Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về vấn đề cấp dưỡng nuôi con nhưng chưa có quy định cụ thể về thời hiệu khởi kiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Do đó, thực tiễn xét xử có nhiều quan điểm khác nhau khi xác định thời điểm này.
1. Quy định của pháp luật
Khoản 24 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình (LHNGĐ) quy định: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.”
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Khoản 2 Điều 82 LHNGĐ quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”.
Khoản 3 Điều 87 LHNGĐ quy định “Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chấm dứt khi người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi; người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng; người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết; bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn; trường hợp khác theo quy định của luật.
Như vậy, LHNGĐ mới chỉ đề cập đến thời điểm chấm dứt thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mà chưa đề cập đến thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
2. Vấn đề thực tiễn về thời hiệu yêu cầu thi hành án về nghĩa vụ cấp dưỡng
Trong thực tiễn xét xử, nhiều trường hợp người con được sinh ra không trên cơ sở quan hệ hôn nhân, người cha đẻ không thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng con từ khi con sinh ra. Khi người mẹ khởi kiện yêu cầu xác định cha cho con và yêu cầu người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, trong trường hợp này, đã có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên là ngày đứa trẻ được sinh ra đời.
Theo quan điểm này, một người là cha đẻ thực sự thì luôn luôn là cha (từ khi đứa trẻ được hình thành) mà không lệ thuộc vào việc ngày nào Tòa án xác định người đó là cha. Việc xác định cha đẻ, mẹ đẻ thông qua bản án, quyết định của Tòa án chỉ là phương thức để thực hiện quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con mà không phải là căn cứ tính thời điểm xác lập quan hệ cha mẹ và con, cũng không phải là thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con. Do đó, quyền, nghĩa vụ về nuôi dưỡng của cha, mẹ đối với con chưa thành niên quy định tại Điều 71 LHNGĐ năm 2014 phải tính từ thời điểm con được sinh ra, nguyên tắc này cũng được áp dụng cho cấp dưỡng vì bản chất nghĩa vụ cấp dưỡng là một dạng thức nghĩa vụ nuôi dưỡng áp dụng cho người không trực tiếp nuôi con.
Quan điểm thứ hai cho rằng, thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là ngày bản án, quyết định của Tòa án về việc xác định cha cho con có hiệu lực pháp luật.
Theo quan điểm này thì sự kiện pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên của người cha đẻ trong trường hợp này là việc xác định cha cho con bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì chưa biết được ai là cha thực sự của người con, đồng thời, người cha có thể cũng chưa biết được sự tồn tại của người con chưa thành niên của mình. Bên cạnh đó, bản án, quyết định của Tòa án ngay sau khi ban hành có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật và đến khi có hiệu lực pháp luật thì quyền, nghĩa vụ dân sự và các vấn đề khác được nêu trong bản án, quyết định đó mới có giá trị thi hành. Theo logic thì thời điểm xảy ra sự kiện pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chính là thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Do đó, thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải là thời điểm bản án, quyết định xác định cha cho con có hiệu lực pháp luật.
Quan điểm thứ ba cho rằng, thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là ngày Tòa án tuyên án sơ thẩm về việc xác định cha cho con.
Quan điểm này cũng cho rằng trong trường hợp xác định cha cho con chưa thành niên thì người cha chỉ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi được Tòa án xác định là cha của người con chưa thành niên đó với lập luận như quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 2 LTHADS năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:
“2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc…”.
Vì vậy, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con chưa thành niên và phù hợp với quy định về phần cấp dưỡng nuôi con trong bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay nêu trên thì cần xác định thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là ngày Tòa án tuyên án sơ thẩm về việc xác định cha cho con.
Trên đây là một số nội dung trao đổi về vấn đề xác định thời hiệu yêu cầu nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trong trường hợp xác định cha cho con chưa thành niên. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng quý bạn đọc.
Nội dung bài viết:
Bình luận