Thực tiễn thi hành pháp luật về hợp tác xã mới nhất 2023

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. Những năm gần đây, loại hình kinh doanh này đang ngày một phổ biến, tuy nhiên thực tiễn áp dụng pháp luật đã cho thấy còn một số vướng mắc, khó khăn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết: Thực tiễn thi hành pháp luật về hợp tác xã mới nhất 2023.

Maxresdefault

Thực tiễn thi hành pháp luật về hợp tác xã mới nhất 2023

1. Thi hành pháp luật là gì?

Dựa vào cơ sở khoa học cũng như xét từ trong thực tiễn pháp luật tại Việt Nam, khái niệm thi hành pháp luật được giải thích với nhiều nghĩa khác nhau. Theo nguồn tài liệu giảng dạy ở các trường đào tạo thì thi hành pháp luật hay còn gọi là chấp hành pháp luật vốn là một trong số bốn hình thức của việc thực hiện pháp luật. Cụ thể, theo các tài liệu này, thi hành pháp luật vốn là hành vi thực tế và thực hiện một cách hợp pháp mang theo mục đích nào đó của các chủ thể pháp luật để hiện thực hóa mọi quy định mà pháp luật ban hành, đưa chúng vào đời sống hàng ngày, trở thành những hành vi chuẩn mực được công nhận hợp pháp.

Ngoài ra, trên thực tế hiện nay còn tồn tại một số định nghĩa phổ biến như sau:

Thi hành pháp luật là một quá trình hoạt động của con người có mục đích mà các chủ thể pháp luật bằng hành vi của mình thực hiện các quy định pháp luật trong thực tế đời sống của cộng đồng.

Thi hành pháp luật là việc các chủ thể thực hiện pháp luật chủ động thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định.

Tóm lại, thi hành pháp luật là việc chủ thể pháp luật chủ động thực hiện điều pháp luật yêu cầu. Thi hành pháp luật mang tính bắt buộc thực hiện.

– Bản chất: Việc thi hành pháp luật có tính chủ động, tích cực, thực hiện pháp luật dưới hình thức hành vi hành động.

– Đối tượng thực hiện: Mọi chủ thể.

– Hình thức thể hiện: Thường biểu hiện dưới dạng những quy phạm bắt buộc. Do đó, chủ thể buộc phải thực hiện hành vi hành động mang tính hợp pháp.

2. Thực tiễn thi hành pháp luật về hợp tác xã mới nhất 2023

Theo quy định tại Luật HTX năm 2012, HTX, liên hiệp HTX thành lập trước ngày Luật có hiệu lực thi hành mà tổ chức và hoạt động không phù hợp với quy định của Luật thì phải đăng ký lại hoặc chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác trong thời hạn 36 tháng kể từ khi Luật HTX có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Như vậy, thời hạn để các HTX, liên hiệp HTX tổ chức lại, chuyển đổi theo Luật mới là ngày 01/7/2016. Thực hiện quy định tại Điều 62 Luật HTX năm 2012, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đối với các HTX thuộc ngành, địa phương về việc rà soát, tổ chức lại, chuyển đổi và giải thể HTX. Tính đến ngày 31/12/2016, vùng Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đông Nam bộ là những vùng đã hoàn thành trên 52% việc đăng ký lại, chuyển đổi, giải thể theo Luật HTX năm 2012.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vùng có số lượng HTX chưa chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012 tương đối cao: Vùng Đông Bắc còn 870 HTX (chiếm 32,1% số HTX phải chuyển đổi, đăng ký lại), vùng Tây Bắc còn 231 HTX (chiếm 41,2%). Bên cạnh đó, tình hình phát triển HTX theo Luật HTX năm 2012 còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chỉ có một số ít các HTX tiếp cận được các chính sách, HTX khó vay tín dụng do không có tài sản đảm bảo, thiếu quỹ đất để giao cho HTX, thủ tục chuyển đổi còn phức tạp; một số địa phương còn lùng túng trong việc hướng dẫn HTX thực hiện, có nơi còn nhầm lẫn giữa sản phẩm dịch vụ của HTX cho thành viên và sản phẩm dịch vụ do thành viên HTX sản xuất cung ứng ra thị trường; việc góp vốn của các thành viên HTX vẫn còn hạn chế, nhiều HTX chỉ góp vốn “tượng trưng” hoặc lấy chính giá trị tài sản chung của HTX chia cho tổng số thành viên hiện có của HTX để làm thành số vốn tối thiểu của thành viên; HTX chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm, chất lượng sản phẩm của thành viên không ổn định hoặc chưa tuân thủ đúng quy trình sản xuất, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm...

