Hợp đồng vận chuyển là hợp đồng rất phổ biến trong cuộc sống và theo đó, tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này cũng rất phổ biến. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển.
1. Tranh chấp hợp đồng vận chuyển là gì?
Hợp đồng vận chuyển là thỏa thuận được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản. hàng hóa đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản, hàng hóa đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
Khi đó, tranh chấp hợp đồng vận chuyển là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của một hoặc cả hai bên chủ thể của hợp đồng về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển.
Tranh chấp hợp đồng vận chuyển có thể chỉ liên quan đến hợp đồng vận chuyển, nhưng đôi khi điều này còn dẫn đến tranh chấp hợp đồng bảo hiểm. Theo thống kê của nhiều tổ chức uy tín, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển chiếm đến 80% khối lượng thương mại. Do đó, tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, tranh chấp hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển là những tranh chấp hợp đồng phổ biến nhất.
Tranh chấp hợp đồng vận chuyển cũng giống như các tranh chấp khác có 4 phương thức giải quyết chính là thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án.
2. Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển
Thương lượng
Đây là phương thức được áp dụng đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Ưu điểm của thương lượng là các bên có thể tiến hành bằng cách gặp mặt trao đổi trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện khác như điện thoại, email,…. tại địa điểm và thời gian phù hợp, do đó, phương thức này rất linh hoạt, đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm,… Tuy nhiên, cũng bởi yếu tố tự do đó đồng thời cũng không có cơ chế nào bắt buộc thực hiện những điều hai bên đã thỏa thuận thành công. Nếu thương lượng không thành, các chủ thể sẽ phải tiếp tục áp dụng các phương thức khác.
Để tiến hành thương lượng, hai bên chỉ cần liên hệ dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp trao đổi, thỏa thuận, thương lượng với nhau để giải quyết tranh chấp trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
Hòa giải
Là một phương thức với sự tham gia của người thứ ba, độc lập với phương thức tòa án. Nhìn chung, hòa giải có những ưu điểm và nhược điểm tương tự thương lượng, song có một số điểm khác như, để hòa giải, hai bên chủ thể bắt buộc phải gặp mặt nhau, hay khi hòa giải không thành, bên cạnh việc tốn một khoản chi phí cho hòa giải viên và một số phụ phí khác, quyền khởi kiện có thể mất vì thời hiệu khởi kiện đã hết.
Trình tự, thủ tục hòa giải được quy định tại chương III Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Theo đó, trình tự này được thực hiện thông qua các bước sau:
- Bước 1: Giao kết thỏa thuận hòa giải
- Bước 2: Nghiên cứu hồ sơ vụ việc
- Bước 3: Phiên hòa giải
- Bước 4: Kết quả
Nếu hòa giải thành, các bên thực hiện theo biên bản hòa giải, tranh chấp được giải quyết.
Nếu hòa giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện theo biên bản hòa giải, các bên cần lựa chọn các phương thức giải quyết khác.
Trọng tài
Để lựa chọn phương thức này, các bên phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực dưới dạng điều khoản trong HĐTD hoặc một thỏa thuận trọng tài riêng, có hiệu lực độc lập với hợp đồng. Trọng tài có rất nhiều ưu điểm như sự tự lựa chọn của các bên, phán quyết trọng tài có tính cưỡng chế bắt buộc…
Quy trình thủ tục tố tụng trọng tài được quy định cụ thể tại Luật trọng tài thương mại 2010. Theo đó, quy trình bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ
- Bước 2: Thành lập hội đồng trọng tài
- Bước 3: Nghiên cứu hồ sơ
- Bước 4: Phiên họp giải quyết tranh chấp
- Bước 5: Ban hành phán quyết trọng tài
Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực kể từ ngày ban hành và có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên có liên quan.
Tòa án
Có thể nói, tòa án là phương thức truyền thống, đã xuất hiện từ rất lâu đời và thường là phương thức được lựa chọn cuối cùng sau khi áp dụng các phương thức khác không đạt được hiệu quả. Với tòa án, tranh chấp cũng được giải quyết với sự tham gia của bên thứ ba mang quyền lực nhà nước. Phán quyết được ban hành dưới hình thức bản án hoặc quyết định của tòa án, phải tuân theo những quy định chặt chẽ về mặt hình thức.
Hiện nay, pháp luật quy định về thủ tục tố tụng tại tòa án chủ yếu được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và các văn bản khác. Theo đó, quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định như sau:
- Bước 1: Khởi kiện
- Bước 2: Thụ lý vụ án
- Bước 3: Hòa giải và chuẩn bị xét xử
- Bước 4: Xét xử sơ thẩm
- Bước 5: Xét xử phúc thẩm
- Bước 6: Giám đốc thẩm/tái thẩm
Tuy nhiên, để được thụ lý vụ án, người nộp đơn cần lưu ý đến thẩm quyền của tòa án bao gồm cấp Tòa án và Tòa án theo lãnh thổ. Thông thường, đa số tranh chấp hợp đồng vận chuyển do tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết. Còn nếu có yếu tố nước ngoài, thì thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh. Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 cũng quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án theo lãnh thổ, cụ thể:
Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức. Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức.
Để tìm kiếm bản án tranh chấp hợp đồng vận chuyển, khách hàng có thể tìm kiếm trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của tòa án.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển. Đối với các tranh chấp thông thường, các bên nên sử dụng phương pháp thương lượng. Tuy nhiên, đối với các tranh chấp phức tạp hoặc có giá trị lớn, các bên nên thuê dịch vụ tư vấn pháp lý hoặc luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nội dung bài viết:
Bình luận