Thủ tục giải quyết tranh chấp kinh tế thương mại 2023

Hiện nay, hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra sôi nổi cũng đồng nghĩa với việc nảy sinh nhiều vấn đề, tranh chấp. Bài viết cung cấp cái nhìn tổng quát về tranh chấp kinh doanh thương mại và trình tự, thủ tục để giải quyết tranh chấp này trên thực tế theo quy định pháp luật hiện hành.

Thủ tục giải quyết tranh chấp kinh tế thương mại
Thủ tục giải quyết tranh chấp kinh tế thương mại

1. Tranh chấp kinh doanh thương mại là gì và đặc điểm

Tranh chấp kinh doanh thương mại là những mâu thuẫn, xung đột quyền và lợi ích phát sinh giữa các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh với mục đích sinh lời.

Để xác định tranh chấp nào là tranh chấp kinh doanh thương mại thì cần xác định tranh chấp đó phải xuất phát từ hoạt động kinh doanh thương mại. Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật của tranh chấp trong kinh doanh thương mại:

Thứ nhất, chủ thể chủ yếu của tranh chấp là thương nhân.

Bản chất, hoạt động kinh doanh thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Trong hoạt động kinh doanh thương mại, chủ thể là các thương nhân hoặc ít nhất một bên là thương nhân, người thực hiện các hoạt động kinh doanh thương mại có tính chất nghề nghiệp. Do vậy, một tranh chấp được coi là tranh chấp kinh doanh thương mại khi có ít nhất một bên là thương nhân. Ngoài ra các cá nhân, tổ chức khác cũng có thể là chủ thể của tranh chấp kinh doanh thương mại như giữa công ty – thành viên công ty; các thành viên công ty với nhau; …

Thứ hai, căn cứ phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại là hành vi vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật.

Nội dung của tranh chấp kinh doanh thương mại là những xung đột về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hoạt động thương mại. Thực tế, hoạt động thương mại được các bên thực hiện dựa trên các điều khoản, thỏa thuận nhất định theo hợp đồng.

Thứ ba, về các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.

Hiện nay tranh chấp trong kinh doanh thương mại được giải quyết bằng một trong các phương thức sau: thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại và tòa án.

2. Ý nghĩa của việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại

Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại là hoạt động xóa bỏ, tháo gỡ những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên trong hoạt động kinh doanh thương mại, được thực hiện bằng một trong các phương thức giải quyết tranh chấp: thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án.

Việc giải quyết tranh chấp kịp thời và hiệu quả có ý nghĩa to lớn, góp phần hạn chế các tranh chấp khác có thể xảy ra. Qua đó, đặt ra các chế định và chế tài nhằm tạo nên một thị trường công bằng trong kinh doanh.

Việc giải quyết kịp thời tranh chấp trong kinh doanh thương mại còn có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý xã hội bằng công cụ pháp luật. Nhiều doanh nghiêp, thương nhân, chủ thể hoạt động thương mại có niềm tin và thực hiện hoạt động kinh doanh một cách công bằng, bình đẳng và tuân thủ quy định pháp luật.

3. Các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại và trình tự thực hiện

Theo quy định tại Điều 317 Luật Thương mại 2005 có 4 phương thức giải quyết tranh chấp thương mại:

3.1 Thương lượng

Đây là phương thức giải quyết đầu tiên trong quá trình giải quyết mọi tranh chấp. Trong hoạt động kinh doanh thương mại, khi phát sinh tranh chấp, xung đột, các bên nên cùng thỏa thuận để tháo gỡ bất đồng. Hoạt động tự thương lượng này mang tính tự giác và không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý với mục đích là tìm ra biện pháp, thống nhất chung để xóa bỏ tranh chấp.

3.2 Hòa giải thương mại

Bằng hòa giải, các bên trong tranh chấp thương mại tiến hành thương lượng giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba là hòa giải viên.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 22/20217/NĐ-CP về giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, những tranh chấp dưới đây có thể được giải quyết bằng phương thức hòa giải:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.

Kết quả hòa giải phụ thuộc vào thiện chí của các bên tranh chấp và uy tín, kinh nghiệm, kỹ năng của trung gian hòa giải, quyết định cuối cùng của việc giải quyết tranh chấp không phải của trung gian hòa giải mà hoàn toàn phụ thuộc các bên tranh chấp. Đặc biệt,  kết quả hòa giải thành trong phương thức hòa giải thương mại có hiệu lực như kết quả hòa giải thành trong tố tụng tòa án, không bị kháng cáo, kháng nghị và được đảm bảo thi hành.

Bước 1: Lựa chọn, chỉ định hòa giải viên thương mại

Các bên trong tranh chấp thỏa thuận lựa chọn hòa giải viên từ danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại hoặc từ danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố.

Số lượng hòa giải viên do các bên tự thỏa thuận lựa chọn.

Bước 2: Lựa chọn Quy tắc hòa giải

Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải.

Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.

Bước 3: Lựa chọn địa điểm, thời gian

Các bên thỏa thuận chọn địa điểm, thời gian hòa giải. Nếu các bên không có thỏa thuận nào, hòa giải viên là người quyết định địa điểm và thời gian tiến hành hòa giải.

Bước 4: Thỏa thuận hòa giải

Dưới sự hỗ trợ của hòa giải viên, các bên tiến hành đàm phán, thỏa thuận để tìm ra các biện pháp giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại của mình.

Hình thức: Thỏa thuận hòa giải được xác lập bằng văn bản. Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.

3.3 Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp do các bên trong tranh chấp kinh doanh thương mại thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật trọng tài thương mại năm 2010. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án được nhiều bên lựa chọn hiện nay.

Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài bao gồm:

  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên từ hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên, khi chỉ có một bên hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà theo quy định pháp luật được giải quyết bằng Trọng tài.

Theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010, khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài các bên thực hiện theo trình tự sau

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.

Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.

Bước 2: Bị đơn nộp bản tự bảo vệ

Theo Điều 35 Luật trọng tài thương mại năm 2010, đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện.

Đối với tranh chấp giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người chọn làm Trọng tài viên.

Bước 3: Thành lập hội đồng trọng tài

Thành phần Hội đồng trọng tài gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn khởi kiện.

Bước 4: Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp và hòa giải

Phiên họp được tiến hành không công khai nếu các bên có thỏa thuận khác.

Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Sau đó lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên.

Bước 5: Hội đồng trọng tài ra phán quyết

Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

4. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án

4.1 Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Xác định thẩm quyền giải quyết theo vụ việc của tòa án:

Theo Điều 30 Bộ luật tố tụng năm 2015, những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án bao gồm:

  • Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
  • Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
  • Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
  • Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
  • Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Xác định thẩm quyền theo cấp của tòa án:

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp kinh doanh thương mại phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

Trong trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Lúc này Tòa án cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết. Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh thương mại còn lại.

Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ: Thực hiện theo Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

4.2 Trình tự yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Người khởi kiện tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền

Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Bước 2: Thụ lý

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thời hạn chuẩn bị xét xử: thường từ 02 đến 04 tháng.

Phiên tòa xét xử: mở trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, có tính cưỡng chế cao và được đảm bảo thi hành bằng hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước khác là cơ quan thi hành án.

Trên đây là quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ với ACC để được tư vấn.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (320 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo