Như trên đã đề cập, quyền lực nhà nước là thứ ý chí duy nhất có giá trị bắt buộc đối với tất cả mọi người sinh sống trên lãnh thổ của quốc gia, nó cũng là thứ quyền lực cao nhất và được bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước. Quyền lực nhà nước được thực hiện trực tiếp đối với xã hội thông qua bộ máy nhà nước. Nói cách khác, bộ máy nhà nước chính là sự hiện thân của quyền lực nhà nước, là chủ thể áp đặt ý chí bắt buộc đối với toàn xã hội. Như vậy, vấn đề quan trọng và nền tảng nhất của bộ máy nhà nước ở mọi quốc gia là quyền lực nhà nước thuộc về ai và được thực hiện qua cơ chế nào? Ở Việt Nam, câu hỏi này được trả lời bằng nguyên tắc “Chủ quyền nhân dân” với những nội dung sau:
Thứ nhất, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức (Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Như vậy, cũng giống nhiều nước khác trên thế giới, quyền lực nhà nước ở Việt Nam không thuộc về một người hay một tầng lớp riêng nào mà thuộc về toàn thể Nhân dân. “Nhân dân” ở đây là một khái niệm bao trùm toàn thể công dân Việt Nam mà như Hiến pháp đã chỉ rõ là không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo, dân tộc, giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo... Trong khái niệm “Nhân dân” thì mọi người bình đẳng với nhau mà không có bất kì sự phân biệt nào. Khái niệm “Nhân dân” cũng bao hàm sự bình đẳng giữa các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức chính là bộ phận đông đảo nhất - tầng lóp nhân dân lao động, chiếm tuyệt đại đa số trong khái niệm Nhân dân và có ý thức hệ tiên tiến trong xã hội. Do đó, bộ phận này được xác định là nền tảng để thực hiệh quyền lực nhà nước của Nhân dân; xác định như vậy cũng để bảo đảm việc thực hiện quyền lực nhà nước thực sự vì lợi ích của đa số trong xã hội. Chính vì quyền lực nhà nước xuất phát từ Nhân dân nên bộ máy nhà nước Việt Nam cũng phải xuất phát từ Nhân dân, từ đó hình thành chính thể Cộng hoà.
Thứ hai, Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các Cơ quan khác của nhà nước.1 Như vậy, Hiến pháp năm 2013 xác định hai hình thức để Nhân dân Việt Nam thực hiện quyền lực nhà nước. Hình thức thứ nhất là người dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình để quyết định công việc của nhà nước, bởi vì về nguyên lý quyền lực thuộc về ai thì do người đó thực hiện. Khi có những công việc hệ trọng của đất nước cần ý kiến quyết định của người dân thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức để người dân thể hiện ý chí lựa chọn của mình; sau đó các cơ quan nhà nước thực thi theo quyết định của người dân. Thủ tục này gọi là Trưng cầu dân ý và là hình thức dân chủ trực tiếp. Tuy nhiên, khái niệm “Nhân dân” có phạm vi hết sức rộng lớn, bao gồm hàng trăm triệu công dân Việt Nam. Do đó, không phải bất kì công việc nào cũng có thể được quyết định bằng hình thức dân chủ trực tiếp bởi vì như vậy rất tốn kém và khó khả thi (Điều 6 Hiến pháp năm 2013 và Ở Việt Nam từ trước tới nay, chưa tiến hành cuộc trưng cầu dân ý nào. Luật trưng cầu ý dân đầu tiên của Việt Nam, khung pháp lý để tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý mới được thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016). Tuyệt đại đa số công việc của Nhà nước sẽ được quyết định theo hình thức thứ hai, tức là bởi những người đại diện do Nhân dân bầu ra, đó chính là đại biểu Quốc hội ở trung ương và đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương. Những đại biểu này đại diện cho Nhân dân biểu quyết công việc của Nhà nước và chịu ữách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định mà mình đưa ra. Mối quan hệ giữa các đại biểu và người dân là mối quan hệ giữa người đại diện (the agent) và người chủ (the Principal). Người dân là chủ, bầu ra người đại diện để thay mặt mình đưa ra các quyết định thực hiện quyền lực nhà nước. Khi người đại diện không còn được tín nhiệm của Nhân dân thì Nhân dân có quyền bãi nhiệm họ hoặc không bầu chọn họ làm người đại diện nữa (Điều 7 Hiến pháp năm 2013). Từ các cơ quan đại diện của nhân dân hình thành nên các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước và như vậy cả bộ máy nhà nước đều bắt nguồn từ Nhân dân. Bộ máy nhà nước vận hành theo cách này được được gọi là chính quyền đại diện.
