Khám xét trong tố tụng hình sự là một hoạt động điều tra góp phần không nhỏ vào quá trình điều tra truy vết tội phạm. Việc tìm ra những vật chứng, đồ vật có ích cho việc xác định tội thông qua quá trình khám xét đa phần là những chứng cứ hữu hiệu. Bài viết phân tích, làm rõ về quy định khám xét trong tố tụng hình sự.

1. Khái niệm khám xét trong tố tụng hình sự
Khám xét là biện pháp điều tra do những người có thẩm quyền tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong người, đồ vật, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, thư tín bưu kiện, bưu phẩm của một người có những đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án. Bằng biện pháp tìm tòi, lục soát nhằm phát hiện và thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội; đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật tài liệu khác có liên quan trực tiếp đến vụ án.
2. Căn cứ tiến hành khám xét trong tố tụng hình sự
Khám xét là một trong những biện pháp cưỡng chế của tố tụng hình sự tác động đến các quyền con người, quyền của công dân nên chỉ được khám xét khi có đầy đủ những căn cứ do pháp luật quy định.
Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:
- Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Những căn cứ này có thể xác định bằng những nguồn tin do quần chúng cung cấp, do người thực hiện tội phạm khai hoặc do cơ quan điều tra phát hiện và phải được kiểm ưa kĩ trước khi ra lệnh khám xét. Nếu chỉ là sự nghi ngờ thì không được khám xét.
- Việc khám xét chỗ ở, địa điểm, nơi làm việc, phương tiện của một người có thể tiến hành trong trường hợp cần phát hiện người đang bị truy nã ẩn nấp, giải cứu nạn nhân.
- Việc khám thư tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có thể được tiến hành khi cần phải thu thập công cụ, phương tiện phạm tội hoặc những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.
3. Thẩm quyền ra lệnh khám xét trong tố tụng hình sự
Nhằm tránh việc khám xét tràn lan, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân đồng thời để đảm bảo phát hiện kịp thời mọi tội phạm, khoản 1 Điều 193 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định những người có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam; người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền ra lệnh khám xét;
Lệnh khám xét của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp và của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Trường hợp khẩn cấp không thể trì hoãn với mục đích kịp thời thu thập chứng cứ, ngăn chặn ngay việc tiêu hủy chứng cứ, không bỏ lọt tội phạm thì những người có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp cũng có quyền ra lệnh khám xét.
4. Những trường hợp khám xét trong tố tụng hình sự
4.1 Khám xét người
Khám người là hoạt động điều tra lục soát, tìm tòi trong người, quần áo đang mặc và các đồ vật đem theo của bị can, bị cáo, người bị bắt giữ trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc người có mặt ở nơi khám xét mà có căn cứ để khẳng định người này giấu trong người đồ vật, tài liệu cần thu giữ nhằm mục đích phát hiện và thu giữ những đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án. Điều 194 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:
- Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh phải đọc lệnh và đưa người bị khám xét đọc lệnh đó. Người thi hành lệnh có nghĩa vụ giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết về quyền và nghĩa vụ của họ.
- Người tiến hành khám xét chỉ tiến hành khám xét người khi đã yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đò vật có liên quan đến vụ án, nhưng bị họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.
- Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét. Khi khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến.
- Trong trường hợp bắt người (bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã) hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể tiến hành khám xét mà không cần phải có lệnh.
4.2 Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện
Khám xét chỗ ở, nơi làm làm việc, địa điểm, phương tiện là hoạt động điều tra lục soát, tìm kiếm trong phạm vi chỗ ở, nơi làm việc hoặc địa điểm, phương tiện thuộc quyền quản lí của người bị khám xét nhằm phát hiện và thu giữ những đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án.
Về nguyên tắc, không được bắt đầu khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp không thể trì hoãn được như xét thấy cần phải khám ngay để ngăn chặn việc tiêu huỷ chứng cứ thì được khám ban đêm nhưng phải ghi rõ lí do vào biên bản.
Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
- Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp những người kể trên cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
- Đối với nơi làm việc khi tiến hành khám xét phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn thì có thể tiến hành khám xét nhưng phải ghi rõ vào biên bản. Phải có sự chứng kiến của đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.
- Đối với khám xét địa điểm phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.
- Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.
- Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.
Việc khám xét trong tố tụng hình sự phải lập biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành khám xét; thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc cuộc khám xét, đồ vật, tài liệu... đã phát hiện và thu giữ, địa điểm và thủ đoạn cất giấu; những tình tiết phức tạp xảy ra trong khi khám xét, thái độ của người bị khám và những người có mặt tại khu vực khám xét; những khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của đương sự. Biên bản phải lập tại nơi tiến hành khám xét và đọc lại cho mọi người có mặt cùng nghe; người bị khám xét, chủ nhà, người chứng kiến cùng kí xác nhận vào biên bản.
Mọi vấn đề pháp lý, thắc mắc có liên quan của quý bạn đọc ACC sẵn sàng giải đáp. Vui lòng liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng để được hỗ trợ tận tình.
Nội dung bài viết:
Bình luận