Bài viết “Thủ tục xin visa doanh nghiệp cho người nước ngoài” sẽ cung cấp cho quý khách cái nhìn tổng quan về quy trình xin visa doanh nghiệp, kèm với đó là một số câu hỏi thường gặp trong quá trình hỗ trợ làm visa cho khách hàng. Visa doanh nghiệp hay còn được gọi với cái tên quen thuộc hơn là “visa thương mại” cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc với công ty, tổ chức bảo lãnh. Trong đó, visa DN1 là loại visa doanh nghiệp phổ biến được cấp cho người nước ngoài làm việc, công tác ở Việt Nam.
Thủ tục xin visa doanh nghiệp cho người nước ngoài
I. Visa doanh nghiệp là gì?
Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, visa Việt Nam DN1 hay còn gọi là visa doanh nghiệp (thương mại) ký hiệu theo quy định pháp luật là DN1, gọi tắt là visa DN1. Đây là loại visa được cấp cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
II. Ký hiệu thị thực
Thị thực ký hiệu DN1 có thời hạn không quá 12 tháng, tức có nghĩa, người nước ngoài sẽ được cấp visa DN1 với thời hạn tối đa 1 năm.
III. Điều kiện để xin visa DN1
Điều kiện để xin visa DN1
Để xin cấp visa DN1 người nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau đây:
- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế còn hợp lệ theo quy định của pháp luật;
- Có công ty, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân tại Việt Nam bảo lãnh;
- Không thuộc các trường hợp chưa cho phép nhập cảnh được quy định tại Điều 21 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đối với người nước ngoài tại Việt Nam;
- Có các giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh (ví dụ như thư mời nhập cảnh) tuỳ vào từng trường hợp cụ thể khác nhau.
IV. Bộ hồ sơ xin cấp visa DN1 bao gồm những loại giấy tờ nào?
Bộ hồ sơ xin cấp visa DN1 bao gồm những loại giấy tờ nào?
- Bản sao hộ chiếu người nước ngoài xin cấp visa DN1;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty bảo lãnh sang Việt Nam;
- Đơn đề nghị cấp công văn nhập cảnh cho người nước ngoài NA2;
- Đơn đăng ký mẫu dấu công ty N16;
- Các giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh như giấy uỷ quyền, thư mời công tác;
- Một số loại giấy tờ khác nếu có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp bổ sung.
Bên cạnh đó, đương đơn cần chủ động chuẩn bị 02 ảnh chân dung nền trắng, kích thước 4x6, hộp chiếu gốc và tờ khai xin cấp thị thực theo mẫu yêu cầu.
V. Nộp hồ sơ xin cấp visa DN1 ở đâu?
Sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước và chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo yêu cầu, doanh nghiệp cần mang hồ sơ đến một trong các cơ quan sau:
1. Cục quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam; hoặc
2. Phòng quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh, thành phố
VI. Thời gian xét duyệt hồ sơ visa DN1 là bao lâu?
Thời gian xét duyệt hồ sơ visa DN1 là khoảng 5 ngày làm việc và có thể tối đa từ 07 đến 10 ngày kể từ thời điểm các cơ quan nêu trên nhận được đầy đủ và hợp lệ các giấy tờ, hồ sơ theo yêu cầu
VII. Lệ phí cấp visa DN1 là bao nhiêu?
Phí cấp visa DN1 phụ thuộc vào hình thức xin visa, cụ thể
- Visa DN1 1-3 tháng nhập cảnh 1 lần: 25 USD;
- Visa DN1 không quá 3 tháng nhập cảnh nhiều lần: 50 USD;
- Visa DN1 3-6 tháng nhập cảnh nhiều lần: 95 USD;
- Visa DN1 6-12 tháng nhập cảnh nhiều lần: 135 USD;
VIII. Người nước ngoài nhập cảnh bằng visa DN1 thì có được cấp thẻ tạm trú không?
Người nước ngoài nhập cảnh bằng visa DN1 thì có được cấp thẻ tạm trú không?
Người nước ngoài nhập cảnh bằng visa doanh nghiệp thì có được cấp thẻ tạm trú không, thì căn cứ theo khoản 1 Điều 36 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 như sau:
“Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú và ký hiệu thẻ tạm trú
1. Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú bao gồm:
a) Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ;
b) Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.
2. Ký hiệu thẻ tạm trú được quy định như sau:
a) Thẻ tạm trú quy định tại điểm a khoản 1 Điều này ký hiệu NG3;
b) Thẻ tạm trú quy định tại điểm b khoản 1 Điều này có ký hiệu tương tự ký hiệu thị thực.”
Từ quy định trên, có thể thấy các loại thị thực được phép cấp thẻ tạm trú khi người nước ngoài sử dụng để nhập cảnh không bao gồm loại visa DN1, DN2.
Do đó, người nhập cảnh bằng visa doanh nghiệp ký hiệu DN1, DN2 không được cấp thẻ tạm trú, muốn được cấp thẻ tạm trú thì phải nhập cảnh bằng visa phù hợp hoặc chuyển loại visa nhập cảnh.
IX. Thời hạn của visa DN1 là bao lâu?
Thời hạn của visa DN1 là bao lâu?
Thời hạn của visa doanh nghiệp có ký hiệu DN1, DN2 được quy định tại Điều 9 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019, khoản 2 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2023 như sau:
“Thời hạn thị thực
1. Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày.
2. Thị thực ký hiệu HN, DL, EV có thời hạn không quá 90 ngày.
3. Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 180 ngày.
4. Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2, TT có thời hạn không quá 01 năm.
5. Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm.
5a. Thị thực ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 03 năm.
6. Thị thực ký hiệu LS, ĐT1, ĐT2 có thời hạn không quá 05 năm.
7. Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới.
8. Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày.
9.Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thời hạn thị thực cấp theo điều ước quốc tế.”
Theo đó, thời hạn của visa doanh nghiệp có ký hiệu DN1, DN2 không qua 12 tháng.
Nội dung bài viết:
Bình luận