Luật Hiến pháp không chỉ có một hệ thống nhất định mà còn là một bộ phận hợp thành của một bộ phận khác lớn hơn hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong hệ thống lớn đó, Luật Hiến pháp có một vị trí đặc biệt của ngành luật chủ đạo. Vậy Tại sao nói ngành luật Hiến pháp là ngành luật chủ đạo? Bạn đọc hãy cùng làm rõ với Luật ACC ở bài viết này nhé!
1. Luật Hiến pháp là gì?
căn cứ Điều 119 Hiến pháp 2013 quy định về hiến pháp như sau:
- Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.
Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.
- Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.
Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định.
Như vậy, Hiến pháp là đạo luật gốc do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, xã hội; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Luật Hiến pháp là một ngành luật gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ cơ bản về tổ chức quyền lực Nhà nước, về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, chế độ bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân, về quốc tịch....
Đây là ngành luật chủ đạo, cơ bản nhất trong hệ thống pháp luật của một quốc gia, Luật hiến pháp là một ngành luật liên quan tới vai trò và quyền lực của các định chế nhà nước và liên quan tới mối quan hệ giữa công dân và nhà nước
2. Vị trí của Luật Hiến pháp trong hệ thống pháp luật
Ngành Luật Hiến pháp không chỉ là một ngành luật độc lập mà còn có vị trí là ngành luật chủ đạo của toàn hệ thống. Vị trí chủ đạo cũng là nội dung của mối quan hệ giữa ngành Luật Hiến pháp với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản, vị trí chủ đạo có nghĩa là ngành Luật Hiến pháp thiết lập “con đường”, bảo đảm “hướng đi” cho sự hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam. Nói cách khác, ngành Luật Hiến pháp, bằng nội dưng của các QPPL và các chế định của mình, vừa đóng vai trò tạo lập nền tảng, vừa dẫn dắt sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như các ngành luật khác trong hệ thống.
3. Tại sao nói ngành luật Hiến pháp là ngành luật chủ đạo?
Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao:
Trong hệ thống pháp luật của một quốc gia, Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất. Khi đó, tinh thần chung được khái quát và thể hiện trong tư tưởng quản lý, điều hành và tổ chức đất nước. Do đó tất cả các văn bản pháp luật khác trong quốc gia đó phải phù hợp, không được trái với Hiến pháp.
Vị trí tối cao của Hiến pháp là do nó phản ánh sâu sắc nhất chủ quyền của nhân dân. Nhân dân có quyền làm chủ, các lợi ích phải được tìm kiếm cho nhân dân trước tiên. Và về nguyên tắc pháp luật phải do nhân dân thông qua (qua hội nghị lập hiến, quốc hội lập hiến hoặc trưng cầu dân ý). Khi đó, quyền làm chủ, được đảm bảo các quyền lợi được xem là phù hợp trong nhu cầu của nhân dân.
Ngành Luật Hiến pháp có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội và ý nghĩa thực tiễn của nó là rất lớn, thể hiện qua một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, ngành Luật Hiến pháp được sinh ra để kiềm chế quyền lực, tạo khuôn khố cho hoạt động của các cơ quan công quyền từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất trong bộ máy nhà nước.Luật Hiến pháp hiện đại có nhiệm vụ kiềm chế sự tha hoá đó của quyền lực bằng việc đặt ra các “chuẩn mực” mà việc thực hiện quyền lực nhà nước, cho dù bởi bất kì chủ thể nào cũng phải tuân thủ.
Thứ hai, ngành Luật Hiến pháp bảo vệ các quyền cơ bản của người dân trước sự xâm phạm từ phía cơ quan công quyền và xã hội. ngành Luật Hiến pháp xác lập phạm vi các quyền cơ bản mà người dân được hưởng, ví dụ quyền tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, tự do đi lại, có luật sư bào chữa V.V.. Tương ứng với các quyền đó, ngành Luật Hiến pháp ấn định cho nhà nước nói chung và tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước nói riêng nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Mỗi cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều phải thực hiện nghĩa vụ này một cách phù họp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Ngành Luật Hiến pháp cũng thiết lập các nguyên tắc làm tiêu chí cho việc thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền cơ bản mà nếu vi phạm thì cơ quan nhà nước sẽ bị coi là vi hiến.
