Hiện nay, các vấn đề về tách thừa đất luôn là một trong những nội dung của lĩnh vực đất đai được đông đảo quý bạn đọc quan tâm. Nhu cầu tách thửa của người dân là đa dạng với nhiều mục đích khác nhau, đồng thời, mỗi loại đất sẽ có những điểm lưu ý riêng theo các quy định của pháp luật, từ trình tự, thủ tục, các chi phí khi tách thửa cho đến các điều kiện để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận tách thửa. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý bạn đọc các thông tin về Thủ tục tách thửa và chuyển quyền sử dụng đất hiện nay.
1. Tách thửa đất là gì?
Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ. Thửa đất được xác định theo phạm vi quản lý, sử dụng của một người sử dụng đất hoặc của một nhóm người cùng sử dụng đất hoặc của một người được Nhà nước giao quản lý đất; có cùng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tách thửa là quá trình tách thửa đất. Là quy trình phân chia quyền sở hữu đất đai từ một người đứng tên, chịu trách nhiệm sang nhiều đối tượng khác nhau. Việc tách thửa phải được thực hiện theo đúng những quy định của pháp luật.
Như vậy, tách thửa đất là việc chia nhỏ phần diện tích đất lớn thành những phần đất có diện tích nhỏ hơn đảm bảo tiêu chuẩn diện tích tối thiểu được tách thửa do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương quy định
2. Thủ tục tách thửa trước khi chuyển nhượng
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP trường hợp thực hiện quyền chuyển nhượng với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần chuyển nhượng trước khi chuyển nhượng cho người khác.
Lưu ý: Diện tích của thửa đất mới và diện tích còn lại phải không được nhỏ hơn diện tích tối thiểu.
Bước 1. Nộp hồ sơ
Theo khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT hồ sơ đề nghị tách thửa đất như sau:
- Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu 11/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Địa điểm nộp hồ sơ tách thửa:
- Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường.
- Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.
Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
- Trường hợp nộp hồ sơ tại UBND cấp xã thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Bước 3. Xử lý yêu cầu tách thửa
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện:
- Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
- Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Thời gian giải quyết: theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thời gian thực hiện thủ tục tách thửa không quá 15 ngày.
3. Thủ tục chuyển nhượng sau khi tách thửa
Sau khi tách thửa thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo các bước sau:
Bước 1 - Đặt cọc (không bắt buộc)
Bước 2 - Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Chuẩn bị hồ sơ công chứng:
Bên bán:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
- Giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu (của cả vợ và chồng) còn hạn sử dụng.
- Sổ hộ khẩu.
- Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân.
- Hợp đồng ủy quyền bán (nếu có).
Bên mua:
- Phiếu yêu cầu công chứng.
- Giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn sử dụng.
- Sổ hộ khẩu.
- Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân.
- Ngoài các giấy tờ trên, các bên có thể soạn trước hợp đồng.
- Địa điểm công chứng:
- Phải công chứng tại các tổ chức công chứng trong phạm vi tỉnh nơi có nhà đất.
- Tổ chức công chứng: Có thể công chứng tại Văn phòng công chứng tư nhân hoặc Phòng công chứng (đơn vị sự nghiệp của Nhà nước).
Bước 3. Kê khai thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ
Bước 4 - Thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất (sang tên Sổ đỏ)
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng;
- Ngoài ra, phải có sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước.
- Nộp hồ sơ: Nơi nộp hồ sơ:
- Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường.
- Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất giải quyết yêu cầu
Trao giấy chứng nhận.
Thời gian thực hiện:
- Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;
- Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.
Chi phí phải nộp khi sang tên:
- Thuế thu nhập cá nhân: Thuế phải nộp bằng 2% giá trị chuyển nhượng.
- Lệ phí trước bạ: Lệ phí trước bạ phải nộp bằng 0.5% giá trị chuyển nhượng.
- Lệ phí địa chính (Mức thu do HĐND cấp tỉnh quyết định).
Trên đây là nội dung về Thủ tục tách thửa và chuyển quyền sử dụng đất hiện nay. Mong rằng bài viết này sẽ cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin bổ ích. Nếu có thắc mắc hay cần tư vấn, vui lòng liên hệ với công ty luật ACC để chúng tôi có thể giải đáp cho quý bạn đọc một cách nhanh chóng nhất.
Nội dung bài viết:
Bình luận