Việc thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng và phục vụ khách hàng. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về việc Thủ tục thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư.

Thủ tục thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư
1. Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư là gì?
Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư được quy định tại Điều 42 Luật Luật sư 2006 là nơi tiếp nhận vụ, việc, yêu cầu của khách hàng.
Theo quy định thì văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư phải được thành lập trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động.
2. Quyền thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư
Theo quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 về Quyền của tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có quyền:
- Thực hiện dịch vụ pháp lý.
- Nhận thù lao từ khách hàng.
- Thuê luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài và nhân viên làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư.
- Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tư vấn, giải quyết các vụ việc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi được yêu cầu.
- Hợp tác với tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
- Thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch trong nước.
- Đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài.
- Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, tổ chức hành nghề luật sư có quyền thành lập văn phòng giao dịch.
3. Thủ tục thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư như thế nào?
3.1. Hồ sơ thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư
Theo quy định tại Điều 42 Luật Luật sư 2006, sửa đổi bổ sung 2012 và Điều 10 Thông tư 17/2011/TT-BTP, hồ sơ thực hiện bao gồm:
- Thông báo về việc thành lập văn phòng giao dịch (theo mẫu tại thông tư số 05/2021/TT-BTP ngày 24 tháng 06 năm 2021);
- Quyết định về việc thành lập văn phòng giao dịch. (trong đó ghi rõ người được tổ chức hành nghề luật sư phân công thường trực tại văn phòng giao dịch);
- Giấy đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư (theo mẫu tại thông tư số 05/2021/TT-BTP ngày 24 tháng 06 năm 2021);
- CMND/CCCD người được tổ chức hành nghề luật sư phân công thường trực tại văn phòng giao dịch;
- CMND/CCCD người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư;
- Thẻ luật sư, chứng chỉ hành nghề luật sư của người đại diện của tổ chức hành nghề luật sư;
- Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư (bản gốc);
- Hợp đồng thuê/ mượn nhà đặt trụ sở văn phòng giao dịch;
- Giấy giới thiệu (trường hợp giới thiệu cá nhân khác thực hiện).
3.2. Trình tự, thủ tục thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư
- Bước 1: Tổ chức hành nghề luật sư muốn thành lập văn phòng giao dịch gửi hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động.
- Bước 2: Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ và lập phiếu hẹn trả kết quả nếu hồ sơ hợp lệ; yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh nếu hồ sơ còn thiếu, chưa hợp lệ. Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính còn thiếu hoặc không hợp lệ, Sở Tư pháp thông báo nội dung cần bổ sung, sửa đổi theo địa chỉ do người thực hiện thủ tục hành chính cung cấp.
- Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Sở Tư pháp xem xét, ghi địa chỉ của văn phòng giao dịch vào Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.
- Bước 4: Sở Tư pháp trả kết quả giải quyết trực tiếp cho người thực hiện thủ tục hành chính hoặc gửi qua hệ thống bưu chính nếu người thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu. Trường hợp gửi trả qua hệ thống bưu chính, người thực hiện thủ tục hành chính trả phí dịch vụ chuyển phát cho doanh nghiệp bưu chính.
4. Tổ chức hành nghề luật sư thành lập văn phòng giao dịch có phải gửi văn bản thông báo không?
Trách nhiệm gửi thông báo khi tổ chức hành nghề luật sư thành lập văn phòng giao dịch được quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 05/2021/TT-BTP như sau:
“2. Tổ chức hành nghề luật sư thành lập văn phòng giao dịch thì gửi văn bản thông báo về việc thành lập văn phòng giao dịch, trong đó ghi rõ địa chỉ văn phòng giao dịch cho Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động. Trong trường hợp văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động thì tổ chức hành nghề luật sư có văn bản thông báo cho Sở Tư pháp chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động. Sở Tư pháp ghi nhận việc tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động của văn phòng giao dịch trên Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư”.
Theo đó, tổ chức hành nghề luật sư sau khi thành lập văn phòng giao dịch thì phải gửi văn bản thông báo về việc thành lập văn phòng giao dịch, trong đó ghi rõ địa chỉ văn phòng giao dịch cho:
- Sở Tư pháp ở địa phương nơi tổ chức đăng ký hoạt động.
- Đoàn Luật sư ở địa phương nơi tổ chức đăng ký hoạt động.
5. Việc cung cấp dịch vụ pháp lý của văn phòng giao dịch tổ chức hành nghề luật sư được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 42 Luật Luật sư 2006, sửa đổi bổ sung 2012: “Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư được thành lập trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Văn phòng giao dịch là nơi tiếp nhận vụ, việc, yêu cầu của khách hàng. Văn phòng giao dịch không được phép thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý”.
Theo đó, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư không được phép thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý mà chỉ được tiếp nhận vụ, việc, yêu cầu của khách hàng
6. Câu hỏi thường gặp
6.1. Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư có thể bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 48 Luật Luật sư 2006 sửa đổi 2012 thì văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư có thể bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức hành nghề luật sư đã thành lập văn phòng giao dịch chấm dứt hoạt động;
- Theo quyết định của tổ chức hành nghề luật sư đã thành lập văn phòng giao dịch;
6.2. Trường hợp văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động thì tổ chức phải gửi văn bản thông báo đến cơ quan nào?
Khoản 2 Điều 9 Thông tư 05/2021/TT-BTP quy định như sau:
“2. Tổ chức hành nghề luật sư thành lập văn phòng giao dịch thì gửi văn bản thông báo về việc thành lập văn phòng giao dịch, trong đó ghi rõ địa chỉ văn phòng giao dịch cho Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động. Trong trường hợp văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động thì tổ chức hành nghề luật sư có văn bản thông báo cho Sở Tư pháp chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động. Sở Tư pháp ghi nhận việc tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động của văn phòng giao dịch trên Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.”
Như vậy, theo quy định, trong trường hợp văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động thì tổ chức hành nghề luật sư phải có văn bản thông báo cho Sở Tư pháp chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày chấm dứt hoạt động.
Sở Tư pháp ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của văn phòng giao dịch trên Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.
6.3. Lệ phí thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư là bao nhiêu?
Theo quy định hiện hành, lệ phí thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư là 200.000 đồng/lần cấp.
Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 47 Nghị định 123/2013/NĐ-CP: "Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư là 200.000 đồng/lần cấp."
Nội dung bài viết:
Bình luận