Có thể nói, ngành Luật Hiến pháp vừa là ngành luật của những người cai trị, vừa là ngành luật của những người mong mỏi bộ máy nhà nước phải hoạt động một cách đúng đắn, thực sự phục vụ nhân dân và phục vụ xã hội.
4. Mối quan hệ của ngành Luật Hiến pháp với các ngành luật khác
Nằm trong hệ thống pháp luật Việt Nam, dĩ nhiên luật Hiến pháp có quan hệ mật thiết với các ngành luật khác, cùng góp phần tạo nên hệ thống pháp luật thống nhất của Nhà nước Việt Nam. Nhưng so với các ngành luật khác, luật Hiến pháp có một vị trí quan trọng, tạo thành ngành luật cơ bản trong hệ thống các ngành luật Việt Nam. Chính vị trí vai trò này của luật Hiến pháp làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam có tính thống nhất. Sở dĩ luật Hiến pháp có vị trí như vậy, vì đối tượng điều chỉnh của luật Hiến pháp là những mối quan hệ xã hội quan trọng tạo nên chế độ chính trị của Nhà nước. Các mối quan hệ xã hội khác được các ngành luật khác điều chỉnh đều bắt nguồn từ các mối quan hệ được Luật Hiến pháp điều chỉnh. Vì vậy, về cơ bản các ngành luật khác đều phải bắt nguồn hay nói một cách khác hơn phải dựa vào các quy phạm cuả ngành luật Hiến pháp. Dựa trên quan điểm nhiều người cho rằng, không những hiến pháp là luật cơ bản của quốc gia, mà cả ngành luật hiến pháp này cũng là ngành luật cơ bản của mỗi quốc gia.
Luật Hiến pháp quy định những nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho các ngành luật khác điều chỉnh. Nói như vậy, điều này hoàn toàn không có nghĩa các ngành luật khác không tác động ngược trở lại tới luật Hiến pháp. Nghĩa là giữa luật Hiến pháp và các ngành luật khác vẫn có tác động qua lại lẫn nhau. Luật Hiến pháp là ngành luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thượng tầng kiến trúc xã hội đòi hỏi phải phù hợp với mối quan hệ xã hội. Cơ sở được các ngành luật khác điều chỉnh như: luật dân sự, kinh tế, đất đai... Ví dụ quyền sở hữu có tính chất tự nhiên trong xã hội là đối tượng điều chỉnh của ngành luật dân sự, luật Hiến pháp không thể vì là cơ bản mà bất chấp quy luật khách quan phát triển của cuộc sống, điều chỉnh tùy tiện theo ý chí chủ quan của giai cấp thống trị.
Luật Hiến pháp và luật hành chính có mối quan hệ rất gắn bó và mật thiết với nhau. Cùng nằm trong hệ thống công pháp Quốc hội, hai ngành luật này có rất nhiều điểm chung với nhau, cùng quy định về vấn đề quản lý Nhà nước, tổ chức Nhà nước ở nghĩa rộng. Nhưng giữa chúng có những điểm khác nhau cần phải phân biệt. Nếu như Luật Hiến pháp quy định việc tổ chức quyền lực Nhà nước ở tầm vĩ mô thì luật Hành chính lại chủ yếu dừng lại ở tầm vi mô. Nếu như luật Hiến pháp tĩnh hơn quy định việc tổ chức quyền lực Nhà nước, thì luật Hành chính lại quy định việc tổ chức quyền lực Nhà nước ở mức độ động hơn, thực thi quyền lực Nhà nước. Ví dụ: Luật Hiến pháp quy định thẩm quyền chung cho mọi Chủ tịch tỉnh và tương đương được quyền cấp đất phi nông nghiệp đến 2 ha thì đó là thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Hiến pháp. Chủ tịch của một tỉnh nào đó dùng cái quyền quyết định của mình mà cấp cho một công dân cụ thể, thì mối quan hệ đi lại là thuộc phạm vi của luật Hành chính.
5. Các nguyên tắc bao trùm của hệ thống ngành luật hiến pháp
- Nguyên tắc chủ quyền nhân dân: Nguyên tắc này đã được ghi nhận ngay trong bản Hiến Pháp năm 1946 đầu tiên của nước ta và được kế thừa trong suốt lịch sử lập hiến ở Việt Nam. Tại khoản 2 Điều 2 và Điều 3 hiến pháp 2013 nguyên tắc chủ quyền nhân dân đã được phát triển một cách toàn diện, hoàn thiện hơn so với trước đó đặt con người vào vị trí trung tâm trong tất cả các công việc của nhà nước, xã hội từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, đến các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân cũng như lĩnh vực tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
- Nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN: Nguyên tắc này lần đầu tiên được quy định lần đầu tiên trong bản Hiến Pháp năm 1992 và được hoàn thiện thêm ở các bản hiến pháp sau này. Tại khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. ” Nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đề cao vai trò và tôn trọng tính tối cao của pháp luật trong đời sống xã hội và trong việc quản lý tổ chức bộ máy nhà nước, tôn trọng, bảo đảm quyền con người và quyền công dân trong mọi lĩnh vực mà luật hiến pháp điều chỉnh.
- Nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc: Nguyên tắc này được thể hiện một cách rõ ràng trực tiếp nhất tại điều 5 Hiến Pháp 2013. Nội dung của nguyên tắc này đó chính là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo công bằng bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các dân tộc với nhau, tạo điều kiện giúp đỡ các dân tộc thiểu số hoặc ở những nơi có địa bàn khó khăn phát triển kinh tế xã hội văn hóa xã hội
6. Các chế định của ngành luật hiến pháp
Chế định là để chỉ tập hợp các quy phạm pháp luật của một ngành luật điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội cùng loại, tức là có cùng tính chất hay đặc điểm nhất định. Chế định của ngành luật hiến pháp là tập hợp các quy phạm pháp luật của ngành Luật hiến pháp điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có cùng loại trong phạm vi đối tượng điều chỉnh của ngành Luật hiến pháp. Ngành Luật hiến pháp có các chế định lớn cơ bản như sau:
- Chế định về chế độ chính trị bao gồm các quy phạm pháp luật của ngành Luật hiến pháp điều chỉnh các vấn đề cơ bản và quan trọng nhất trong lĩnh vực tố chức thực hiện quyền lực nhà nước.
- Chế định về mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam với công dân Việt Nam và người dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm các quy phạm pháp luật của ngành Luật hiến pháp quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên lãnh thổ Việt Nam. Chế định này cũng có thể được gọi là chế định quyền cơ bản của người dân.
- Chế định về chính sách kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại bao gồm các quy phạm pháp luật của ngành Luật hiến pháp quy định những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng nhất trong lĩnh vực tương ứng, qua đó hình thành các chính sách định hướng của nhà nước trong các lĩnh vực.
- Chế định về chế độ bầu cử bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực bầu cử để hình thành Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, hay còn gọi là hệ thống cơ quan dân cử ở Việt Nam.
- Các chế định về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, chính quyền địa phương, TAND, VKSND và các cơ quan hiến định độc lập bao gồm các quy phạm pháp luật của ngành Luật hiến pháp điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước tương ứng.
Trên đây là những nội dung thông tin liên quan đến chủ đề Tại sao nói ngành luật Hiến pháp là ngành luật chủ đạo? mà Luật ACC đã tổng hợp và phân tích để đưa đến thông tin cho quý bạn đọc. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết hoặc các dịch vụ pháp lý của chúng tôi bạn vui lòng liên hệ trực tiếp tới tổng đài tư vấn theo thông tin phía dưới để được kịp thời hỗ trợ.
Nội dung bài viết:
Bình luận