Căn cứ pháp lý: Thông tư Số: 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng
Thư bảo lãnh ngân hàng là gì?
1. Khái niệm bảo lãnh ngân hàng
Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh.
2. Khái niệm thư bảo lãnh ngân hàng
Thư bảo lãnh là văn bản cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.
Lưu ý: Trường hợp bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh thì thư bảo lãnh bao gồm cả văn bản cam kết của bên bảo lãnh đối ứng với bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh.
3. Phạm vi bảo lãnh
Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ tài chính mà bên được bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện với bên nhận bảo lãnh (căn cứ Điều 9).
4. Điều kiện đối với khách hàng
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
- Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp, trừ nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán trái phiếu đối với các doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ và trái phiếu phát hành bởi công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng khác
- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Trường hợp bảo lãnh đối với khách hàng làng người không cư trú:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú. Việc bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú phải đáp ứng một trong những điều kiện dưới đây:
+ Khách hàng là doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2014 hoặc dưới hình thức đầu tư trực tiếp khác tại nước ngoài theo pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư;
+ Khách hàng ký quỹ đủ 100% giá trị bảo lãnh;
+ Bên nhận bảo lãnh là người cư trú.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thực hiện bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú phải tuân thủ các quy định sau:
+ Được Ngân hàng Nhà nước cho phép hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước (đối với trường hợp bảo lãnh cho người không cư trú tại Việt Nam) và hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế (đối với trường hợp bảo lãnh cho người không cư trú ở nước ngoài);
+ Tuân thủ quy định tại các Điều 126, Điều 127, Điều 128 và Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn thực hiện các quy định này của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm thực hiện bảo lãnh cho khách hàng;
+ Có quy trình đánh giá, quản lý rủi ro tín dụng, trong đó có rủi ro trong bảo lãnh đối với người không cư trú;
Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ quy định không được bảo lãnh bằng ngoại tệ đối với khách hàng tổ chức là người không cư trú ở nước ngoài, trừ các trường hợp sau:
- Bảo lãnh cho bên được bảo lãnh tại Việt Nam trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng ở nước ngoài;
- Xác nhận bảo lãnh cho nghĩa vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng ở nước ngoài đối với bên được bảo lãnh tại Việt Nam.
5. Hồ sơ đề nghị bảo lãnh
- Hồ sơ đề nghị bảo lãnh bao gồm các loại tài liệu chủ yếu sau:
+ Văn bản đề nghị bảo lãnh;
+ Tài liệu về khách hàng;
+ Tài liệu về nghĩa vụ được bảo lãnh;
+ Tài liệu về biện pháp bảo đảm (nếu có);
+ Tài liệu về các bên liên quan khác (nếu có).
Căn cứ tình hình thực tế nghiệp vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đặc điểm cụ thể của từng nhóm khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn cụ thể, công bố công khai về yêu cầu hồ sơ cần gửi tới để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét cấp bảo lãnh.
6. Thoả thuận chấp thuận bảo lãnh
- Để thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng ký thỏa thuận cấp bảo lãnh. Trường hợp phát hành bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng thì bên bảo lãnh không bắt buộc phải ký thỏa thuận cấp bảo lãnh với bên bảo lãnh đối ứng.
- Thỏa thuận cấp bảo lãnh phải có các nội dung sau:
+ Các quy định pháp luật áp dụng;
+ Thông tin về các bên trong quan hệ bảo lãnh;
+ Nghĩa vụ được bảo lãnh;
+ Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh;
+ Hình thức phát hành cam kết bảo lãnh;
+ Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên;
+ Phí bảo lãnh;
+ Thỏa thuận về bắt buộc nhận nợ trả thay, lãi suất áp dụng đối với số tiền trả thay và nghĩa vụ, thời hạn hoàn trả nợ khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
+ hiệu, ngày ký, hiệu lực của thỏa thuận;
+ Giải quyết tranh chấp phát sinh.
7. Cam kết bảo lãnh
- Cam kết bảo lãnh phải có các nội dung sau:
+ Các quy định pháp luật áp dụng;
+ Số hiệu, hình thức cam kết bảo lãnh;
+ Thông tin về các bên trong quan hệ bảo lãnh;
+ Ngày phát hành bảo lãnh, ngày bắt đầu có hiệu lực của bảo lãnh và/hoặc trường hợp bắt đầu có hiệu lực của bảo lãnh;
+ Ngày hết hiệu lực và/hoặc trường hợp hết hiệu lực của bảo lãnh;
+ Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh;
+ Nghĩa vụ bảo lãnh;
+ Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
+ Hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
+ Cách thức để kiểm tra tính xác thực của cam kết bảo lãnh.
Nội dung bài viết:
Bình luận