Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là hình thức khai thác quyền rất phổ biến hiện nay. Bài viết dưới đây giới thiệu về quy trình chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
1. Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là gì?
Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc tổ chức, cá nhân nắm độc quyền sử dụng một đối tượng sở hữu công nghiệp (Bên chuyển quyền sử dụng – thường được gọi là bên giao) cho phép tổ chức, cá nhân khác (Bên nhận quyền sử dụng – thường được gọi là bên nhận) sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó. Đối tượng sở hữu công nghiệp có thể là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trị mạch tích hợp bán dẫn.
2. Vì sao phải chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp?
Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là một hình thức khai thác quyền, qua đó, chủ sở hữu quyền thu về lợi ích vật chất mà không phải trực tiếp sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Hình thức này đặc biệt thích hợp đối với những chủ sở hữu không hoạt động kinh doanh. Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp góp phần phổ biến công nghệ, nâng cao hiệu quả đầu tư nghiên cứu – triển khai, hạn chế độc quyền và thúc đẩy tạo ra công nghệ mới.
3. Hình thức chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hai hình thức:
- Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo hợp đồng
- Chuyển quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc (không áp dụng đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác) là việc chuyển quyền sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số trường hợp đặc biệt mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế.
Tuy nhiên, trong bài viết này, chỉ đề cập đến hình thức phổ biến nhất là việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo hợp đồng.
4. Quy trình chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Quy trình chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có thể được mô tả thông qua các bước sau:
Bước 1: Giao kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bắt buộc phải có những nội dung sau:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
- Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
- Dạng hợp đồng;
- Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
- Thời hạn hợp đồng;
- Giá chuyển giao quyền sử dụng;
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:
- Cấm bên được chuyển quyền cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp, trừ nhãn hiệu; buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó;
- Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hóa đó;
- Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp;
- Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.
Ngoài các nội dung trên, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Bước 2: Đăng ký hợp đồng
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- 02 Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Giấy ủy quyền nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện.
Bước 3: Nhận kết quả
Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định về việc đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Lưu ý:
- Các dạng của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
- Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.
- Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác.
- Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.
- Nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải theo bản dịch hợp đồng tiếng Việt; nếu hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
- Người nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng phải nộp phí, lệ phí liên quan:
Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp: 120.000đ
Phí tra cứu thông tin:
- Đối với sáng chế: 600.000đ
- Đối với kiểu dáng công nghiệp: 480.000đ
- Đối với nhãn hiệu: 180.000đ
Trên đây là thông tin về quy trình chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Nhìn chung, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thường có giá trị tương đối lớn, các bên nên tìm hiểu kỹ quy định pháp luật liên quan đến loại hợp đồng này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nội dung bài viết:
Bình luận