Doanh nghiệp cần nắm rõ và thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng cho một số hàng hóa theo quy định trước khi tiêu thụ ra thị trường. Bài viết của ACC cung cấp trình tự xin dán nhãn năng lượng cho hàng hóa theo quy định pháp luật hiện hành
1. Nhãn năng lượng là gì? dán nhãn năng lượng là gì?
Nhãn năng lượng là một loại tem dán trên các thiết bị tiêu thụ năng lượng, cung cấp các thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị đó. Hiện nay, có hai loại nhãn năng lượng như sau:
- Nhãn so sánh là nhãn cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường để nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng.
- Nhãn xác nhận là nhãn chứng nhận phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất so với phương tiện, thiết bị khác cùng loại.
Dán nhãn năng lượng là việc dán, gắn, in, khắc nhãn năng lượng lên sản phẩm, bao bì, hoặc hiển thị nhãn năng lượng điện tử trên sản phẩm. Hoạt động dán nhãn năng lượng lên một số sản phẩm đã thay đổi thói quen chọn mua sản phẩm của người tiêu dùng theo đường hướng tích cực hơn. Trước đây, người tiêu dùng chọn mua sản phẩm chỉ căn cứ vào giá cả, mẫu mã. Đến nay, nhờ có nhãn năng lượng trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng đã tìm hiểu thêm các thông tin về kỹ thuật, mức tiêu thụ năng lượng và lựa chọn sản phẩm tiết kiệm đáng kể lượng điện tiêu thụ trong quá trình sử dụng.
2. Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng
Việc dán nhãn năng lượng chỉ áp dụng đối với một số nhóm đối tượng mà không phải là bắt buộc đối với tất cả hàng hóa có tiêu thụ năng lượng. Việc bắt buộc dán nhãn cũng được thực hiện theo lộ trình nhất định đối với từng nhóm hàng hóa khác nhau.
Bộ Công Thương đã công bố danh mục các nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng trước khi được bán ra thị trường, bao gồm:
- Nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ.
- Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại, máy tính xách tay.
- Nhóm thiết bị công nghiệp gồm: Máy biến áp phân phối, động cơ điện.
- Nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy.
Mặc dù chỉ có 04 nhóm đối tượng nằm trong danh mục bắt buộc phải dán nhãn năng lượng, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với phương tiện, thiết bị không thuộc danh mục quy định này.
Ngoài ra, Bộ cũng công bố các đối tượng nằm trong diện được miễn trừ dán nhãn năng lượng, bao gồm:
- Hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất; Hàng hóa quá cảnh hay hàng hóa chuyển khẩu.
- Hàng hóa doanh nghiệp trong nước sản xuất, gia công phục vụ xuất khẩu (không tiêu thụ trong nước).
- Hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân
- Hàng hóa nhập khẩu phi thương mại: Hành lý cá nhân, hàng hóa ngoại giao, hàng hóa tham gia triển lãm, hội chợ; Quà biếu, tặng; Hàng hóa vật tư, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu đơn chiếc phục vụ mục đích sử dụng thay thế trong các công trình, dự án đầu tư phục vụ công việc như hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, thi đấu thế thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng hàng hóa
Từ ngày 01/01/2020, các doanh nghiệp cần lưu ý lộ trình dán nhãn năng lượng cho một số hàng hóa như sau:
- Đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp: Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với: Sản phẩm đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ.
- Đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với máy tính xách tay.
- Đối với nhóm phương tiện giao thông vận tải (sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới): Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe gắn máy.
4. Hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng
Doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu phương tiện, thiết bị phải lập 01 bộ hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng bao gồm:
- Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, trong đó nêu rõ doanh nghiệp đăng ký dán nhãn so sánh hay nhãn xác nhận theo mẫu;
- Kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm cấp cho model sản phẩm;
- Tài liệu chứng minh phòng thử nghiệm nước ngoài đã đáp ứng đủ điều kiện (Đối với trường hợp việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm nước ngoài);
- Mẫu nhãn năng lượng dự kiến.
5. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng
Bộ Công Thương (Ban hỗ trợ sau đầu tư và quản lý vốn ủy thác).
