Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cần phải có sức mạnh tổng hợp. Một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp là phải có được nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh. Điều đó chỉ có được khi mọi công dân, mọi tổ chức, mọi lực lượng, mọi cấp, mọi ngành ý thức đầy đủ được nghĩa vụ, trách nhiệm đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Vậy Tiềm lực quốc phòng an ninh là gì? Ở bài viết này Luật ACC sẽ giúp bạn đọc có câu trả lời nhé!
Tiềm lực quốc phòng an ninh là gì?
1. Tiềm lực quốc phòng an ninh là gì?
Theo Khoản 1, 2 Điều 2 Luật Quốc phòng 2018 thì khái niệm quốc phòng, tiềm lực quốc phòng được quy định cụ thể như sau:
Quốc phòng được hiểu là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Tiềm lực quốc phòng an ninh là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tiềm lực quốc phòng, an ninh được thể hiện ở trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh được thể hiện ở trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng tập trung ở tiềm lực chính trị, tinh thần; tiềm lực kinh tế; tiềm lực khoa học, công nghệ; tiềm lực quân sự, an ninh.
Vì vậy, Việc xây dựng nền quốc phòng an ninh vững mạnh là một nhiệm vụ và chiến lược hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa… trong mọi điều kiện.
2. Nhiệm vụ của quốc phòng an ninh
Hiện nay nhiệm vụ quốc phòng an ninh không chỉ nhằm chống “thù trong, giặc ngoài” như trước, mà còn chuẩn bị phòng, chống các mối đe dọa phi truyền thống như: khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, các biến cố của thiên tai (bão, lụt, động đất, sóng thần…), gây ra những thiệt hại lớn cho quốc gia, dân tộc.
Để ứng cứu và xử lý kịp thời những hậu quả do các biến cố gây ra phải dựa vào tiềm lực mọi mặt của quốc gia, dân tộc; trong đó, các lực lượng vũ trang là nòng cốt.
3. Sự cần thiết của xây dựng tiềm lực quốc phòng an ninh
Xây dựng tiềm lực quốc phòng an ninh không thể chỉ là trách nhiệm của chiến lược Quốc phòng hay Chiến lược An ninh mà còn phải là của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và nhiều chiến lược quốc gia khác;
Đó là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị mà các lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Để xây dựng tiềm lực an ninh quốc phòng có hiệu quả, các chủ thể tham gia xây dựng cần nắm vững nội hàm của nó. Việc xây dựng tiềm lực quốc phòng an ninh có ý nghĩa quan trọng trong việc:
-
Tạo sức mạnh tổng hợp của đất nước về cả chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ để giữ vững hòa bình, ổn định, đẩy lùi, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô.
-
Tạo thế chủ động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa, xã hội; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Nội dung của xây dựng Tiềm lực quốc phòng an ninh
Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên. Vấn đề căn cốt này đã được Đảng ta xác định qua nhiều kỳ đại hội, bởi nó được xuất phát từ thực tiễn nhiệm vụ cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tiềm lực quốc phòng an ninh là tổng thể mọi “khả năng” về vật chất và tinh thần có thể huy động từ mọi lĩnh vực trong nước và ngoài nước. Nó phải dựa vào toàn bộ sức mạnh quốc gia. Do vậy, xây dựng tiềm lực quốc phòng an ninh trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
– Xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần là thành tố cơ bản của tiềm lực quốc phòng, chứa đựng trong tố chất con người, trong truyền thống lịch sử – văn hoá dân tộc và trong hệ thống chính trị.
Đây là khả năng tiềm tàng về chính trị tinh thần có thể huy động nhằm tạo ra sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Tiềm lực này biểu hiện ở nhận thức, ý chí, niềm tin, tâm lý, tình cảm của nhân dân và lực lượng vũ trang trước nhiệm vụ quốc phòng của đất nước.
– Xây dựng tiềm lực kinh tế là khả năng tiềm tàng về kinh tế (bao gồm cả kinh tế quân sự) có thể huy động để phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở vật chất của các tiềm lực khác, thể hiện ở khối lượng, năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền sản xuất xã hội, ở nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, nguồn dự trữ tài nguyên, chất lượng, trình độ lực lượng lao động…
– Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ là khả năng tiềm tàng về khoa học và công nghệ (cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ…) có thể huy động nhằm giải quyết những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của xã hội và xử lý các tình huống quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.
– Xây dựng tiềm lực quân sự là khả năng về vật chất và tinh thần có thể huy động để tạo thành sức mạnh phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong cả thời bình và thời chiến.
+ Tiềm lực quân sự là nòng cốt của tiềm lực quốc phòng, được xây dựng trên nền tảng của tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế và tiềm lực khoa học và công nghệ.
+ Tiềm lực quân sự bao gồm cả hai yếu tố cơ bản là con người và vũ khí, trang bị trong đó con người là yếu tố quyết định. Việt Nam có tiềm lực quân sự mạnh một phần nhờ nguồn nhân lực trẻ dồi dào.
Các tiềm lực trên, trước hết, phải được xây dựng thành tiềm lực quốc gia, có thể huy động nhằm phục vụ cho xây dựng kinh tế, phát triển sản xuất, cho sự tiến bộ xã hội; nhưng xây dựng không thể sao lãng yêu cầu bảo vệ, nên trong đó, nhất thiết phải có phần thích đáng chuyển thành tiềm lực quốc phòng an ninh. Tiềm lực quốc gia mạnh, chưa hẳn tiềm lực quốc phòng an ninh sẽ mạnh, nếu các chủ thể không ý thức đầy đủ về những yêu cầu to lớn và cấp bách của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng tiềm lực quốc phòng an ninh không thể chỉ dừng lại ở bước đề ra đường lối, chủ trương, quan điểm, mà phải đi sâu vào khâu phân công, tổ chức thực hiện; đồng thời, “dự án tổng thể” của các bộ, các ngành phải xác định rõ nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng an ninh
5. Giải pháp xây dựng tiềm lực quốc phòng an ninh
-
Luôn luôn thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
-
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, trách nhiệm triển khai thực hiện của các cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
-
Nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân cho học sinh, sinh viên trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân
Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là thành tựu to lớn và rất quan trọng trong công cuộc đổi mới , đã làm cho thế và lực đất nước ta mạnh lên rất nhiều tạo tiền đề vật chất và tinh thần để nhân dân tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi đó tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng phức tạp chứa đựng nhiều yếu tố khó lường, bên cạnh thời cơ thuận lợi còn nhiều khó khăn và thách thức.
Để bảo vệ vững chắc tổ quốc, yêu cầu khách quan là phải xây dựng nền quốc phòng an ninh vững mạnh. Đây là một chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, nhà nước và nhân dân ta.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật ACC đối với câu hỏi Tiềm lực quốc phòng an ninh là gì? Chúng tôi hy vọng những thông tin này là hữu ích với bạn đọc. Trong quá trình tham khảo bài viết nếu còn nội dung nào thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật ACC để được giải đáp kịp thời nhé!
Bình luận