Các công trình xây dựng đều phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và đáp ứng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Bài viết của ACC cung cấp trình tự, thủ tục xin giấy cam kết bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành.

Hoạt động thi công, xây dựng là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng môi trường bị giảm sút do khí thải, rác thải, nước thải, tiếng ồn, khói bụi…Hàng nghìn công trình xây dựng đang thi công mỗi ngày, khối lượng chất thải ngày một tăng cao. Vì vậy, thiết lập cơ chế kiểm soát chất lượng và giải pháp bảo vệ môi trường đối với các dự án, công trình thi công xây dựng là điều vô cùng cần thiết.
Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường đã có quy định về đối tượng, trình tự, thủ tục hành chính nhằm đánh giá, bảo vệ môi trường mà các dự án, công trình trong lĩnh vực xây dựng cần phải thực hiện khi thi công.
Cam kết bảo vệ môi trường là hồ sơ pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa chủ đầu tư, dự án với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Thông qua việc thực hiện cam kết này, các nguồn tác động đến môi trường của dự án được đánh giá chi tiết, từ đó đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường. Đến nay, thuật ngữ cam kết bảo vệ môi trường không còn được sử dụng trong các văn bản pháp luật. Thay vào đó, pháp luật quy định các dự án, công trình xây dựng cần lập kế hoạch bảo vệ môi trường với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. Đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường
Các dự án xây dựng thuộc đối tượng dưới đây phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định:
- Dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất có tổng quy mô, công suất của cơ sở đang hoạt động và phần đầu tư mới theo quy định tại cột 5 Phụ lục II Mục I ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP;
- Dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án, phương án đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, có phát sinh lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 500 m3/ngày (24 giờ) hoặc chất thải rắn từ 01 tấn/ngày (24 giờ) đến dưới 10 tấn/ngày (24 giờ) hoặc khí thải từ 5.000 m3 khí thải/giờ đến dưới 20.000 m3 khí thải/giờ (bao gồm cả cơ sở đang hoạt động và phần mở rộng) trừ các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại cột 3 Phụ lục II Mục I ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP này.
Các dự án, công trình xây dựng không thuộc đối tượng nêu trên được miễn thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
2. Hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường
Chủ dự án, công trình xây dựng chuẩn bị hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gồm:
- 01 văn bản đề nghị đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án, công trình xây dựng;
- 03 bản kế hoạch bảo vệ môi trường (kèm theo bản điện tử);
- 01 báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng (kèm theo bản điện tử).
3. Thời hạn xác nhận
10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
4. Thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường
Cơ quan chuyên môn bảo vệ môi trường cấp tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Trình tự, cách thức thực hiện
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường được chủ dự án, công trình xây dựng gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện để được xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường
Trường hợp chưa xác nhận phải có thông báo bằng một văn bản và nêu rõ lý do cho chủ dự án, công trình xây dựng.
Bước 3: Nhận xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.
Dưới đây là mẫu văn bản đề nghị đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho các chủ dự án, công trình xây dựng
Mẫu số 01
(1)
______________ Số:... V/v đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của (2) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
(Địa danh), ngày... tháng... năm... |
Kính gửi: (3)
(1) Là chủ đầu tư của (2), thuộc đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường quy định tại mục số....., cột 4 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số /2019/NĐ-CP ngày tháng năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường. Chúng tôi đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường như sau:
Tên của (1):.........................................................................................................
Địa điểm thực hiện của (2):.................................................................................
Địa chỉ liên hệ của (1):...; Điện thoại:............; Fax:.............; E-mail:.................
Chúng tôi gửi đến (3) hồ sơ gồm:
- Ba (03) bản kế hoạch bảo vệ môi trường.
- Một (01) báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Một (01) bản điện tử của các hồ sơ nêu trên.
Chúng tôi cam kết bảo đảm về độ trung thực, chính xác của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên. Nếu có gì sai trái, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Việt Nam.
Đề nghị (3) xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của (2)./.
Nơi nhận: - Như trên; - ...; - Lưu:... |
(4) (Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu) |
Ghi chú:
(1) Chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
(2) Tên đầy đủ, chính xác của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
(3) Cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
(4) Đại diện có thẩm quyền của chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Nội dung bài viết:
Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!