6. Trình tự, thủ tục đăng ký dán nhãn năng lượng
Bước 1: Lập hồ sơ đăng ký
Trước khi đưa phương tiện, thiết bị ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị đó phải lập 01 bộ hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng như trên và gửi về Bộ Công Thương.
Bước 2: Đăng ký
Doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn hình thức:
- Gửi hồ sơ qua mạng internet tại Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương theo địa chỉ http://nhannangluong.dvctt.gov.vn
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp ưu tiên thực hiện thủ tục đăng ký dán nhãn trực tuyến để giảm thiểu thời gian và chi phí của doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký dán nhãn năng lượng, cũng như thuận lợi trong quản lý nhà nước.
- Gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Công Thương theo địa chỉ 54 Hai Bà Trưng, Phòng 307, Nhà B, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bước 3: Sau đăng ký
Sau khi nộp hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng đến Bộ Công Thương, doanh nghiệp được tự thực hiện việc dán nhãn năng lượng phù hợp với thông tin trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho sản phẩm đã đăng ký.
Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các thông tin đã công bố trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng và thông tin hiển thị trên nhãn năng lượng.
7. Lưu ý khi thực hiện thủ tục đăng ký dán nhãn năng lượng hàng hóa
Khác với các thủ tục hành chính thông thường, doanh nghiệp sau khi nộp hồ sơ đăng ký dán nhãn theo quy định thì tự thực hiện việc dán nhãn năng lượng theo thông tin đăng ký lên sản phẩm, hàng hóa của mình và phải chịu trách nhiệm về các thông tin đó. Do vậy, thủ tục hành chính này không mất thời gian chờ kết quả và không phải nộp phí, lệ phí thực hiện.
8. Xử lý vi phạm quy định về dán nhãn năng lượng hàng hóa
Đối với các cá nhân, doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về dán nhãn năng lượng sản phẩm, hàng hóa thì tùy từng hành vi vi phạm và mức độ có thể bị xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về số lượng, chủng loại phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng được sản xuất, nhập khẩu.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhãn năng lượng sai quy cách như gắn nhãn năng lượng lên phương tiện, thiết bị hoặc bao gói có kích thước không phù hợp, thay đổi kích thước tăng giảm không theo tỉ lệ, hoặc hành vi làm che lấp, gây nhầm lẫn ảnh hưởng tới thông tin ghi trên nhãn năng lượng theo quy định.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị khi giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị đó đã hết hạn sử dụng.
- Đối với hành vi không thực hiện dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng
- Phạt cảnh cáo đối với vi phạm lần thứ nhất;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng sau khi đã bị phạt cảnh cáo
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị không đúng với giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng; dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị khi chưa được cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.
Ngoài hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc thu hồi giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đã cấp
- Đình chỉ dán nhãn năng lượng trong thời hạn 06 tháng;
- Buộc thu hồi sản phẩm đã dán nhãn năng lượng.
9. Mẫu giấy công bố dán nhãn năng lượng hàng hóa 2020
TÊN DOANH NGHIỆP ------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: ……….. | …….., ngày … tháng … năm ……… |
GIẤY CÔNG BỐ DÁN NHÃN NĂNG LƯỢNG
CHO PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG
Kính gửi: Bộ Công Thương
Tên doanh nghiệp: …………………………………………………………………………………
Tên đơn vị chủ quản: ………………………………………………………………………………
Trụ sở chính tại: ……………………………………………………………………………………
Điện thoại: …………………………….. Fax: ……………………………………………………..
E-mail: …………………………………………………………………………………………….
Sau khi nghiên cứu các Điều kiện quy định tại Thông tư số 36/2016/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương,
Đề nghị Bộ Công Thương tiếp nhận công bố để doanh nghiệp được dán nhãn năng lượng (nhãn so sánh và/hoặc nhãn xác nhận) đối với các sản phẩm tiêu thụ năng lượng:
1) ……..
2) ………..
……………
Hồ sơ đính kèm bao gồm:
1) Danh mục các loại phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng (kèm theo);
2) ………
3) ………
Chúng tôi cam kết thực hiện các quy định của Quý cơ quan và chịu trách nhiệm về các khai báo nêu trên.
Nơi nhận: - Như trên, - …….. |
GIÁM ĐỐC (Ghi rõ họ tên và đóng dấu) |
Nội dung bài viết:
Bình luận