Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 tăng đều, tương đương với số ca mắc cách đây hơn 6 tháng. Trong 3 ngày qua (17-19/4), cả nước ghi nhận hơn 4.700 ca mắc. Ngày 20/4, cả nước ghi nhận 2.461 ca mắc - ngày có số ca mắc cao nhất trong hơn 6 tháng.
Các nhà dịch tễ học cho rằng số ca nhiễm thực sự hàng ngày có thể cao hơn vì nhiều trường hợp có triệu chứng nhưng không được xét nghiệm hoặc xét nghiệm mà không báo cáo cho cơ sở y tế địa phương.
Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia y tế, dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới. PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam mấy tuần gần đây một phần do người dân cho rằng hết dịch, không chú ý mặc đeo khẩu trang và khử trùng tay. Ngoài ra, kháng thể do COVID-19 hoặc do tiêm chủng có thể đã giảm theo thời gian nên đây cũng là nguyên nhân khiến số ca mắc tăng cao.
Sự gia tăng các trường hợp không phải là bất thường cũng không bất ngờ. Trên thế giới, làn sóng dịch bệnh tiếp tục giảm rồi bắt đầu bùng phát trở lại. “Các biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc nơi đông người để tránh lây lan dịch bệnh vẫn rất hiệu quả. Virus gây bệnh COVID-19 chủ yếu lây lan giữa những người có tiếp xúc gần nên đeo khẩu trang là biện pháp phòng bệnh hiệu quả”, ông Phu nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại và lưu hành ở các quốc gia trong đó có Việt Nam. WHO tiếp tục theo dõi chặt chẽ và phân tích tình hình COVID-19. Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh vắc-xin vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh nặng và tử vong do COVID-19, đồng thời khuyến nghị bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc trôi nổi để phòng và điều trị COVID-19. Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thuốc kháng virus, kể cả thuốc được Bộ Y tế cho phép sử dụng, cần được sử dụng đúng đối tượng, đúng thời điểm.
Theo bác sĩ Khiêm, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị COVID-19 khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi thấy có biểu hiện của bệnh cần thông báo cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Nguồn NLĐ
Nội dung bài viết:
Bình luận