Đáng chú ý, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm đối với HTX nông nghiệp ở các địa phương diễn ra chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế HTX chưa tạo động lực thúc đẩy kinh tế HTX và đặc biệt là các HTX nông nghiệp phát triển. Số lượng và tỷ lệ các HTX tiếp cận và được thụ hưởng các chính sách chưa cao, trong khi nhu cầu hỗ trợ còn rất lớn. Ngoài ra, các dự án hỗ trợ có quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho từng HTX gắn với quy mô hoạt động cấp xã. Điều này làm hạn chế tiềm năng liên kết vùng, miền, nâng cao quy mô và sức cạnh tranh cũng như hiệu quả khai thác của chương trình hỗ trợ.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên là do một số cơ quan quản lý nhà nước tại một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến HTX, chưa sát sao trong việc chỉ đạo, giám sát; năng lực nội tại của các HTX còn hạn chế về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ điều hành và quản lý; các chính sách tài chính đối với HTX còn dàn trải, chưa có chính sách ưu đãi riêng cho HTX; các địa phương gặp khó khăn trong bố trí ngân sách hỗ trợ, quy mô Quỹ phát triển HTX còn hạn chế…

Bàn về giải pháp hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp, PGS.TS. Đào Thế Anh - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, từ những kinh nghiệm rút ra qua các mô hình ở nhiều vùng, miền, đồng thời nhằm thúc đẩy kinh tế HTX phát triển thì cần tháo gỡ những khó khăn cụ thể trong chuỗi giá trị sản phẩm của người kinh doanh trên từng địa bàn, theo đó trước hết cần có nguồn nhân lực đủ trình độ nhận biết và thực thi chính sách. Bên cạnh đó cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tổ hợp tác, HTX và coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

Đối với việc xây dựng khung pháp lý và chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp để phát triển kinh tế tập thể, các đại biểu cũng thống nhất tập trung vào một số giải pháp thiết thực như: Nhà nước cần định hướng và giám sát HTX thông qua hệ thống tiêu chí đánh giá và hoạt động kiểm toán; tập trung hỗ trợ để xây dựng và thực thi kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực lao động quản lý HTX về kiến thức và kỹ năng quản lý, kinh doanh, ứng dụng công nghệ sản xuất và công nghệ thông tin cho các HTX đã được thành lập và thành lập mới; tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho HTX, tổ hợp tác theo tín dụng tín chấp và cho vay theo dự án liên kết chuỗi giá trị. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ HTX cần được thực hiện theo tiếp cận từ dưới lên, dựa vào nhu cầu của HTX, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn và tạo môi trường thuận lợi cho HTX dựa trên cơ sở quản lý HTX áp dụng các nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số, thúc đẩy các mạng lưới hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các HTX và tổ hợp tác.

Đánh giá tầm quan quan trọng của chính sách tài chính đối với phát triển HTX, liên hiệp HTX, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, trong đó đẩy mạnh thực thi các nhóm chính sách tài chính hỗ trợ, chính sách tín dụng cho các hợp tác xã, tập trung vào việc nâng định mức vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đồng thời phát huy vai trò quỹ phát triển HTX, bố trí nguồn kinh phí cho việc chuyển đổi, tổ chức lại HTX. Cùng với đó cần rà soát, sửa đổi bổ sung, cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập trong các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX.

