Đối với hàng hóa phải đi qua nhiều cảng biển mới đến được cảng đích thì ở mỗi cảng đó tổ chức có hàng hóa đều phải thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa ra vào cảng trung chuyển.
1. Hàng hóa trung chuyển
là hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài vào khu vực trung chuyển tại cảng biển, sau đó được đưa ra nước ngoài từ chính khu vực trung chuyển này hoặc đưa đến khu vực trung chuyển tại bến cảng, cảng biển khác để đưa ra nước ngoài.
Theo đó, hàng hóa trung chuyển vận chuyển giữa các cảng biển phải được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, đường biển. Hàng hóa trung chuyển được đưa toàn bộ ra nước ngoài một lần hoặc nhiều lần.
Hoạt động trung chuyển hàng hóa bao gồm: việc xếp dỡ, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa theo yêu cầu của người vận chuyển tại khu vực trung chuyển của cửa khẩu nhập hoặc khu vực trung chuyển của cửa khẩu xuất.
2. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển như sau:
1. Đối tượng thực hiện:
Tổ chức có hàng hóa đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển.
2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết:
Chi cục Hải quan nơi có cảng trung chuyển.
3. Trình tự thực hiện:
Bước 1: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung chuyển thông báo cho cơ quan hải quan khi có hàng hóa đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển.
- Chậm nhất là 05 (năm) ngày trước ngày đầu tiên thực hiện dịch vụ trung chuyển, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển gửi thông báo bằng văn bản về vị trí khu vực trung chuyển đến Chi cục Hải quan nơi quản lý khu vực trung chuyển để thực hiện giám sát. Trường hợp thay đổi vị trí, diện tích khu vực trung chuyển, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển gửi thông báo bằng văn bản trước khi đưa hàng trung chuyển vào lưu giữ.
- Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa trung chuyển:
-
- Tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ thay thế tờ khai theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
- Bản kê chi tiết hàng hóa đưa vào khu vực trung chuyển theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
- Chứng từ vận tải: 01 bản chụp;
- Văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền, thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Bước 2: Cơ quan hải quan thực hiện việc giám sát hải quan trong thời gian hàng hóa lưu giữ tại cảng.
- Hàng hóa trung chuyển chịu sự giám sát hải quan từ khi đến cảng biển Việt Nam, trong suốt quá trình lưu giữ tại cảng và quá trình vận chuyển cho đến khi hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa trung chuyển chỉ áp dụng trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Hàng hoá đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển thuộc đối tượng được miễn kiểm tra. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan hải quan kiểm tra số lượng container; đối chiếu số, ký hiệu của container với nội dung Bản kê và tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định.
- Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập:
- Tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan theo quy định;
- Thực hiện giám sát hàng hóa trung chuyển;
- Niêm phong hải quan đối với phương tiện chứa hàng trong trường hợp hàng hóa trung chuyển được vận chuyển giữa các bến cảng trong cùng một cảng biển và trong trường hợp phương tiện chứa hàng không còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển;
- Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
- Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất:
- Kiểm tra các thông tin trên Tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ thay thế tờ khai trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
- Kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển hoặc nguyên trạng hàng hóa trong trường hợp hàng hóa không thể niêm phong;
- Thực hiện việc giám sát hàng hóa trung chuyển xếp lên phương tiện vận tải để xuất hàng hóa ra nước ngoài;
- Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Bước 3: Xác nhận thanh khoản hàng trung chuyển của hải quan cửa khẩu nhập.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, hàng hóa đủ điều kiện trung chuyển tại cảng thì Chi cục Hải quan xác nhận thanh khoản hàng trung chuyển cho doanh nghiệp có yêu cầu.
Thời hạn giải quyết thủ tục: Không quy định.
4. Một số lưu ý đối với thủ tục hải quan đối với hàng hóa cảng trung chuyển
- Định kỳ hàng quý, chậm nhất không quá 15 ngày sau kỳ báo cáo doanh nghiệp làm dịch vụ trung chuyển phải báo cáo gửi cơ quan hải quan quản lý cảng trung chuyển về lượng hàng hoá đưa vào, đưa ra, hàng còn lưu tại cảng trung chuyển.
- Thời hạn lưu giữ hàng hóa trung chuyển không quá 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. Trường hợp hàng hóa trung chuyển trong thời gian được lưu giữ tại cảng biển Việt Nam bị hư hỏng, tổn thất cần phải có thêm thời gian để khắc phục thì thời gian trung chuyển được gia hạn tương ứng với thời gian cần thiết để thực hiện các công việc đó và phải được cơ quan hải quan nơi làm thủ tục trung chuyển chấp thuận; trường hợp hàng hóa trung chuyển được trung chuyển theo văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì phải được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận việc gia hạn.
- Việc xử lý hàng tồn đọng tại cảng trung chuyển: Kiểm tra, giám sát hải quan, xử lý hàng hóa tồn đọng:
- Hàng hóa tồn đọng được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan bao gồm:
- Hàng hóa mà chủ hàng hóa tuyên bố từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ.
- Không thừa nhận việc chủ hàng hóa từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ đối với hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận;
- Hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ hàng hóa;
- Hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn, bản khai hàng hóa nhưng không có người đến nhận.
- Việc xử lý hàng hóa tồn đọng được thực hiện như sau:
- Trường hợp bán hàng hóa tồn đọng thì tiền bán hàng được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ các khoản chi phí bán hàng và chi phí lưu cảng, kho, bãi tại doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi;
- Đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp không xác định được chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền, cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan thực hiện tiêu hủy.
Nội dung bài viết:
Bình luận