Chứng khoán là hình thức đầu tư, là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế. Thời gian gần đây thị trường chứng khoán nở rộ với số lượng tài khoản chứng khoán mở mới kỷ lục. Điều này cho thấy xu hướng tham gia đầu tư chứng khoán đang ngày càng trở nên phổ biến.
Vậy thị giá cổ phiếu là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu?
1. Cổ phiếu là gì?
Theo Điều 121 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Theo Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019, cổ phiếu là một loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Như vậy có thể hiểu cổ phiếu là một loại chứng khoán của tổ chức phát hành công ty cổ phần, xác nhận quyền sở hữu của người nắm giữ cổ phiếu đối với cổ phần của tổ chức phát hành đó cũng như quyền, lợi ích hợp pháp đối với cổ phần.
Để giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư cần nơi tập hợp và cho phép mua bán chứng khoán. Đó là thị trường giao dịch chứng khoán, là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán. Việt Nam có các sàn giao dịch chứng khoán lớn như sàn HOSE của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, sàn HNX của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, sàn Upcom, ... đều đang niêm yết nhiều cổ phiếu của nhiều công ty cổ phần.
2. Thị giá cổ phiếu là gì
Trước hết, theo Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2019, mệnh giá cổ phiếu chào bán ra công chúng là 10.000 VNĐ. Đây là giá trị danh nghĩa của cổ phiếu, đại diện cho số cổ phần nhất định của cổ đông trong công ty cổ phần. Chẳng hạn, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nghĩa là họ đang sở hữu cổ phần có giá trị danh nghĩa là 1.000.000 VNĐ trong công ty đó.
Thị giá cổ phiếu, hay còn gọi là giá thị trường, giá cổ phiếu, là giá trị cổ phiếu được giao dịch, mua bán trên thị trường chứng khoán. Thị giá cổ phiếu hiểu đơn giản là giá tiền nhà đầu tư mua cổ phiếu phải trả để sở hữu cổ phiếu ở một thời điểm cụ thể.
Ví dụ, tại thời điểm 15 giờ ngày 30/8/2022, cổ phiếu CTG - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đóng cửa ở mức giá 28.400 VNĐ/cổ phiếu. Đây là thị giá cổ phiếu CTG, nhà đầu tư mua 100 cổ phiếu CTG với giá đóng cửa 28.400 VNĐ/cổ phiếu này sẽ trở thành cổ đông của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, nắm giữ số cổ phần nhất định là 100 cổ phần. Nhưng trên danh nghĩa, giá trị phần 100 cổ phần mà nhà đầu tư mua cổ phiếu CTG nắm giữ chỉ là 1.000.000 VNĐ, mặc dù số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra để mua 100 cổ phiếu CTG là 2.840.000 VNĐ.
Cần phân biệt thị giá cổ phiếu với giá trị thực, giá cổ phiếu trong sổ sách của công ty phát hành. Giá sổ sách là giá trị được tính toán dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được tính bằng cách lấy vốn chủ sở hữu chia cho lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá trị này sẽ không thay đổi trong suốt một kỳ kế toán.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu
3.1. Hiệu quả hoạt động của tổ chức phát hành
Kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành, chẳng hạn như báo cáo tài chính thường niên, báo cáo quý, kết quả kiểm toán, ... ảnh hưởng rất lớn đến thị giá của cổ phiếu. Nếu công ty có hiệu quả kinh doanh tốt, có sự tăng trưởng đều đặn sẽ mang lại lợi nhuận, cổ tức cao cho nhà đầu tư.
Ngược lại, nếu công ty kinh doanh thua lỗ, hoạt động kinh doanh không hiệu quả, tiềm ẩn nhiều rủi ro sẽ khiến cho nhà đầu tư bị thiệt hại và từ đó rời bỏ doanh nghiệp bằng cách bán đi cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư cùng vì kết quả kinh doanh thua lỗ mà bán đi cổ phiếu sẽ dẫn đến lượng cổ phiếu cần bán lớn hơn lượng cổ phiếu cần mua, đẩy cung cao hơn cầu và dẫn đến thị giá cổ phiếu sẽ giảm xuống, thậm chí giảm sàn. Đây là mối liên hệ với yếu tố thứ hai.