3. Một số hạn chế, bất cập của Luật Hợp tác xã 2012 qua thực tiễn thi hành

Trước hết, công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và Luật HTX 2012 ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều nơi, nhận thức về vai trò của KTTT còn hạn chế, thậm chí có cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp cơ sở còn hiểu “lơ mơ” về HTX kiểu mới dẫn đến công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện phát triển KTTT, HTX còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Thứ hai, về khái niệm tổ chức KTTT gồm có: tổ hợp tác (THT), HTX và liên hiệp HTX. Tuy nhiên, tại Luật HTX 2012 thì THT chưa chịu sự điều chỉnh của Luật, mà hiện nay THT đang chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ (đây là văn bản dưới Luật nên tính pháp lý không cao).

Thứ ba, vấn đề quy định số lượng thành viên: Hiện nay, Luật HTX 2012 quy định về số thành viên tối thiểu đối với HTX là 07 thành viên, số thành viên tối thiểu đối với THT là 02 thành viên là quá ít so với nhu cầu người dân, cũng như yêu cầu đủ mạnh về vốn, lao động, lợi ích cộng đồng… để có thể đủ sức phát triển.

Thứ tư, Luật HTX 2012 chưa quy định cụ thể mức vốn góp tối thiểu của thành viên, nên trong thực tiễn đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đó là một bộ phận thành viên chỉ góp vốn mang tính hình thức, thậm chí góp vốn gọi là có để tranh thủ hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.

Cùng với đó, tại Điều 17 quy định góp vốn điều lệ của thành viên không quá 20% vốn điều lệ của HTX là không phù hợp, bởi số lượng thành viên góp vốn tối đa và tối thiểu để thành lập HTX có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhiều thành viên có khả năng và nhu cầu góp vốn cao, song do quy định thành viên có nhu cầu góp vốn không quá 20% vốn điều lệ đã gây hạn chế, bất cập trong vấn đề huy động vốn của các thành viên trong các tổ chức KTTT.

Thứ năm, một bất cập nữa của Luật HTX 2012 trong vấn đề quy định tỷ lệ sử dụng dịch vụ của thành viên, nếu chấm dứt tư cách thành viên khi thành viên không sử dụng dịch vụ của tổ chức KTTT liên tục trong 3 năm. Đối với HTX tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ nhưng không quá 02 năm tại điểm e, khoản 1, Điều 16. Hay quy định về nguyên tắc phân phối thu nhập tại điểm a) và điểm b) khoản 3 Điều 46 Luật HTX năm 2012. Bên cạnh đó là quy định tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX cho khách hàng không phải là thành viên tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 và đã được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ. Những vấn đề này rất bất cập, không khả thi, cản trở, kìm hãm sự phát triển của KTTT, HTX, đi ngược với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ sáu, Luật HTX 2012 không quy định HTX hoạt động như doanh nghiệp, nhưng trong thực tiễn, cơ quan thuế vẫn thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với HTX; còn cơ quan Bảo hiểm xã hội thì quy định người làm việc trong HTX phải đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng như doanh nghiệp. Vấn đề này cho thấy nghĩa vụ thì thực hiện như doanh nghiệp, nhưng quyền lợi thì không được như doanh nghiệp, ngay trong kinh doanh, HTX bị khống chế tỷ lệ cung ứng dịch vụ sản phẩm ra thị trường thì chẳng khác gì “ngăn sông, cấm chợ” đối với HTX...

Trên đây là các nội dung giải đáp của chúng tôi về Thực tiễn thi hành pháp luật về hợp tác xã mới nhất 2023. Trong quá trình tìm hiểu, nếu như các bạn cần Công ty Luật ACC hướng dẫn các vấn đề pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (860 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo