến tranh: đặc biệt, cục bộ, tổng lực. Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Mỹ bị động chuyển sang tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ" hồng nhanh chóng kết thúc chiến tranh, cuộc “Chiến tranh cục bộ” là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới, nhưng sử dụng mức độ hạn chế quân Mỹ cùng với quân chư hầu trong khu vực và quân ngụy, trong đó quân Mỹ giữ vai trò tác chiến chủ yếu trên chiến trường. Mục tiêu “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam là nhanh chóng tạo ra ưu thế binh lực, hỏa lực “tìm diệt” chủ lực ta, giành lại thế chủ động trên chiến trường, mở rộng và củng cố vùng kiểm soát, giành lại dân; đồng thời gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, phá hoại sự nghiệp xây dựng miền Bắc, làm lung lay ý chí giải phóng miền Nam của Đảng ta và nhân dân ta.

Từ giữa năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân chiến đấu vào miền Nam (từ 184.300 lên 536.000 quân (cuối năm 1968), lúc cao nhất tới 542.000), cùng với quân các nước phụ thuộc Mỹ (57.800 quân, lúc cao nhất tới 70.300) và QĐ Sài Gòn (650.000 quân, lúc cao nhất gần 1 triệu) hợp thành 2 lực lượng chiến lược với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất (trừ vũ khí nguyên tử); liên tục mở 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-66 và 1966-67 với ý đồ tìm diệt cơ quan đầu não kháng chiến và một bộ phận chủ lực QGPMN VN.

Quân và dân miền Nam giữ vững và phát triển thế tiến công, quân dân miền Nam càng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Sau Sau trận Núi Thành mở đầu đánh Mỹ, trận Vạn Tường (Bình Sơn, Quảng Ngãi) tháng 8/1965, ta đẩy lùi cuộc hành quân của quân Mỹ, diệt 900 tên đã chứng tỏ quân ta có đủ khả năng diệt quân Mỹ. Sau đó, một phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt” dâng cao khắp miền Nam. 

Từ những trận đầu thắng Mỹ (trận Núi Thành, 26.5.1965; trận Vạn Tường, 18-19.8.1965; trận Đất Cuốc, 8.11.1965… ), tiến lên mở các chiến dịch tiến công và phản công (chiến dịch Plây Me, 19.10-26.11.1965; chiến dịch Bàu Bàng-Dầu Tiếng, 12-27.11.1965; chiến dịch Tây Sơn Tịnh, 20.2-20.4.1966; chiến dịch Sa Thầy, 18.10-6.12.1966; chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Junction City (Gianxơn Xiti), 22.2-15.4.1967; chiến dịch Đắc Tô I, 3-22.11.1967…) làm thất bại một bước quan trọng chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ. Hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ với trên 1.000 cuộc hành quân lớn nhỏ đánh vào các vùng giải phóng của ta, lớn nhất là cuộc hành quân Junction City bị thất bại. Trên toàn miền Nam, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 15 vạn quân địch, trong đó có 68.200 tên Mỹ. Phong trào đấu tranh chính trị vùng địch chiếm, nhất là các thành phố lớn dâng lên mạnh mẽ làm mất ổn định chế độ Mỹ-Ngụy. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị thất bại một bước quan trọng.

Nắm vững thời cơ có lợi, đêm 30, rạng ngày 31/1/1968, quân dân ta mở Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân  đồng loạt tiến công địch ở 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam gây cho địch thiệt hại lớn và khủng hoảng tinh thần; vây hãm, tiến công quân Mỹ trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (20.1-15.7.1968, từ Cửa Việt đến biên giới Việt-Lào), giành thắng lợi lớn, bồi thêm một đòn nặng vào quân Mỹ-Ngụy, tạo bước ngoặt quyết định của cuộc Kháng chiến chống Mỹ.

Quân dân miền Bắc quyết tâm vừa đánh thắng Mỹ vừa đảm bảo sản xuất và đời sống, vừa tích cực chi viện cho miền Nam. Đến cuối năm 1968, quân dân miền Bắc đã bắn rơi, bắn cháy 3.234 máy bay, diệt và bắt sống hàng nghìn giặc lái Mỹ, bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ-Ngụy, đánh bại chiến tranh phá hoại lần 1 bằng không quân và hải quân của Mỹ.

Bị thất bại nặng nề ở VN, trước làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam trên thế giới và ngay trong nước Mỹ ngày càng mạnh mẽ, ngày 1.11.1968, chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và phải ngồi vào bàn thương lượng ở Hội nghị Paris (1968-1973). “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị phá sản.

Giai đoạn 4 (1.1969-1.1973)

 Đánh bại chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh và chiến tranh phá hoại lần 2 (6.4.1972-15.1.1973) của Mỹ ở miền Bắc, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris 1973 về Việt Nam, rút hết quân Mỹ về nước.

Chiến lược chiến tranh cục bộ bị phá sản, Nixon chuyển sang thực hiện chiến lược "VN hóa chiến tranh", ra sức phát triển và hiện đại hoá QĐ Sài Gòn để từng bước thay thế quân Mỹ rút dần về nước; đẩy mạnh bình định ở miền Nam VN và mở rộng chiến tranh ra toàn bán đảo Đông Dương.

Trước thất bại nặng nề của QĐ Sài Gòn, Mỹ cho không quân và hải quân trở lại đánh phá ác liệt ở miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc. Cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối 12.1972 (chiến dịch Linebacker II) bị đập tan (xem chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng, 18-29.12.1972) và là một “Điện Biên Phủ trên không” đối với đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973), rút hết quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ ra khỏi miền Nam VN, cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của VN. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thất bại.

Giai đoạn 5 (12.1973-30.4.1975)

 Tạo thế, tạo lực và thực hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam kết thúc thắng lợi cuộc Kháng chiến chống Mỹ.

