Thủ tục giải quyết tranh chấp từ hợp đồng xuất - nhập khẩu 2023

Trong hoạt động mua – bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng xuất - nhập khẩu làcăn cứ ghi nhận những thỏa thuận của nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu về các điều khoản như: tên hàng hóa, chất lượng, số lượng, giá cả hàng hóa, điều khoản giao hàng, thanh toán, bảo hiểm,… Mặc dù các điều khoản đã được quy định rất rõ ràng giữa hai bên nhưng trong quá trình xuất - nhập khẩu vẫn có những vấn đề phát sinh, gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến các điều khoản hợp đồng này. Trường hợp xảy ra tranh chấp thì chúng ta cần phải làm như thế nào và căn cứ vào đâu để giải quyết những tranh chấp đó trong những trường hợp cụ thể? Bài viết dưới đây của ACC sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.

Thủ tục giải quyết tranh chấp từ hợp đồng xuất - nhập khẩu
Thủ tục giải quyết tranh chấp từ hợp đồng xuất - nhập khẩu

1. Hợp đồng xuất – nhập khẩu

1.1 Khái niệm hợp đồng xuất – nhập khẩu

Hợp đồng xuất nhập khẩu là sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán ở các nước khác nhau, trong đó quy định: bên bán phải cung cấp hàng hóa, chuyển giao các chứng từ có liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu hàng hóa còn bên mua phải thanh toán tiền hàng và nhận hàng.

1.2 Các điều khoản cơ bản của hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu

  • Đối tượng của hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu:
    • Hai bên thỏa thuận với nhau về những loại hàng hóa sẽ được xuất nhập khẩu. Lưu ý: cần miêu tả rõ thôngtin của loại hàng hóa đó như tên, kích thước, màu sắc, nguồn gốc xuất xứ, điều kiện bảo quản, khối lượng, số lượng, đơn vị tính,…
  • Thời gian, địa điểm giao nhận hàng hóa trong hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu:
    • Hai bên thỏa thuận về thời gian, địa điểm giao và nhận, cần ghi rõ thông tin về địa chỉ sẽ được giao nhận đối với mỗi lần giao nhận.
  • Giá cả, phương thức thanh toán và thời điểm thanh toán trong hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu:
    • Hai bên thỏa thuận với nhau về giá cả đối với từng loại hàng hóa, đơn vị tính, đơn vị tiền tệ,…
  • Bảo hiểm, bảo hành hàng hóa (nếu có) trong hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu
    • Hai bên thỏa thuận về các điều kiện, thời gian để hàng hóa được bảo hiểm hoặc bảo hành, bên phải chịu trách nhiệm cho việc mua bảo hiểm hay bảo hành đối với hàng hóa có chế độ bảo hành.
  • Trách nhiệm của bên mua trong hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu
    • Bên mua có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ chi phí mà hai bên đã thỏa thuận.
    • Tổ chức tiếp nhận nhanh, an toàn, dứt điểm cho từng lô hàng.
    • Chịu chi phí bốc dỡ (nếu có) từ xe xuống khi bên bán vận chuyển hàng hoá đến địa điểm đã thỏa thuận.
  • Trách nhiệm của bên bán trong hợp đồng xuất khẩu, hơp đồng nhập khẩu:
    • Chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng đối với toàn bộ các sản phẩm do bên bán cung cấp cho tới khi hàng hóa đến địa điểm giao nhận theo thỏa thuận.
    • Bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại địa điểm đã thỏathuận.
    • Bên bán có nghĩa vụ cung cấp mọi thông tin cần thiết đối với việc bảo quản, sử dụng hàng hoá theo quy định của Hợp đồng theo thỏa thuận.

2. Các trường hợp tranh chấp từ hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu

2.1 Tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ của người bán

Bên bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng như: không đúng thời gian, địa điểm; không đúng tên gọi, quy cách, chủng loại; không đúng chất lượng; dư hoặc thừa số lượng hoặc không giao hàng.

Bên bán vi phạm nghĩa vụ cung cấp chứng từ hàng hóa như: gửi chậm, gửi thiếu hoặc không gửi chứng từ hàng hóa.

Tranh chấp về điều khoản giá giữa người bán và người mua khi đối tượng là những mặt hàng có giá cả biến động mạnh với xu hướng khó nắm bắt như: xăng, dầu, sắt, thép, cà phê… Thực hiện trong thời gian dài và giao hàng nhiều lần, thời điểm giao hàng chưa được cụ thể.

Bên bán không thực hiện tốt nghĩa vụ sau bán hàng như: điều khoản bảo hành; hướng dẫn sử dụng hàng hóa, cách vận hành máy móc, thiết bị…

Và một số tranh chấp khác liên quan đến việc chuyển giao quyển sở hữu hàng hóa, việc cung cấp bao bì và ký hiệu…

2.2 Tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ của người mua

          Bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền hàng với bên bán như: Không mở L/C hoặc mở L/C nhưng không đúng thời hạn quy định; số tiền ghi L/C không đúng; chọn ngân hàng mở L/C không đúng quy định hoặc tự ý yêu cầu ngân hàng ngừng thanh toán.