3.2. Cung - cầu trên thị trường chứng khoán
Giá cổ phiếu chịu sự chi phối mạnh mẽ của quy luật cung cầu trong nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp có xu hướng làm ăn tốt, phát triển, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu mua cổ phiếu với kỳ vọng thu lại lợi nhuận cao. Ngược lại, khi doanh nghiệp làm ăn thu lỗ, có xu hướng suy thoái sẽ khiến nhà đầu tư lo lắng, tìm cách bán cổ phiếu đi. Cổ phiếu bán ra với số lượng lớn khiến giá giảm mạnh, kéo theo định giá doanh nghiệp cũng bị giảm đi.
Ở những công ty có vốn hóa lớn, tập đoàn có quy mô, sẽ thu hút nhiều quỹ và các nhà đầu tư lớn rót vốn đầu tư. Điều này sẽ đẩy giá cổ phiếu trên thị trường lên cao, tuy nhiên đầu tư vào những cổ phiếu loại này sẽ khó có lợi nhuận đột biến. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ, số lượng cổ phiếu trên thị trường thấp, có tiềm năng tăng giá mạnh mẽ, mang lại lợi nhuận cao có thể gấp đôi hoặc gấp ba lần, tuy nhiên kèm theo đó là rủi ro lớn.
3.3. Sự ổn định của nền kinh tế
Hiệu quả và ổn định của nền kinh tế ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu. Nền kinh tế ổn định, tăng trưởng tốt sẽ là môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, tăng lợi nhuận, cổ tức chia cho nhà đầu tư tăng cao nên nhiều người cùng mua vào cổ phiếu dẫn đến giá cổ phiếu tăng cao.
Ngược lại, nếu nền kinh tế bị thu hẹp hoặc rơi vào khủng hoảng khiến các doanh nghiệp khó khăn trong kinh doanh dẫn đến giảm lợi nhuận, giảm cổ tức chia cho cổ đông dẫn đến các nhà đầu tư bán đi cổ phiếu để tìm đến doanh nghiệp khác khiến cho giá cổ phiếu giảm.
Minh chứng cho yếu tố này là: quý 2 năm 2022, nền kinh tế Mỹ có nhiều biến động mạnh, có yếu tố của sự suy thoái, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, lạm phát cao kỷ lục. Điều này là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất khiến cho các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục giảm mạnh.
3.4. Tâm lý nhà đầu tư
Ở Việt Nam, yếu tố tâm lý đóng vai trò không nhỏ quyết định sự tăng giảm giá cổ phiếu. Khi có thông tin xấu về hoạt động của tổ chức phát hành, chẳng hạn báo chí để lộ thông tin lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt, truy tố, lập tức nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm, dẫn đến bán tháo cổ phiếu để bảo toàn vốn, lo sợ rằng khi tin tức được xác nhận sẽ dẫn đến giá cổ phiếu giảm sâu hơn khiến họ mất vốn. Khi nhu cầu bán lớn hơn nhu cầu mua thì giá cổ phiếu sẽ giảm sâu, thậm chí giảm sàn liên tục.
Ngược lại, những công ty được truyền thông tốt, báo cáo kết quả kinh doanh có lợi nhuận cao, hoặc có thông tin được chia cổ tức… sẽ thu hút các nhà đầu tư mua vào, nhu cầu mua tăng mạnh, thị giá cổ phiếu theo đó cũng tăng lên.
3.5. Các thị trường chứng khoán khu vực và quốc tế
Thị trường chứng khoán nội địa luôn có sự liên kết với các thị trường chứng khoán các nước trong khu vực cũng như quốc tế. Khi tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thế giới thay đổi cũng phần nào tác động đến nền tài chính các quốc gia, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Điều này ít nhiều làm cho giá cổ phiếu thay đổi do tâm lý nhà đầu tư không vững hoặc hưng phấn trước những thông tin từ thế giới.
Chẳng hạn, gần đây thông tin về các cuộc họp tăng lãi suất của FED nhằm kiềm chế lạm phát không những được sự quan tâm của giới tài chính Mỹ mà còn của cộng đồng nhà đầu tư khắp thế giới. Hành động nâng/ hạ điểm lãi suất của FED luôn tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ và cả các nước khác trong đó có Việt Nam. Thậm chí trước khi FED ra công bố chính thức thì thị giá một số cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng đã bắt đầu có sự biến động mạnh.
Tham khảo cổ phiếu niêm yết là gì
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về câu hỏi thị giá cổ phiếu là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu? Khách hàng nếu có thắc mắc hoặc gặp khó khăn và cần sự trợ giúp từ đội ngũ luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, xin liên hệ với Văn phòng Luật sư ACC để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất!
Nội dung bài viết:
Bình luận