Vật liệu nổ công nghiệp là sản phẩm đặc biệt. Do đó, tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp cần xin giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về thủ tục xin cấp – cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp.
1. Vật liệu nổ công nghiệp là gì?
Theo quy định hiện hành, vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự. Trong đó, vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:
- Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;
- Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.
2. Trình độ chuyên môn trong hoạt động VLNCN
Đối với từng đối tượng, trình độ chuyên môn cần đáp ứng là khác nhau. Cụ thể như sau:
- Người quản lý phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật: Hóa chất, vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý hoặc dầu khí.
- Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật: Hóa chất, vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất hoặc khoan nổ mìn.
- Chỉ huy nổ mìn phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật, cụ thể như sau:
- Đối với chuyên ngành kỹ thuật: Vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý, dầu khí hoặc khoan nổ mìn. Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 01 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng;
- Đối với chuyên ngành kỹ thuật khác, chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 03 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng.
- Thợ mìn phải có trình độ từ sơ cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật nêu trên hoặc từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật khác nêu trên. Thợ mìn phải có thời gian làm công việc phục vụ nổ mìn tối thiểu 06 tháng.
3. Đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN
Các đối tượng dưới đây phải huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN:
- Người quản lý.
- Người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.
- Người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp.
- Chỉ huy nổ mìn.
- Thợ mìn.
- Người phục vụ; người áp tải, điều khiển phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
- Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp.
4. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN được quy định như sau:
- Bộ Công thương tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn, trừ các đối tượng thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng.
- Cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ công nghiệp chủ trì tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng thuộc tổ chức sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.
5. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN được chia thành 2 trường hợp:
- Đối với giấy chứng nhận cho người quản lý
Hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị theo quy định;
- Danh sách người đề nghị được huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo quy định;
- 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn;
- Tài liệu chứng minh đáp ứng các quy định về trình độ chuyên môn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
- Đối với giấy chứng nhận cho các đối tượng khác
Hồ sơ bao gốm:
- Giấy đề nghị theo quy đình;
- Danh sách người đề nghị được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo quy định;
- 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn;
- Tài liệu huấn luyện chi tiết phù hợp cho từng đối tượng;
- Tài liệu chứng minh đáp ứng các quy định về trình độ chuyên môn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
6. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp lập 01 bộ hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền
Bước 2: Tiếp nhận, xem xét và thông báo kế hoạch và tổ chức huấn luyện
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra cho tổ chức đề nghị;
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền này phải tổ chức huấn luyện, kiểm tra.
Bước 3: Cấp giấy chứng nhận
Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo quy định.
7. Thời hạn giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN
Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn có hiệu lực trong thời hạn 02 năm và có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
8. Trường hợp được cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN
Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn được cấp lại trong trường hợp sau:
- Bị mất,
- Sai sót
- Hư hỏng
9. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN
Hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị cấp lại theo quy định;
- 02 ảnh (3x4 cm)
- Danh sách đối tượng cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn;
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn.
Bài viết trên đây cung cấp thông tin pháp lý liên quan đến thủ tục xin cấp – cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp. Trước khi thực hiện thủ tục này, các cá nhân, tổ chức cần tìm hiểu các quy định của pháp luật để việc thực hiện được nhanh chóng và hiệu quả.
Nội dung bài viết:
Bình luận