          Trường hợp thanh toán bằng D/P hoặc D/A thì người mua chậm trả hoặc không chấp nhận trả tiền hối phiếu, dẫn đến tranh chấp giữa hai bên.

          Người mua tiếp nhận hàng hóa không kịp thời, không đầy đủ gây tổn thất cho người bán cũng dẫn đến tranh chấp.

3. Giải quyết tranh chấp từ hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu

          Nếu không thể tự thương lượng, hòa giải thì các bên tranh chấp có thể lựa chọn giải quyết bằng Trọng tài thương mại hoặc Tòa án.

3.1. Phương pháp trọng tài thương mại

          Theo quy định tại Điều 2 Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì trọng tài có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp sau:

    • “1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
    • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
    • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài”.

          Tuy nhiên, trọng tài có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp cụ thể khi có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài là sự nhất trí của các bên đưa ra những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại trọng tài. Trong thỏa thuận trọng tài, các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn một Trọng tài phù hợp, chỉ định trọng tài viên để thành lập Hợp đồng (hoặc Ủy ban) Trọng tài giải quyết tranh chấp. Khi đã có thỏa thuận trọng tài thì các bên chỉ được kiện tại trọng tài theo sự thỏa thuận mà thôi. Tòa án không tham gia giải quyết nếu các bên đã thỏa thuận trọng tài, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài là không thể thực hiện được.

          Ở Việt Nam, trọng tài được tổ chức dưới hình thức các trung tâm trọng tài thường trực. Trung tâm trọng tài Quốc tế VIệt Nam (VIAC) và các trung tâm trọng tài kinh tế (thành lập theo Nghị Định 116/CP ngày 05/09/1994). Tiêu biểu có các trung tâm trọng tài: Trung tâm trọng tài kinh tế Thăng Long, TT/TTKT Hà Nội, TT/TTKT Bắc Giang, TT/TTKT Sài Gòn và TT/TTKT Cần Thơ.

          Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần. phán quyết trọng tài có tính chung thẩm: các bên không thể kháng cáo trước Tòa án hoặc các tổ chức nào khác. Các bên tranh chấp phải thi hành phán quyết trọng tài trong thời hạn ấn định của phán quyết. Tuy nhiên, các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài trong một số trường hợp.

3.2. Phương pháp giải quyết tranh chấp bằng Tòa án

          Khi tranh chấp Hợp đồng xuất – nhập khẩu, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại Tòa án nhân dân. Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết với hầu hết các tranh chấp. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án được xác định theo bốn bước:

          Bước 1: Thẩm quyền theo vụ việc

          Xác định thẩm quyền theo vụ việc là xác định vụ việc tranh chấp đó có thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án hay không. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án theo vụ việc từ Điều 26 đến Điều 34. Cụ thể:

  • Tranh chấp hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 3 Điều 26;
  • Tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại theo Điều 30;

          Bước 2: Thẩm quyền theo cấp xét xử

          Luật tổ chức Tòa án nhân dân chia thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án thành các cấp như sau:

  • Tòa án nhân dân tối cao;
  • Tòa án nhân dân cấp cao;
  • Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh);
  • Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện);
  • Tòa án quân sự.

          Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp được quy định tại Điều 35, 36 Bộ luật tố tụng dân sự; Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp được quy định tại Điều 37, 38 Bộ luật Tố tụng dân sự.

          Bước 3: Thẩm quyền theo lãnh thổ

          Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

  • Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng về dân sự, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật tố tụng dân sự;
  • Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

          Lưu ý: Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự.

          Bước 4: Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

          Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự:

  1. “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
  2. Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
  3. Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
  4. Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;…’’

          Sau khi xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án có thẩm quyền nhận đơn khởi kiện và xem xét đơn khởi kiện. Trường hợp đơn khỏi kiện hợp lệ thì Tòa án thông báo cho nguyên đơn về việc nộp lệ phí và tiền tạm ứng án phí. Sau khi nhận được biên lai phí và tiền tạm ứng án phí thì Tòa án thụ lý vụ án.

          Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục tư pháp do Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định.

          Các bên tranh chấp hợp đồng xuất – nhập khẩu có thể lựa chọn phương pháp giải quyết tranh chấp tùy theo nhu cầu, năng lực cũng như thiệt hại thực tế xảy ra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

          Trên đây là những tư vấn của ACC về vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng xuất – nhập khẩu. Nếu bạn còn điều gì thắc mắc thì hãy liên hệ với chúng tôi, ACC cam kết mang lại cho bạn chất lượng dịch vụ tốt nhất!

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo