Theo quy định của pháp luật hiện hành, hợp đồng mua bán đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về quy trình, thủ tục công chứng mua bán đất.
Theo khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.
Nếu lựa chọn công chứng hợp đồng mua bản, quy trình thủ tục công chứng được thực hiện như sau:
1. Hồ sơ công chứng mua bán đất
Theo Khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014, hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
- Dự thảo hợp đồng, giao dịch (thường sử dụng mẫu hợp đồng của văn phòng công chứng)
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng (chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, sổ hộ khẩu…)
- Bản sao giấy chứng nhận
- Các giấy tờ khác (nếu có)
Phí công chứng được quy định tại Thông tư 257/2016/TT-BTC, cụ thể như sau:
- Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Tính trên giá trị quyền sử dụng đất.
- Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng trên đất: Tính trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất, giá trị nhà ở, công trình xây dựng trên đất.
2. Quy trình công chứng hợp đồng
Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu công chứng
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và xem xét và thực hiện công chứng
- Nếu các bên không sử dụng mẫu hợp đồng của văn phòng công chứng, công chứng viên xem xét dự thảo hợp đồng. Nếu dự thảo không phù hợp, yêu cầu các bên sửa đổi hợp đồng.
- Nếu các bên sử dụng mẫu hợp đồng của văn phòng công chứng, công chứng viên đề nghị các bên đọc kỹ và hoàn thiện hợp đồng.
- Nếu hồ sơ không đầy đủ, công chứng viên yêu cầu các bên bổ sung.
Bước 3: Công chứng viên ghi lời chứng, ký đóng dấu.
Bước 4: Nhận kết quả
Trên đây là một số thông tin về quy trình và thủ tục mua bán đất. Khi thực hiện công chứng hợp đồng, khách hàng nên lựa chọn các văn phòng công chứng uy tín để thời gian thực hiện được nhanh chóng và hiệu quả.
Nội dung bài viết:
Bình luận