Thực tế thời gian gần đây chúng ta thấy có rất nhiều vụ án liên quan đến giả mạo trong công tác nhằm vụ lợi cá nhân. Pháp luật có những quy định cụ thể xử lý đối với hành vi vi phạm, cụ thể như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của công ty Luật ACC về quy định về tội danh giả mạo trong công tác để hiểu rõ hơn vấn đề này nhé.
Tội danh giả mạo trong công tác
1. Khi nào một người phạm tội danh giả mạo trong công tác?
Để một người phải gánh chịu tội danh giả mạo trong công tác thì người phạm tội cần có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, cụ thể:
1.1. Chủ thể:
Chủ thể đặc biệt, người có chức vụ, quyền hạn
Lỗi: cố ý trực tiếp
Động cơ phạm tội: vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác
1.2. Hành vi khách quan:
Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi khách quan sau đây:
+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu là hành vi thêm bớt, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm cho giấy tờ, tài liệu không còn phản ánh đúng sự thực khách quan nữa. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nên có khả năng tiếp cận giấy tờ, tài liệu. Họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm cho nội dung của giấy tờ, tài liệu sai lệch.
+ Làm, cấp giấy tờ giả là hành vi làm ra hoặc đưa vào lưu thông các loại giấy tờ giả. Trong thực tế, giấy tờ giả là các loại giấy tờ được in bằng khuôn mẫu giả, chữ kí giả, dấu chứng thực giả… Người có chức vụ, quyền hạn chỉ cần làm ra hoặc cấp các loại giấy tờ này là có dấu hiệu của tội giả mạo trong công tác.
+ Giả mạo chữ kí của người có chức vụ, quyền hạn là hành vi kí tên của người khác vào giấy tờ, tài liệu. Người khác trong trường hợp này là người có chức vụ, quyền hạn.
- Đối tượng tác động: giấy tờ, tài liệu.
2. Quy định về tội danh giả mạo trong công tác (cập nhật 2021)
Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội giả mạo trong công tác như sau:
"1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
- b) Làm, cấp giấy tờ giả;
- c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
- c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
- b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;
- b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng."
Như vậy, mức phạt cao nhất đối với tội danh giả mạo trong công tác có thể lên tới 20 năm tù.
3. Tội danh giả mạo trong công tác có phải chịu hình phạt bổ sung?
Hình phạt bổ sung đối với tội danh giả mạo trong công tác: Cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
4. Những điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội giả mạo trong công tác
Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội giả mạo trong công tác đã có một số điểm sửa đổi, bổ sung so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 như sau:
Về cơ bản, các dấu hiệu định tội giả mạo trong công tác không sửa đổi, đó vẫn là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả và giả mạo chữ ký, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 sửa dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng bằng các số lượng giấy tờ giả.
Cụ thể: Khoản 2 Điều 359 quy định “c. làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả”; Khoản 3: “a. Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả”; Khoản 4: “a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên”.
Khoản 4 bổ sung tình tiết định khung tăng nặng như sau: “b. Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".
Hình phạt tiền là hình phạt bổ sung được nâng lên từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng ( thay vì từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng).
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về mức phạt tù đối với tội danh giả mạo trong công tác để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn cần hỗ trợ hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của chúng tôi, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất và cụ thể các vấn đề pháp lý nhé.
Nội dung bài viết:
Bình luận