Trong cuộc sống, sinh - lão - bệnh - tử là lẽ thường tình, chính vì vậy, có những lúc ta phải chấp nhận sự ra đi của một người thân trong gia đình, chẳng hạn như chồng. Khi đó, mặc dù tiếc thương người đã mất, tuy nhiên có một số vấn đề cần giải quyết, đó là về mặt tài sản, mà cụ thể nhất là vấn đề quyền sử dụng đất khi chồng mất. Chính vì vậy, trong phạm vi bài viết này, ACC Group sẽ cung cấp tới các quý khách hàng một số thông tin cơ bản về vấn đề quyền sử dụng đất khi chồng mất.
Quyền sử dụng đất khi chồng mất (Cập nhật 2022)
1. Quyền sử dụng đất là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 53 – Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, cụ thể: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các loại tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Bộ luật Dân sự, Luật đất đai đều cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
Luật Đất đai năm 2013 quy định: Đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân và do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nhà nước theo đó trao quyền sử dụng đất cho người dân thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất. Pháp luật cũng công nhận quyền sử dụng đất đối với những người sử dụng đất ổn định và quy định về quyền cũng như nghĩa vụ chung của người sử dụng đất.
Nói tóm lại, quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ những chủ thể khác thông qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho... từ chủ thể có quyền.
2. Quy định về tài sản chung vợ chồng?
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…”.
Tại Điều 213 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định về sở hữu chung của vợ chồng như sau:
- Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
- Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Quyền sử dụng đất khi chồng mất?
Khi người chồng mất đi thì phần tài sản của người chồng trong khối tài sản chung của vợ chồng trở thành di sản thừa kế. Theo quy định trên thì hai vợ chồng đều có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung vợ chồng. Khi người chồng mất đi thì ½ giá trị khối tài sản chung của vợ chồng sẽ trở thành di sản thừa kế.
Do vậy, về nguyên tắc, mảnh đất và quyền sử dụng đất sẽ được chia đôi, một nửa thuộc sở hữu của người vợ, một nửa thuộc sở hữu của người chồng đã mất, phần sở hữu này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc.
4. Quyền sử dụng đất khi chồng mất mà có di chúc
* Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. (Điều 624 Bộ luật dân sự 2015). Mặt khác, theo Điều 626 quy định thì người lập di chúc có những quyền như sau:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Do vậy, nếu khi chồng mất mà có để lại di chúc thì quyền sử dụng đất khi chồng mất sẽ được phân chia theo di chúc.
* Ngoài ra, Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Quy định này có nghĩa là, nếu trong di chúc không để lại thừa kế cho các đối tượng kể trên thì họ vẫn được đảm bảo nhận ⅔ suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản chia theo pháp luật.
5. Quyền sử dụng đất khi chồng mất mà không có di chúc?
Nếu người chồng mất đi mà không để lại di chúc thì di sản của người chồng sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, các đồng thừa kế của người chồng có thể làm thủ tục công chứng văn bản khai nhận và phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Điều 57 Luật công chứng năm 2014 tại tổ chức hành nghề công chứng nơi có bất động sản là di sản thừa kế của người chồng để lại.
Nói tóm lại, qua bài viết trên, ACC Group đã cung cấp tới quý khách hàng những thông tin cơ bản nhất về vấn đề quyền sử dụng đất khi chồng mất. Nếu quý khách hàng gặp khó khăn gì trong việc giải quyết quyền sử dụng đất khi chồng mất, hãy liên hệ với ACC Group để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Nội dung bài viết:
Bình luận