Tuy rút hết quân đội, nhưng Mỹ vẫn để lại 2 vạn cố vấn quân sự đội lốt dân sự, để lại vũ khí, trang bị chiến tranh và tiếp tục viện trợ quân sự cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Quân ngụy lên đến 1.100.000 tên và ra sức lấn chiếm phá hoại Hiệp định Paris. Quân dân miền Nam kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” của địch, cả nước khẩn trương tạo thế, tạo lực để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Được Mỹ tiếp sức, chính quyền Sài Gòn ra sức phá hoại hiệp định Paris, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”.

Quân và dân ta đánh bại các cuộc tiến công lấn chiếm của địch, khẩn trương tạo thế, tạo lực, mở rộng vùng giải phóng. Thắng lợi của chiến dịch Đường 14-Phước Long (13.12.1974-6.1.1975) đặt cơ sở cho hội nghị Bộ Chính trị họp cuối năm 1974, đầu 1975 thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam (1975-76), quyết định nắm vững thời cơ chiến lược, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với 3 đòn tiến công chiến lược.

Sau khi chọc thủng và đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn-Gia Định của địch, ngày 26/4, 5 cánh quân ta tiến vào Sài Gòn; sáng 30.4, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong nội đô, 10 giờ 45 phút, ngày 30/4, xe tăng ta tiến vào Dinh Độc Lập, tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện; kết hợp với nổi dậy của nhân dân, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 3-Quân khu 3 của địch, giải phóng Sài Gòn-Gia Định, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đồng thời phát triển tiến công và nổi dậy tiêu diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 4-Quân khu 4 của địch, giải phóng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các hải đảo do QĐ Sài Gòn đóng giữ, kết thúc toàn thắng cuộc Kháng chiến chống Mỹ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi hoàn toàn. Nhân dân VN đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới với quy mô lớn quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây cũng là cuộc chiến bại chưa từng có trong lịch sử 200 năm của nước Mỹ.

2. Các yếu tố dẫn đến sự thành công trong kháng chiến chống Mỹ

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

      Đảng ta nhận rõ sứ mạng, trọng trách lịch sử của mình trước giai cấp, trước dân tộc và phong trào cách mạng thế giới, đã ra sức xây dựng mình vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, theo đúng nguyên lý xây dựng Đảng mácxít-lêninnít. Do vậy, đã đáp ứng ngày càng đầy đủ những yêu cầu rất khắt khe về sức mạnh tiền phong chiến đấu của một đảng giữ vai trò quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc ta. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kịp thời đưa ra đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, đồng thời kiên quyết chỉ đạo thực hiện bằng được mục tiêu, con đường nhiệm vụ cách mạng đặt ra.

   Nhân dân và các LLVT nhân dân ta đã phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH và vì quyền sống của con người.

      Đó là thắng lợi của cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường, bền bỉ và anh dũng; thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ của nhân dân và các LLVT nhân dân ta trong cả nước, của hàng chục triệu đồng bào yêu nước trên tuyến đầu Tổ quốc đã nêu cao tấm gương kiên cường, bất khuất. Người trước ngã, người sau tiến lên đạp bằng mọi chông gai thử thách, quyết tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt. Đồng bào, chiến sĩ miền Bắc luôn hướng về miền Nam ruột thịt, động viên con em lên đường "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", lao động quên mình, tạo ra cơ sở vật chất xây dựng CNXH, thực sự là hậu phương lớn chi viện toàn diện, liên tục cho cuộc kháng chiến ở miền Nam. Đồng thời, trực tiếp đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của địch, bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN.

  Cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, trên dưới một lòng triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

      Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đứng trước những khó khăn thử thách, truyền thống quý báu đó càng được phát huy cao độ. Trong Đảng, đoàn kết thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng đã tạo nên sức mạnh lãnh đạo cách mạng nâng cao lòng tin của toàn  dân với Đảng và trở thành động lực xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Nhân dân ta đoàn kết trong chiến đấu, lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, thiếu thốn, thống nhất về chính trị, về nhận thức và hành động, trên cơ sở tình cảm giai cấp, tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Điểm nổi bật về sự đoàn kết thống nhất là tình đoàn kết Bắc - Nam. Sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã trở thành nhân tố quan trọng, sức mạnh to lớn, góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ và thắng Mỹ.

      Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta ra sức tăng cường đoàn kết quốc tế, coi đó là một bộ phận hợp thành của đường lối chống Mỹ, cứu nước và đặt hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao thành một mặt trận có tầm quan trọng chiến lược, góp phần tạo nên sự vượt trội về thế và lực của nhân dân ta; tạo nên một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược.

Đoàn kết, liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia.

      Phát huy truyền thống láng giềng anh em gắn bó với nhau từ xa xưa, Đảng và nhân dân ta đã chủ động đoàn kết, liên minh chiến đấu với nhân dân Lào, nhân dân Campuchia. Sự đoàn kết liên minh đó được thể hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích của mỗi nước, cùng nhau đoàn kết chống kẻ thù chung, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia cho cả ba dân tộc.

Trên đây là một số thông tin chi tiết về tiểu luận lịch sử đảng kháng chiến chống Mỹ. Hy vọng với những thông tin ACC đã cung cấp sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề trên. Nếu bạn cần hỗ trợ tư vấn pháp lý hoặc sử dụng các dịch vụ pháp lý khác từ Công ty Luật ACC, hãy đừng ngần ngại mà liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng. ACC cam kết sẽ giúp bạn có trải nghiệm tốt nhất về các dịch vụ mà mình cung cấp đến khách hàng. Chúng tôi luôn đồng hành pháp lý cùng bạn.

Gmail: [email protected]

Website: accgroup.vn

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo