Hiện nay, việc nhận con nuôi không còn mới đối với nhiều hộ gia đình. Đây được xem là một hành động ý nghĩa, đem đến cho các trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa có một mái ấm gia đình, có không gian vui chơi, học tập, phát triển và được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Để điều chỉnh mối quan hệ này, pháp luật Việt Nam đã ban hành Luật nuôi con nuôi, trong đó có quy định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài giúp tạo điều kiện cho người nước ngoài nhận con nuôi ở Việt Nam. Vậy để người nước ngoài nhận con nuôi cần tiến hành những thủ tục nào? Hãy cũng theo dõi bài viết dưới đây của ACC để được giải đáp một cách cụ thể về Thủ tục nhận con nuôi cho người nước ngoài.
1. Khái niệm người nước ngoài và nhận con nuôi cho người nước ngoài
1.1. Khái niệm người nước ngoài
Theo Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định như sau: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là Quốc tịch Việt Nam. Cũng theo luật này tại khoản 5 Điều 3 thì: Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam.
Khoản 1 Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 lại xác định người nước ngoài dựa theo một loại giấy tờ pháp lý được gọi là giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài: Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Từ các quy định trên, có thể hiểu quốc tịch là cơ sở pháp lý để xác minh một người có phải là người nước ngoài hay không. Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam và họ có thể mang một hay nhiều quốc tịch nước ngoài hoặc không có quốc tịch.
1.2. Khái niệm nhận con nuôi cho người nước ngoài
Theo pháp luật Việt Nam, thuật ngữ nhận con nuôi được ghi nhận trong Luật nuôi con nuôi năm 2010. Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật này nhận con nuôi hay nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi với người được nhận làm con nuôi.
Nếu như quan hệ pháp luật giữa cha mẹ đẻ và con đẻ dựa trên cơ sở là sự kiện sinh đẻ thì quan hệ pháp luật giữa cha mẹ nuôi và con nuôi dựa trên sự kiện nuôi dưỡng. Việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi với người được nhận làm con nuôi sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi. Đây là hai chủ thể quan trọng nhất của quan hệ nuôi con nuôi, trong đó, người nhận con nuôi có thể là một cặp vợ chồng có quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc là một người độc thân.
Theo đó, nhận con nuôi cho người nước ngoài là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi là người nước ngoài độc thân hoặc một cặp vợ chồng người nước ngoài có quan hệ hôn nhân hợp pháp với người được nhận làm con nuôi.
Thủ tục nhận con nuôi cho người nước ngoài mới nhất
2. Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì người được nhận làm con nuôi bao gồm:
- Trẻ em dưới 16 tuổi;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Quy định trên là hợp lý, bởi lẽ độ tuổi dưới 16 theo Luật Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được xác định là trẻ em. Theo như Bộ luật dân sự, người trong độ tuổi này chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đòi hỏi phải có sự quan sát, quản lý, giáo dục từ phía người lớn. Ngoài độ tuổi dưới 16, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng được pháp luật ghi nhận là một trong những đối tượng được nhận làm con nuôi, nhưng kèm theo đó là những điều kiện nhất định,. Trong đó, pháp luật quy định trường hợp cha dượng, mẹ kế nhận người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi làm con nuôi. Quy định này đã giúp bên nhận nuôi là cha dượng, mẹ kế có thể tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với người con riêng của vợ, chồng mình.
Ngoài các yêu cầu về độ tuổi của người được nhận làm con người, pháp luật còn đưa ra các yêu cầu khác là một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Bản chất của quy định này là không cho phép một người có thể làm con nuôi đồng thời trong nhiều gia đình khác nhau. Việc quy định như vậy để giúp người được nhận nuôi được sống trong một gia đình nhất định, không bị chi phối bởi nhiều cách giáo dục khác nhau, tạo tiền đề để giúp cho trẻ em hay người vị thành niên được phát triển một cách bình thường.
3. Điều kiện đối với người nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài
Điều 28 Luật nuôi con nuôi năm 2010 đã quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, bao gồm:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 của Luật này.
- Công dân Việt Nam nhận người nước ngoài làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại điều 14 của Luật này và pháp luật của nước nơi người được nhận làm con nuôi thường trú.
Theo đó, người nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài vẫn phải đáp ứng các điều kiện giống như đối với người nhận con nuôi trong nước. Ngoài ra, chủ thể này còn phải đáp ứng thêm các điều kiện được quy định trong pháp luật nước nơi người nhận nuôi thường trú hoặc pháp luật của nước nơi người được nhận làm con nuôi thường trú.
4. Thủ tục nhận con nuôi cho người nước ngoài
Theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 3 Luật nuôi con nuôi 2010, việc công nhận một người là cha mẹ nuôi hay con nuôi là sau khi việc nuôi con được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Để việc nuôi con được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký cần tuân theo một trình tự thủ tục nhất định.
