Quyết định 3916/QĐ-BYT do Bộ Trưởng Bộ Y tế phê duyệt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh ngày 28 tháng 8 năm 2017. Theo đó, Quyết định 3916/QĐ-BYT quy định chi tiết về kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Để có thể hiểu rõ hơn về Quyết định 3916/QĐ-BYT mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
1/ Nội dung Quyết định 3916/QĐ-BYT
Các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh được ban hành kèm theo Quyết định 3916/QĐ-BYT, bao gồm:
- Hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện;
- Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa gây mê hồi sức;
- Hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu liên quan đến đặt thông tiểu;
- Hướng dẫn xử lý dụng cụ phẫu thuật nội soi và xử lý ống nội soi mềm;
- Hướng dẫn thực hành vệ sinh tay.
2/ Mục đích, ý nghĩa của việc giám sát nhiễm khuẩn
2.1 Giảm mắc, giảm chết, giảm chi phí do nhiễm khuẩn bệnh viện
Thông qua việc thường xuyên thông báo tỷ lệ, các yếu tố nguy cơ, căn nguyên nhiễm khuẩn bệnh viện đến nhân viên y tế giúp thay đổi nhận thức, thực hành phòng ngừa phù hợp hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm mắc, giảm chết và giảm chi phí do nhiễm khuẩn bệnh viện.
2.2 Xác định các tỷ lệ lưu hành (endemic rates) nhiễm khuẩn bệnh viện
Hầu hết các nhiễm khuẩn bệnh viện (90% - 95%) biểu hiện dưới dạng “lưu hành dịch”, do đó việc thường xuyên giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện giúp xác định được tỷ lệ lưu hành, từ đó làm cơ sở xác định xu hướng phát triển và phát hiện sớm dịch nhiễm khuẩn bệnh viện.
2.3 Thuyết phục nhân viên y tế tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn
Thông tin và bằng chứng thu được qua giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện từ chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đóng vai trò quan trọng tác động đến nhân viên y tế, làm thay đổi hành vi, tăng cường tuân thủ các thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn.
2.4 Giúp bác sĩ lâm sàng điều chỉnh các biện pháp điều trị
Những thông tin thu được từ giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện như tỷ lệ mới mắc, tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện và tính đề kháng kháng sinh, yếu tố nguy cơ… sẽ giúp bác sĩ lâm sàng điều chỉnh các biện pháp điều trị.
2.5 Lượng giá các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn
Khi áp dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn cần lượng giá hiệu quả thông qua giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Ví dụ, giám sát nhiễm khuẩn vết mổ để đánh giá hiệu quả của liệu pháp kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật. Thậm chí ngay cả khi biện pháp can thiệp đã đạt được một số thành công bước đầu thì vẫn phải liên tục giám sát, theo dõi, lượng giá vì kháng sinh được sử dụng có thể không còn nhạy cảm với chủng vi khuẩn gây bệnh.
2.6 Phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh
Tùy theo mục đích hoặc yêu cầu khác nhau, các cơ quan, tổ chức hay hiệp hội quản lý chất lượng có thể đề nghị bệnh viện báo cáo dữ liệu nhiễm khuẩn bệnh viện, các yếu tố nguy cơ và các thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn.
Giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuyên sẽ giúp các bệnh viện đáp ứng được công tác kiểm tra, đánh giá, lượng giá hoặc cải tiến chất lượng. Để có thể so sánh, đánh giá mức độ nhiễm khuẩn bệnh viện theo thời gian hoặc giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì dữ liệu thu thập được phải dựa trên cùng một bộ công cụ và cùng một phương pháp giám sát.
2.7 Báo cáo các sự cố y khoa liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện
Nhiễm khuẩn bệnh viện là hậu quả không mong muốn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh. Giám sát, phát hiện nhiễm khuẩn bệnh viện để rút kinh nghiệm và cải thiện thực hành chứ không phải là để phê phán.
Bằng hoạt động giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, nhân viên y tế được khuyến khích thông báo các ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện.
3/ Thiết lập hệ thống giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện
Các cơ sở khám, chữa bệnh cần xác định nội dung giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện tập trung vào các loại hình giám sát sau:
- Giám sát tỷ lệ hiện mắc trong toàn bệnh viện nhằm xác định tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện theo vị trí nhiễm khuẩn, theo khu vực lâm sàng và theo ngày điều trị nội trú. Loại giám sát này cần được thực hiện hằng năm. Với các bệnh viện quy mô lớn (từ 1.000 giường bệnh trở lên) cần thực hiện giám sát ngang 1 ngày một đợt/năm, tốt nhất là vào cùng một thời điểm. Với các bệnh viện có quy mô nhỏ hơn 1.000 giường bệnh cần thực hiện giám sát ngang 1 ngày lặp lại hằng quý hoặc hằng tháng tùy theo nguồn lực của bệnh viện.
- Giám sát tỷ lệ mới mắc nhiễm khuẩn bệnh viện tại một hoặc tất cả các khoa Hồi sức tích cực nhằm xác định tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chung ở mọi người bệnh nhập khoa, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện theo người bệnh có yếu tố nguy cơ, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện theo ngày nằm viện và tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện theo ngày phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ.
- Giám sát tỷ lệ mới mắc nhiễm khuẩn vết mổ: Nội dung này cần được thực hiện tại các bệnh viện có phẫu thuật nhằm xác định tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ theo số lượng NB có phẫu thuật và theo các yếu tố nguy cơ (loại phẫu thuật, loại vết mổ, thời gian phẫu thuật…).
- Số lượng người bệnh cần giám sát trong các giám sát tỷ lệ mới mắc nhiễm khuẩn bệnh viện cần đủ lớn (đạt được cỡ mẫu cần thiết) để bảo đảm phân tích, nhận định kết quả giám sát được chính xác.
Nội dung giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện cần được đưa vào kế hoạch công tác kiểm soát nhiễm khuẩn hằng năm. Tùy theo nguồn lực và đặc thù chuyên môn, cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện giám sát ngang trong toàn cơ sở khám, chữa bệnh và một hoặc cả hai nội dung giám sát tiến cứu nhiễm khuẩn bệnh viện được nêu ở trên.
Các cơ sở khám, chữa bệnh cần xác định giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện là nhiệm vụ trọng tâm của khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Các dữ liệu giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện cần được tập trung quản lý tại khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Các tỷ lệ, mật độ nhiễm khuẩn bệnh viện thu được qua giám sát cần được khoa kiểm soát nhiễm khuẩn phân tích và báo cáo theo thời gian giám sát và được so sánh giữa các năm để xác định xu hướng mắc nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quần thể được giám sát.
Các cơ quan quản lý y tế (Sở Y tế, Bộ Y tế) cần thống kê, quản lý các dữ liệu giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện của các cơ sở khám, chữa bệnh trong phạm vi mình quản lý. Nội dung giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện cần được đưa vào bộ tiêu chí đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh.
Trên đây là một số thông tin quan trọng được quy định tại Quyết định 3916/QĐ-BYT do Bộ Trưởng Bộ Y tế ban hành. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm một số quy định ban hành kèm theo Quyết định 3916/QĐ-BYT để có thể hiểu rõ hơn và nắm được thông tin một cách chi tiết nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến Quyết định 3916/QĐ-BYT hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.
Nội dung bài viết:
Bình luận