Thứ ba, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn họng Nhân dân, tận tuỵ phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân (Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013). Nội dung này là hệ quả tất yếu của nội dung thứ nhất. Khi quyền lực nhà nước là của Nhân dân thì bộ máy nhà nước cũng là của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra và phục vụ lợi ích của Nhân dân. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước ấy cũng phải thực sự thể hiện được mối quan hệ phục vụ đối với Nhân dân theo tinh thần trên.
Nguyên tắc “Chủ quyền nhân dân” đã được ghi nhận ngay từ bản hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp năm 1946 và được kế thừa trong suốt lịch sử lập hiến của Việt Nam. Tất nhiên, nội dung của nguyên tắc này thể hiện qua các quy định của hiến pháp trong từng giai đoạn không phải lúc nào cũng giống nhau. Ở Hiến pháp năm 2013, nguyên tắc đã được phát triển một cách toàn diện hơn so với trước đó.
Mặc dù vậy, có thể thấy, nguyên tắc “Chủ quyền nhân dân” có tính lý tưởng hoá cao, đặc biệt là nội dung thứ ba. Trên thực tế không phải cơ quan, cán bộ nhà nước nào cũng thể hiện được rằng mình đang thực sự phục vụ Nhân dân; đặc biệt không phải lúc nào mỗi người dân cũng cảm nhận được rằng mình đang được phục vụ. Đe nguyên tắc này thực sự được áp dựng một cách có ý nghĩa cần có nhiều biện pháp và công cụ khác nhau. Tuy nhiên, về mặt pháp lý có ba loại công cụ hết sức quan trọng, đó là khung pháp lý để thực hiện các cuộc trưng cầu dân ý, khung pháp lý về bầu cử, khung pháp lý về chế độ minh bạch thông tin và cơ chế pháp lý kiểm soát, bảo đảm các vi phạm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đều có thể bị phơi bày và bị xử lý.
Trên bình diện thế giới, nguyên tắc “Chủ quyền nhân dân” cũng đã xuất hiện từ lâu trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Ngay từ cuối thế kỉ XVII, John Locke, nhà tư tưởng vĩ đại người Anh, đã nói tới nguyên nhân ra đời xã hội chính trị và chính quyền dân sự là do người dân tự nguyện từ bỏ tự do của mình để được sống trong một xã hội an toàn hơn cho chính bản thân mình; mục đích của chính quyền dân sự là phục vụ người dân; chính quyền dân sự không thể đưa ra các quyết định quan trọng mà không được chính người dân hoặc cơ quan đại diện của họ phê chuẩn.1 Giữa thế kỉ XVIII, Rousseau, nhà tư tưởng người Pháp, đã bàn chi tiết về cách thức thành lập chính quyền trên cơ sở sự đồng ý của người dân mà ông gọi là “Khế ước xã hội” hay ý chí chung của toàn xã hội; chủ quyền tối cao phải là sự thực hiện ý chí chung này và không thể tự nó từ bỏ ý chí chung đó được. Cuối thế kỉ XIX, John Stuart Mill, triết gia và nhà kinh te chính trị học người Anh, ca ngợi rằng hình thức ưu việt nhất của chính quyền là chính quyền đại diện. Ở góc độ thực tiễn đời sống chính trị, Abraham Lincoln, Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kì thứ 16 (1861- 1865); trong bài phát biểu nổi tiếng của mình tại Gettysburg ngày 19 tháng 11 năm 1863 sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ đã sử dụng cụm từ nổi tiếng: “nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” (government of the people, by the people, for the peoplèý như một bộ máy nhà nước lý tưởng mà người dân Mỹ phải xây dựng sau cuộc nội chiến. Bên cạnh đó, Hiến pháp, đạo luật cơ bản và là biểu tượng của chủ quyền tối cao của nhiều quốc gia cũng khẳng định trong lời mở đầu cũng như thể hiện trong các điều khoản rằng nhân dân là người chủ của quyền lực nhà nước và là người làm ra hiến pháp. Ví dụ: Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, Hiến Ị)háp Cộng hoà Liên bang Đức năm 1949, Hiến pháp Cộng hoà Pháp năm 1958, Hiến pháp Nhật Bản năm 1946...
Như vậy, cũng có thể nói nguyên tắc “Chủ quyền nhân dân” là một thành quả tư tưởng chính trị - pháp lý của nhân loại mà Việt Nam đã tiếp thu và áp dụng, trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam từ rất sớm trong lịch sử lập hiến của mình.
Nội dung bài viết:
Bình luận