4.1. Hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi
Điều 31 Luật nuôi con nuôi 2010 đã liệt kê các tài liệu cần thiết trong hồ sơ nhận con nuôi cho người nước ngoài, bao gồm:
- Đơn xin nhận con nuôi;
- Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
- Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;
- Bản điều tra về tâm lý, gia đình;
- Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;
- Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
- Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh.
4.2. Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi
Điều 32 Luật nuôi con nuôi 2010 và Điều 14 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định hồ sơ của người được nhận làm con nuôi bao gồm các tài liệu sau:
- Giấy khai sinh;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
- 02 ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
- Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;
- Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.
- Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em. Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi thì không cần văn bản này.
- Tài liệu chứng minh đã thực hiện việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em theo quy định tại khoản 2 điều 15 của Luật này nhưng không thành.
Đối với trẻ em thuộc diện thông qua thủ tục giới thiệu, thì phải có các văn bản sau đây:
- Văn bản của Sở Tư pháp kèm theo giấy tờ, tài liệu về việc đã thông báo tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em
- Văn bản xác nhận của Cục Con nuôi về việc đã hết thời hạn thông báo.
4.3. Thủ tục nhận con nuôi
Bước 1: Nộp hồ sơ
Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 02 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú. Trường hợp nhận con nuôi đích danh, thì người nhận con nuôi trực tiếp nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.
Trường hợp nhận con nuôi không đích danh, thì người nhận con nuôi thường trú tại nước là thành viên của điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với Việt Nam nộp hồ sơ cho Cục Con nuôi thông qua tổ chức con nuôi của nước đó được cấp phép hoạt động tại Việt Nam; nếu nước đó không có tổ chức con nuôi được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, thì người nhận con nuôi nộp hồ sơ cho Cục Con nuôi thông qua Cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc Cơ quan Lãnh sự của nước đó tại Việt Nam.
Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng và nộp tại Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú
Lưu ý: Những giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp, lập hoặc xác nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng ở Việt Nam trừ trường hợp được miễn theo Điều ước quốc tế.
Bước 2: Kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em có đủ điều kiện được cho làm con nuôi
Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Việc lấy ý kiến phải lập thành văn bản và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi cần được xác minh thì Sở Tư pháp đề nghị Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác minh; cơ quan công an có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp.
Sau khi kiểm tra, xác minh, nếu thấy trẻ em có đủ điều kiện để cho làm con nuôi nước ngoài thì Sở Tư pháp xác nhận và gửi Bộ Tư pháp.
Bước 3: Kiểm tra và chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi
Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra và xử lý hồ sơ của người nhận con nuôi theo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp người nhận con nuôi đích danh, Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Sau khi kết thúc thời hạn thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ em, nếu trẻ em không được người trong nước nhận làm con nuôi thì Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi cho Sở Tư pháp nơi trẻ em được giới thiệu làm con nuôi thường trú để xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người nhận con nuôi, Sở Tư pháp xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi trên cơ sở bảo đảm các căn cứ quy định tại Điều 35 của Luật này và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, nếu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý thì thông báo cho Sở Tư pháp để làm thủ tục chuyển hồ sơ cho Bộ Tư pháp; trường hợp không đồng ý thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi, Bộ Tư pháp kiểm tra việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, nếu hợp lệ thì lập bản đánh giá việc trẻ em Việt Nam đủ điều kiện được làm con nuôi nước ngoài và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú thông báo về sự đồng ý của người nhận con nuôi đối với trẻ em được giới thiệu, xác nhận trẻ em sẽ được nhập cảnh và thường trú tại nước mà trẻ em được nhận làm con nuôi, Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.
Trường hợp người nhận con nuôi từ chối nhận trẻ em được giới thiệu làm con nuôi mà không có lý do chính đáng thì việc giải quyết hồ sơ xin nhận con nuôi của người đó chấm dứt.
Bước 4: Quyết định cho trẻ em được nhận con nuôi nước ngoài và giao nhận nuôi con
Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
Việc giao nhận con nuôi phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và đại diện Sở Tư pháp.Sau khi giao nhận con nuôi, Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp quyết định cho trẻ em là con nuôi nước ngoài của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, biên bản giao nhận con nuôi, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài.
Bộ Tư pháp gửi quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài về việc trẻ em được nhận làm con nuôi để thực hiện biện pháp bảo hộ trẻ em trong trường hợp cần thiết.
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của chúng tôi về Thủ tục nhận con nuôi cho người nước ngoài. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý khách hàng còn thắc mắc hay quan tâm và có nhu cầu tư vấn về thủ tục nhận nuôi con nuôi trong nước hay thủ tục nhận con nuôi cho người nước ngoài vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các thông tin sau:
Hotline: 19003330
Zalo: 084 696 7979
Gmail: [email protected]
Website: accgroup.vn
Nội dung bài viết:
Bình luận