Phí, lệ phí được áp dụng ở Việt Nam từ khi đất nước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, theo đó, Nhà nước từng bước xóa bỏ bao cấp, cung cấp miễn phí các dịch vụ công và chuyển sang thu phí, lệ phí đối với một số dịch vụ công do cơ quan nhà nước cung ứng cho người dân. Vậy, hãy cùng ACC tìm hiểu xem thực trạng thu phí và lệ phí ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
1. Danh mục phí, lệ phí
Theo quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí, Danh mục phí gồm 73 loại phí được phân thành 12 nhóm theo tính chất công việc gắn với lĩnh vực, nhóm ngành có những đặc điểm về kinh tế kỹ thuật tương tự như nhau; danh mục lệ phí gồm 43 loại được phân thành 5 nhóm theo các công việc quản lý hành chính nhà nước. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã quy định chi tiết danh mục gồm 301 khoản phí, lệ phí (171 khoản phí và 130 khoản lệ phí). Chính phủ đã phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quy định đối với 20 khoản phí gắn với quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của CQĐP. Ngoài ra, Chính phủ còn phân cấp thêm cho địa phương quyết định mức thu và quản lý, sử dụng đối với một số khoản phí, lệ phí khác như: Thủy lợi phí, học phí, viện phí, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt...
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều loại phí, lệ phí do nhiều cơ quan ban hành ngoài danh mục và được quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau (ví dụ phí bay qua vùng trời được quy định trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, phí công chứng được quy định trong Luật Công chứng…), một số loại phí (phí kiểm định, phí đấu thầu, viện phí, phí giám định tư pháp…) đã được chuyển sang cơ chế giá, phù hợp với nền kinh tế thị trường (được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Đấu thầu; Luật Khám bệnh, Chữa bệnh; Luật Giám định tư pháp…). Nhiều loại phí, lệ phí mang tính chất giá dịch vụ cần xã hội hóa nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm áp lực cho NSNN.
Quy định về Danh mục phí, lệ phí của các nước rất khác nhau, thường theo hai xu hướng: (i)Quy định cụ thể danh mục các loại phí, lệ phí trong Luật về phí, lệ phí như In-đô-nê-xi-a; (ii) Một số nước không quy định cụ thể Danh mục phí, lệ phí trong Luật mà được các bộ, ngành xây dựng Danh mục phí trên cơ sở chức năng và hoạt động cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước được quy định trong Hiến pháp cũng như Luật Phí quy định theo hướng dẫn chung của Bộ Tài chính (Ca-na-đa, Phần Lan). Đối với những nước không xây dựng Luật về phí, lệ phí thì Danh mục phí, lệ phí được quy định tại các văn bản luật của các bộ khác nhau, tùy vào lĩnh vực thu phí (Thái Lan) hoặc trên cơ sở hướng dẫn chung về phí, lệ phí, các đơn vị, CQĐP thực hiện xây dựng Danh mục phí, lệ phí, mức thu của mình (Trung
Quốc, Phi-líp-pin).
2.2. Quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước
Theo quy định hiện hành: (i) Các tổ chức thu đã được NSNN bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí, lệ phí thì phải nộp toàn bộ số tiền phí, lệ phí thu được vào NSNN; (ii) Các tổ chức thu chưa được NSNN bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí, lệ phí hoặc tổ chức thu được ủy quyền thu phí, lệ phí thì được để lại một phần trong số tiền phí, lệ phí thu được để trang trải chi phí thu phí, lệ phí và phần còn lại phải nộp vào NSNN. Theo đó, đối với các cơ quan hành chính, tỷ lệ để lại trung bình là 60% (40% nộp NSNN); Đối với các đơn vị sự nghiệp, tỷ lệ để lại trung bình là 90% (10% nộp NSNN); (iii) Đối với phí không thuộc NSNN, tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả thu phí. Tiền thu phí được xác định là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí. Tổ chức, cá nhân thu phí đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Quy định cho phép tổ chức thu phí được để lại một phần trong số tiền phí, lệ phí thu được để trang trải chi phí thu phí, lệ phí tuy có tác dụng khuyến khích các tổ chức thu phí tận dụng các điều kiện cơ sở vật chất có sẵn để phát triển các dịch vụ công, tạo điều kiện cho các tổ chức sự nghiệp công chủ động về nguồn tài chính để trang trải cho các hoạt động của mình nhưng làm phân tán nguồn lực tài chính công và là một trong những nguyên nhân làm phát sinh các loại phí, lệ phí trong thực tế. Bên cạnh đó, việc xác định tỷ lệ để lại không thống nhất giữa các tổ chức thu phí, lệ phí dẫn đến một số cơ quan hành chính có tỷ lệ được để lại cao, sử dụng để tăng chi thu nhập cho cán bộ gấp nhiều lần so với mức lương trong các cơ quan hành chính khác, gây bất bình đẳng trong xã hội.
2.3. Nguyên tắc xác định mức thu
Chính sách phí, lệ phí hiện hành chưa đặt vấn đề thu phí, lệ phí đảm bảo bù đắp chi phí và có lợi nhuận hợp lý nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ công phù hợp với mức thu nhập và khả năng đóng góp của mình. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quy định này chưa tạo ra được cơ chế thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, chưa khuyến khích xã hội hóa các dịch vụ công trong điều kiện nền kinh tế đang chuyển mạnh sang kinh tế thị trường.
Các nước trên thế giới theo cơ chế thị trường, mức thu phí phải đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí. Việc thu phí dưới mức chi phí dễ dẫn đến lạm dụng sử dụng dịch vụ công hoặc không khuyến khích phát triển dịch vụ công do không đảm bảo chi phí hoạt động, tạo gánh nặng cho ngân sách. Mức thu phí, lệ phí ở các nước thường là tuyệt đối. Thậm chí, một số nước có áp dụng các khoản thu vừa có tính chất lệ phí, vừa có tính chất thuế (thuế đăng ký quyền sở hữu tài sản) thì mức thu được quy định theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá trị để đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước và điều tiết nguồn thu cho ngân sách (thường là NSĐP). Ở hầu hết các nước, cơ quan lập pháp (Quốc hội) ban hành khung và phân cấp cho địa phương quy định mức thu cụ thể đối với những khoản thu thuộc NSĐP.
Như vậy, trong bài viết này, ACC đã cung cấp tới quý độc giả những thông tin cần thiết liên quan đến Thực trạng thu phí và lệ phí ở Việt Nam. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết hoặc các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ ngay với ACC để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời nhé!
Nội dung bài viết:
Bình luận