Hiện nay, khái niệm về trung tâm công tác xã hội cũng như nghề công tác xã hội vẫn còn xa lạ đối với nhiều người nhưng trung tâm công tác xã hội đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Do vậy, việc thành lập những trung tâm công tác xã hội là điều cần thiết và hữu ích. Hãy cùng Công ty Luật ACC tìm hiểu về những quy định pháp lý liên quan đến việc thành lập cũng như thủ tục thành lập trung tâm công tác xã hội mới nhất.
1.Trung tâm công tác xã hội là gì?
Trước tiên, để có thể tìm hiểu về Thủ tục thành lập trung tâm công tác xã hội, chúng ta sẽ tìm hiểu về Trung tâm công tác xã hội là gì?
Trung tâm công tác xã hội (CTXH) được hiểu là trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Đây là một mô hình trung tâm chuyên cung cấp các dịch vụ CTXH nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về các loại dịch vụ cộng đồng.
Trung tâm ra đời nhằm hỗ trợ, bổ sung cho các cơ sở bảo trợ xã hội hiện có như trung tâm bảo trợ xã hội, nhà xã hội. Mô hình trung tâm này góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội, hỗ trợ xã hội ở nước ta một cách chuyên nghiệp hơn.
Trung tâm do Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố, quận, huyện, thị xã cho phép thành lập (trên cơ sở đề xuất của Sở/Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội) và có cán bộ quản lý, điều hành tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của địa phương. Trung tâm đóng vai trò vừa là nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng và vừa là cầu nối với các ngành và dịch vụ khác như y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo và hệ thống tư pháp hình sự.
Các trung tâm này cũng sẽ tham gia tham mưu và hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu và xây dựng chính sách ở các cấp, góp phần cải thiện các dịch vụ đối với những nhóm đối tượng cần sự trợ giúp. Theo hệ thống ngành dọc, trung tâm chịu sự quản lý chuyên môn của ngành lao động, thương binh và xã hội.
Trung tâm cung cấp các dịch vụ CTXH tại cộng đồng phục vụ các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (người già, người khuyết tật và các nhóm dễ bị tổn thương khác); nhóm đối tượng là trẻ em cần sự bảo vệ; nhóm cần dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhóm gia đình cần hỗ trợ và vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên, nhóm liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội.
2.Sự cần thiết của việc thành lập các trung tâm công tác xã hội.
Việc thành lập Trung tâm công tác xã hội trong bối cảnh xã hội hiện nay là cần thiết, phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay cũng như phát triển hệ thống mạng lưới các Trung tâm CTXH theo mục tiêu Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020” của Chính phủ đề ra.
Thực tế, những năm qua, để đảm bảo an sinh xã hội, chính phủ cũng đã có các đề án về chính sách trợ giúp xã hội; đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng yếu thế không nơi nương tựa tại các cơ sở bảo trợ xã hội; huy động một số nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các dự án trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, các hoạt động hiện tại mang nặng tính quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, hoạt động từ thiện xã hội hơn là hỗ trợ, cung cấp dịch vụ CTXH nhằm can thiệp, trợ giúp các đối tượng để họ phát huy được tiềm năng của mình, tự giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng một cách bền vững.
Việc thành lập Trung tâm CTXH ra đời nhằm nâng cao và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cung cấp dịch vụ CTXH của cộng đồng và xã hội. Đồng thời, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nghề CTXH chuyên nghiệp, tiến tới xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến, tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh; góp phần tạo môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh…
3.Thủ tục thành lập trung tâm công tác xã hội.
Thứ nhất về hồ sơ xin thành lập trung tâm công tác xã hội, cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Đề án thành lập Trung tâm công tác xã hội.
