Hiện nay, xây dựng là ngành kinh tế – kỹ thuật đóng vai trò quan trọng, làm tiền đề cho việc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta. Pháp luật nước ta đã ban hành các quy định về hoạt động xây dựng một cách bao trùm, đúng hướng, từ đó đã góp phần phát triển ổn định, làm thay đổi diện mạo đất nước, bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của toàn xã hội. Cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được thì tình hình vi phạm pháp luật đã gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước; nhiều vụ tham nhũng lớn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước hiện đang xảy ra rất nhiều. Do đó, mà thanh tra xây dựng là một bộ phận không thể thiếu và cần được quy định cụ thể.
Thanh tra xây dựng là gì? Chức năng, nhiệm vụ và nội dung?
1. Thanh tra xây dựng là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt, thanh tra là việc xem xét tại chỗ việc làm của địa phương, tổ chức để phát hiện và ngăn chặn những gì trái với quy định. Bên cạnh đó, thanh tra còn là danh từ chỉ người làm nhiệm vụ thanh tra. Từ đó có thể hiểu thanh tra xây dựng là những cá nhân có thẩm quyền xem xét các hoạt động xây dựng để phát hiện và ngăn chặn những gì trái với quy định.
Điều 3, Nghị định 26/2013/NĐ-CP ngày 29/03/2013 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 26/2013/NĐ-CP) quy định thanh tra nhà nước ngành Xây dựng bao gồm: Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng.
2. Chức năng của thanh tra xây dựng
Khoản 1, Điều 165, Luật Xây dựng năm 2014 quy định thanh tra xây dựng thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về xây dựng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm xây dựng mới, sửa chữa, và cải tạo công trình.
Trong đó việc thanh tra chuyên ngành về hoạt động xây dựng bao gồm 02 nội dung: thanh tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng và phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về xây dựng.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Bộ Xây dựng
Theo Điều 5 Nghị định 26/2013/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ Xây dựng như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ Xây dựng
Thanh tra Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 18 Luật thanh tra, Điều 7 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Khảo sát, thu thập thông tin làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng ban hành; định hướng Thanh tra Sở Xây dựng xây dựng kế hoạch thanh tra.
2. Thực hiện thanh tra chuyên ngành theo nội dung quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
3. Yêu cầu Thanh tra Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
4. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về thanh tra cho công chức, thanh tra viên làm công tác thanh tra chuyên ngành xây dựng.
5. Chủ trì hoặc tham gia các đoàn thanh tra liên ngành do Bộ, ngành, địa phương thành lập.
6. Chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với Thanh tra Sở Xây dựng.
7. Thường trực công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
8. Tổng kết pháp luật về thanh tra, pháp luật về xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng có những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 5 nêu trên.
Trong đó Thanh tra Bộ Xây dựng có nhiệm vụ khảo sát, thu thập thông tin làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng ban hành; định hướng Thanh tra Sở Xây dựng xây dựng kế hoạch thanh tra.
4. Nội dung thanh tra xây dựng
Khoản 1, Điều 165, Luật Xây dựng năm 2014 quy định thanh tra xây dựng thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về xây dựng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm xây dựng mới, sửa chữa, và cải tạo công trình. Vì vậy, nội dung thanh tra xây dựng bao gồm nội dung thanh tra hành chính và nội dung thanh tra chuyên ngành xây dựng, cụ thể:
4.1. Nội dung thanh tra hành chính
Điều 10, Nghị định 26/2013/NĐ-CP ngày 29/03/2013 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 26/2013/NĐ-CP) quy định về nội dung thanh tra hành chính như sau:
Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và của Sở Xây dựng theo ủy quyền hoặc phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4.2. Nội dung thanh tra chuyên ngành
Khoản 3, Điều 165, Luật Xây dựng năm 2014 quy định thanh tra chuyên ngành trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm: thanh tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng; phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về xây dựng.
Từ các quy định chung ấy, Điều 11, Nghị định 26/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về nội dung thanh tra chuyên ngành xây dựng như sau:
- Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc:
+ Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng: Quy hoạch xây dựng vùng; quy hoạch xây dựng đô thị; quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cửa khẩu biên giới quốc tế;
+ Về công tác quản lý quy hoạch xây dựng: Công bố công khai quy hoạch xây dựng; cắm mốc chỉ giới xây dựng và các mốc giới quy định khác ngoài thực địa; cấp giấy phép quy hoạch; cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng; thực hiện xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Việc quản lý, sử dụng vốn cho công tác quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền;
+ Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia thiết kế quy hoạch xây dựng, điều kiện hành nghề kiến trúc sư, điều kiện hành nghề kỹ sư quy hoạch đô thị; việc đào tạo, cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, chứng chỉ hành nghề kỹ sư quy hoạch đô thị.
- Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng:
+ Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình;
+ Việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, dự toán công trình xây dựng;
+ Việc áp dụng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng đối với công trình xây dựng; việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng của nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam;
+ Việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng;
+ Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng
+ Việc cấp, thu hồi giấy phép thầu đối với các nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam;
+ Việc thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam;
+ Việc ký kết, thực hiện hợp đồng trong hoạt động xây dựng;
+ Việc lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
+ Việc quản lý chất lượng công trình xây dựng; nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình; thanh toán, quyết toán công trình theo thẩm quyền;
+ Việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp và quản lý các loại chứng nhận, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật;
+ Việc thành lập, hoạt động của các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
- Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phát triển đô thị, bao gồm:
+ Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Việc tuân thủ quy định pháp luật trong việc nâng cấp đô thị;
+ Việc đầu tư xây dựng các khu đô thị.
- Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; chất thải rắn thông thường; chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị; nghĩa trang; công trình ngầm đô thị; các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
- Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý, sử dụng công sở trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
- Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng; kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện theo quy định tại Nghị định 09/2021/NĐ-CP;
- Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo thẩm quyền.
Ví dụ:
Thông tư số 07/2021/TT-TTCP quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng
Thông tư 02/2021/TT-TTCP quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng
- Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật khác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Xây dựng.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến Thanh tra xây dựng mà ACC đã chia sẻ đến quý bạn đọc. Hy vọng rằng với những thông tin trên, quý bạn đọc có thể áp dụng được trong cuộc sống và công việc. Mọi thông tin thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi; ACC với đội ngũ chuyên viên với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề sẽ hỗ trợ quý bạn đọc một cách chuyên nghiệp và nhanh chóng nhất. Công ty Luật ACC - Đồng hành pháp lý cùng bạn.
Nội dung bài viết:
Bình luận