Ngày 15/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 138/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
1. Khái quát quy định pháp luật về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Nghị định 138/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về việc áp dụng pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài, điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia vào các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là đối tượng áp dụng của Nghị định này.
Việc áp dụng pháp luật dân sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế tuân theo quy định tại Điều 759 của Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định tại Phần thứ bẩy của Bộ luật Dân sự và quy định của Luật chuyên ngành khác về cùng một nội dung thì áp dụng quy định của Luật chuyên ngành. Trong trường hợp việc lựa chọn hoặc viện dẫn áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, thì đương sự có quyền yêu cầu áp dụng hệ thống pháp luật có mối quan hệ gắn bó nhất với đương sự về quyền và nghĩa vụ công dân.
Nghị định đã quy định cụ thể về: Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài; Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài; Xác định người không có năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Xác định người bị mất tích hoặc chết; Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài; Quyền sở hữu tài sản; Thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài; Thừa kế theo di chúc...
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 60/CP ngày 06 tháng 6 năm 1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
2. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015 và Khoản 1 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành có quy định về cách hiểu quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là:
– Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
– Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động mà các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam, nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt theo pháp luật nước ngoài, phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Ngoài ra, tại Điều này còn có định nghĩa về một số quy định có liên quan như sau:
+ Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch.
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
+ Cơ quan, tổ chức nước ngoài là các cơ quan, tổ chức không phải là cơ quan, tổ chức Việt Nam được thành lập theo pháp luật nước ngoài, bao gồm cả cơ quan, tổ chức quốc tế được thành lập theo pháp luật quốc tế.
+ Pháp nhân nước ngoài là pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài.
Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại Khoản 2 Điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, theo đó:
Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài
3. Nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Theo Điều 664 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
“1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.”
Theo đó nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo Bộ luật dân sự năm 2015 được xác định như sau: trước hết các bên cần áp dụng Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc Luật Việt Nam. Trong trường hợp Điều ước quốc tế hoặc luật Việt Nam quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên hoặc các bên có thể lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế nếu hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trường hợp không xác định pháp luật áp dụng trong các trường hợp trên thì áp dụng pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ đó.
Phạm vi áp dụng
Khoản 1 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp luật khác có quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không trái với quy định từ Điều 664 đến Điều 671 của Bộ luật này thì luật đó được áp dụng, nếu trái thì quy định có liên quan của Phần thứ năm của Bộ luật này được áp dụng”. Như vậy, Bộ luật dân sự 2015 quy định các quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nhưng không trái với quy định của Bộ luật thì luật đó vẫn được áp dụng. Quy định này thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong quan hệ dân sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
4. Quy định về việc áp dụng quy định của pháp luật được dẫn chiếu:
Bộ luật dân sự 2015 đã tách riêng Điều 668 để quy định rõ hơn vấn đề áp dụng pháp luật được dẫn chiếu, theo đó,
“1. Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định của pháp luật Việt Nam về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
3. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước thứ ba về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
4. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng” .
Như vậy, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định cụ thể xác định rõ phạm vi dẫn chiếu đến pháp luật được chọn áp dụng, chỉ dẫn chiếu đến pháp luật nội dung (không bao gồm quy phạm xung đột) trong trường hợp các bên được lựa chọn pháp luật áp dụng. Các trường hợp khác cho phép dẫn chiếu ngược để tăng cơ hội áp dụng pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, Bộ luật dân sự 2015 quy định cho phép dẫn chiếu đến pháp luật của nước thức ba, trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước đó về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
5. Quy định về các trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài.
Theo Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về vấn đề không áp dụng pháp luật nước ngoài khi được dẫn chiếu đến, Điều 670 Bộ luật dân sự 2015 lại quy định:
“1. Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
b) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
2. Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”.
Bộ luật dân sự 2015 quy định bổ sung trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài khi nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ được viện dẫn điều khoản này để không áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp đã thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng mà vẫn không xác định được quy định pháp luật nước ngoài điều chỉnh quan hệ dân sự đó. Quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm xác định pháp luật áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù quy định này nhằm tới các cơ quan có thẩm quyền, các bên trong quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài nếu không xác định được nội dung của pháp luật nước ngoài điều chỉnh thì cũng có thể viện dẫn quy định này để áp dụng pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định rõ tại khoản 2 Điều 670 về việc không áp dụng pháp luật nước ngoài trong các trường hợp nêu trên thì sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam. Quy định này nhằm tăng khả năng áp dụng pháp luật Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Nội dung bài viết:
Bình luận