Thủ Tục Sửa Đổi, Bổ Sung, Tách Đơn Đăng Ký Sở Hữu Công Nghiệp

Thủ tục sửa đổi, bổ sung, tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thực hiện khi nào? Hồ sơ và điều kiện người thực hiện cần chuẩn bị bao gồm những gì? Mời Quý khách theo dõi bài viết của ACC để hiểu rõ hơn.

Thủ Tục Sửa Đổi, Bổ Sung, Tách Đơn Đăng Ký Sở Hữu Công Nghiệp
Thủ Tục Sửa Đổi, Bổ Sung, Tách Đơn Đăng Ký Sở Hữu Công Nghiệp

1. Thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung, tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp khi nào?

Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “Người nộp đơn được sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn hoặc trước khi quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Hoặc trước khi ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.”

Theo đó, trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung các tài liệu đơn; tách đơn hoặc chuyển giao đơn cho người khác.

2. Phạm vi sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Người nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp có thể yêu cầu sửa chữa sai sót về tên, địa chỉ của người nộp đơn.

Việc sửa đổi, bổ sung đơn không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ vượt quá nội dung đã bộc lộ trong danh mục hàng hoá, dịch vụ đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn.

Nếu việc sửa đổi làm mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ hoặc làm thay đổi bản chất đối tượng thì người nộp đơn phải nộp đơn mới và mọi thủ tục được tiến hành lại từ đầu.

3. Thủ tục sửa đổi, bổ sung, tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Trường hợp với đơn đăng ký trong nước:

Đối với yêu cầu sửa đổi, bổ sung “Mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu”, người nộp đơn phải nộp các tài liệu sau đây:

  • Tờ khai yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp (mẫu 01-SĐĐ quy định tại Phụ lục B ban hành kèm theo Thông tư 16/2016/TT-BKHCN).
  • 05 mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu (đã được sửa đổi).
  • Bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi so với bản tài liệu ban đầu đã nộp.
  • Tài liệu xác nhận việc sửa đổi hợp pháp.
  • Tài liệu chứng minh sự thay đổi chủ đơn do thừa kế, kế thừa.
  • Giấy ủy quyền nộp hồ sơ yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu cho cá nhân hoặc Giấy ủy quyền nộp hồ sơ yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu cho tổ chức (nếu nộp thông qua đại diện).
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
  • Tài liệu khác (nêu cụ thể).

Ngoài ra, Người nộp đơn cũng có thể yêu cầu sửa chữa sai sót về tên, địa chỉ của người nộp đơn.

Lưu ý:

  • Việc sửa đổi, bổ sung đơn không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ đã bộc lộ trong mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn. Nếu việc sửa đổi làm mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ hoặc làm thay đổi bản chất đối tượng thì không được chấp nhận, người nộp đơn phải nộp đơn mới và mọi thủ tục được tiến hành lại từ đầu;
  • Người nộp đơn có thể yêu cầu sửa đổi với cùng một nội dung liên quan đến nhiều đơn, với điều kiện người yêu cầu phải nộp phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn theo số lượng đơn tương ứng.

Trường hợp với đơn đăng ký quốc tế:

Sau khi đơn được nộp cho Văn phòng quốc tế, người nộp đơn vẫn có thể yêu cầu Văn phòng quốc tế sửa đổi tên, địa chỉ, hạn chế danh mục hàng hóa, dịch vụ ghi trong đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu, đăng ký quốc tế nhãn hiệu thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Người nộp đơn phải nộp các khoản phí, lệ phí cho các giao dịch đó theo quy định.

Thành phần hồ sơ:

  • Tờ khai yêu cầu sửa đổi đăng ký quốc tế nhãn hiệu (mẫu 08-SĐQT quy định tại Phụ lục C ban hành kèm theo Thông tư 16/2016/TT-BKHCN).
  • Mẫu tờ khai của Văn phòng quốc tế.
  • Bản sao Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
  • Bản sao giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại VN.
  • Bản sao Công báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu của WIPO.
  • Bản sao Công báo sở hữu công nghiệp có nhãn hiệu đăng ký quốc tế.
  • Bản sao quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam.
  • Bản sao quyết định huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở (trường hợp yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế).
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở đã sửa đổi (trường hợp yêu cầu sửa đổi Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu).
  • Bản sao thông báo ghi nhận sửa đổi đơn đăng ký nhãn hiệu cơ sở (trường hợp yêu cầu sửa đổi Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu).
  • Bản sao quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền SHCN đối với nhãn hiệu cơ sở (trường hợp yêu cầu chuyển nhượng Đăng ký quốc tế nhãn hiệu).
  • Bản sao thông báo ghi nhận chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu cơ sở (trường hợp chuyển nhượng Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu).
  • Giấy ủy quyền nộp hồ sơ yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho cá nhân hoặc Giấy ủy quyền nộp hồ sơ yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho tổ chức (nếu nộp thông qua đại diện).
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

2. Thủ tục tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ tách đơn (tách một hoặc một số thành phần của nhãn hiệu hoặc một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu sang một hoặc nhiều đơn mới, gọi là đơn tách);

Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có); được công bố theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

Đối với mỗi đơn tách, người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu (ngoài các thủ tục đã được thực hiện ở đơn gốc mà không cần phải thực hiện lại ở đơn tách), nhưng không phải nộp phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu. Đơn tách phải được công bố lại và người nộp đơn phải nộp phí công bố nếu việc tách đơn được thực hiện sau khi Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn ban đầu;

Đơn ban đầu (sau khi bị tách) tiếp tục được xử lý theo thủ tục sửa đổi đơn. Sau khi tiến hành thủ tục sửa đổi đơn ban đầu, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo ghi nhận việc sửa đổi của đơn, công bố nội dung sửa đổi đó trong trường hợp đơn ban đầu đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và người nộp đơn phải nộp phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Thủ tục sửa đổi, bổ sung, tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp do ACC cung cấp.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (1054 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo