1. Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp là gì?
Theo quy định hiện hành, vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự. Trong đó, vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:
- Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;
- Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.
Theo đó, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động vận chuyển các sản phẩm, nguyên liệu trên từ địa điểm này đến địa điểm khác.
2. Điều kiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:
- Tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh hoặc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề vận chuyển hàng hóa;
- Phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải đủ điều kiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; bảo đảm điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy;
- Người quản lý, người điều khiển phương tiện, áp tải và người phục vụ có liên quan đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy;
- Có Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; biểu trưng báo hiệu phương tiện đang vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
Người thực hiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải tuân theo quy định sau đây:
- Thực hiện đúng nội dung ghi trong Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;
- Kiểm tra tình trạng hàng hóa trước khi xuất phát hoặc sau mỗi lần phương tiện dừng, đỗ và khắc phục ngay sự cố xảy ra;
- Có phương án vận chuyển bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy; có biện pháp ứng phó sự cố khẩn cấp;
- Thực hiện đầy đủ thủ tục giao, nhận về hàng hóa, tài liệu liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp;
- Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp ở nơi đông người, khu vực dân cư, gần trạm xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao; không vận chuyển khi thời tiết bất thường. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ;
- Không được chở vật liệu nổ công nghiệp và người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp được quy định như sau:
- Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đối với trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp để quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu.
- Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong nước
4. Hồ sơ xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Hồ sơ xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bao gồm:
- Văn bản đề nghị nêu rõ lý do, khối lượng, số lượng, chủng loại vật liệu nổ công nghiệp cần vận chuyển; nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển; họ và tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm vận chuyển, người điều khiển phương tiện; biển kiểm soát của phương tiện;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp nhận vật liệu nổ công nghiệp;
- Các loại giấy tờ chứng minh đủ điều kiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo quy định;
- Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ.
5. Thủ tục xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Bước 1: Nộp hồ sơ
Cá nhân, tổ chức lập thành 01 bộ và nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì ghi vào sổ theo dõi hồ sơ đã tiếp nhận và viết giấy biên nhận, hẹn ngày trả.
Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thủ tục thì hướng dẫn bằng văn bản. Sau khi cơ quan, tổ chức hoàn thiện hồ sơ thì cán bộ tiếp nhận thực hiện theo bước trên.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản.
Bước 3: Cấp giấy phép
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp, điều chỉnh Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển; trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hoàn tất việc vận chuyển, phải nộp lại cho cơ quan đã cấp giấy phép.
Trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bằng nhiều phương tiện trong cùng một chuyến thì chỉ cấp 01 Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện giao thông thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện 01 Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
6. Lệ phí xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Lệ phí cấp giấy phép được quy định như sau:
- Dưới 5 tấn: 50.000 đồng/giấy phép
- Từ 5 tấn đến 15 tấn: 100.000 đồng/giấy phép
- Trên 15 tấn: 150.000 đồng/giấy phép
Bài viết trên đây cung cấp thông tin pháp lý liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Trước khi thực hiện thủ tục này, các cá nhân, tổ chức cần tìm hiểu các quy định của pháp luật để việc thực hiện được nhanh chóng và hiệu quả.
Nội dung bài viết:
Bình luận