Đề án gồm những nội dung sau:
+ Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;
+ Mục tiêu, phạm vi đối tượng hoạt động, tên gọi của tổ chức;
+ Loại hình đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn;
+ Cơ cấu tổ chức (nếu có quy mô lớn);
+ Cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động;
+ Dự kiến về nhân sự, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm, kinh phí hoạt động, trụ sở làm việc và trang thiết bị, phương tiện cần thiết để bảo đảm cho đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động sau khi được thành lập;
+ Phương án tổ chức và lộ trình triển khai hoạt động của trung tâm;
+ Kiến nghị của cơ quan xây dựng đề án thành lập trung tâm công tác xã hội(nếu có);
+ Các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
- Văn bản đề nghị, tờ trình thành lập Trung tâm công tác xã hội, dự thảo quyết định thành lập trung tâm công tác xã hội, dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động và các tài liệu khác có liên quan (giấy tờ đất đai, kinh phí, nguồn nhân lực), trong đó Tờ trình thành lập trung tâm công tác xã hội gồm những nội dung sau:
+ Quá trình xây dựng đề án;
+ Nội dung chính của đề án;
+ Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề có liên quan.
- Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan về việc thành lập Trung tâm công tác xã hội.
- Báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan.
*Yêu cầu và điều kiện của việc thành lập trung tâm công tác xã hội:
- Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cụ thể theo quy định tại Thông tư Liên tịch 09/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 10/6/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội;
- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức Trung tâm công tác xã hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);
- Có trụ sở làm việc hoặc đề án quy hoạch cấp đất xây dựng trụ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thứ hai về cách thức thực hiện việc thành lập trung tâm công tác xã hội :
Thực hiện trực tiếp tại tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện, phối hợp với Phòng Nội Vụ.
Thứ ba về trình tự thực hiện việc thành lập trung tâm công tác xã hội:
- Bước 1: Cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập Trung tâm công tác xã hội lập và gửi hồ sơ đến Phòng Nội vụ. Đối với các cơ quan có liên quan để phối hợp hoặc để biết thì chỉ ghi tên các cơ quan đó vào mục nơi nhận của công văn hoặc tờ trình đề nghị thành lập.
- Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Nội vụ tiến hành: Thẩm định hồ sơ, ban hành văn bản kết quả thẩm định; phối hợp với cơ quan đề nghị thành lập Trung tâm công tác xã hội hoàn tất hồ sơ và các thủ tục theo quy định trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Đối với những vấn đề chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau thì yêu cầu cơ quan đề nghị thành lập đơn vị sự nghiệp công lập phải có văn bản giải trình bổ sung hoặc theo ủy quyền của người có thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm công tác xã hội tổ chức họp với cơ quan trình đề án và các cơ quan có liên quan để làm rõ và báo cáo cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định.
- Bước 3: Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và văn bản thẩm định của Phòng Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập Trung tâm công tác xã hội.
Trường hợp không đồng ý việc thành lập thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan trình đề nghị thành lập Trung tâm công tác xã hội biết rõ lý do.
Ngoài ra:
- Đơn vị đề nghị thành lập trung tâm công tác xã hội chỉ cần nộp 01 (bộ) hồ sơ.
- Thời hạn giải quyết yêu cầu này trong vòng 35 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Cơ quan thực hiện sẽ là Ủy ban nhân dân thành phố, ủy ban nhân dân huyện.
- Kết quả thực hiện sẽ dựa trên quyết định thành lập Trung tâm CTXH của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân huyện.
- Không có lệ phí cho việc đề nghị thành lập trung tâm công tác xã hội này.
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của Công ty Luật ACC chúng tôi về việc thành lập trung tâm công tác xã hội. cũng như các vấn đề về thủ tục pháp lý có liên quan trong quá trình thành lập trung tâm công tác xã hội. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý khách hàng còn thắc mắc hay quan tâm và có nhu cầu sử dụng dịch vụ thành lập trung tâm công tác xã hội vui lòng liên hệ với Công ty Luật ACC chúng tôi qua các thông tin sau:
Hotline: 19003330
Zalo: 084 696 7979
Gmail: [email protected]
Website: accgroup.vn
Nội dung bài viết:
Bình luận