Quy định về phòng cháy chữa cháy đối với nhà nghỉ được quy định khá rõ trong Nghị định 79/2014/NĐ-CP để đảm bảo an toàn phòng và chữa cháy. Cháy nổ là tình huống không mong muốn, để tránh hậu quả xấu diễn ra, xác định và thực hiện đúng quy trình là vô cùng cần thiết. Tại các cơ sở dịch vụ kinh doanh, phục vụ và đón tiếp nhiều người như nhà nghỉ, khách sạn quy định về phòng cháy chữa cháy đối với nhà nghỉ càng cần được quan tâm. Sau đây là nội dung chi tiết hiện hành mà bạn đọc cần phải nắm rõ về Phương án phòng cháy, chữa cháy đối với nhà nghỉ.

1. Phòng cháy chữa cháy là gì?
Phòng cháy chữa cháy là một tập hợp các giải pháp mang tính kỹ thuật, có liên quan tới việc loại trừ, hạn chế tới mức tối thiểu các nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn, đồng thời nhanh chóng dập tắt khi đám cháy xảy ra, ngăn chặn cháy lan và xử lý thiệt hại về người và tài sản.
Cụm từ này có thể hiểu đơn giản bằng cách chia rõ hai vế phòng cháy và chữa cháy. Phòng cháy là các việc làm nhằm ngăn chặn, hạn chế, không cho nảy sinh hiểm họa cháy nổ, chữa cháy là xử lý kịp thời đám cháy đã xảy ra về cả hiện trường và hậu quả.
2. Phương án phòng cháy, chữa cháy đối với nhà nghỉ
Đối với nhà nghỉ có chiều cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5000 m3 trở lên nhưng không quá 9 tầng hoặc 25m
Theo quy định tại khoản 1 điều 7 Nghị định 79/2014/NĐ-CP diện nhà nghỉ này cần có:
- Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của nhà nghỉ.
- Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong nhà nghỉ.
- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện kinh doanh nhà nghỉ.
- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy của nhà nghỉ, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
- Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của nhà nghỉ bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.
Đối với nhà nghỉ có chiều cao dưới 5 tầng hoặc khối tích dưới 5000 m3
Được quy định tại khoản 2 điều 7 của nghị định: Bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của nhà nghỉ đó và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
Đối với nhà nghỉ có chiều cao trên 09 tầng hoặc từ 25 m trở lên
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này còn phải bảo đảm các điều kiện sau:
- Kết cấu xây dựng của nhà phải có giới hạn chịu lửa phù hợp với tính chất sử dụng và chiều cao của nhà theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
- Tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng công cộng tập trung đông người không được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu dễ cháy.
3. Những điều cần lưu ý về phòng cháy chữa cháy với nhà nghỉ
Quy định đã ban hành rõ ràng, tuy nhiên, hiện nay ở một số khách sạn, nhà nghỉ và khu du lịch vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, trong đó nổi lên một số vấn đề sau:
- Một số khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch xây dựng không đảm yêu cầu về PCCC, không đảm bảo yêu cầu khoảng cách an toàn chống cháy lan, không có lối thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy.
- Hệ thống PCCC, đường cho xe chữa cháy tiếp cận khi xảy ra cháy tại một số các nhà nghỉ, khách sạn, khu du lịch còn nhiều thiếu sót bất cập.
- Nhiều khu du lịch khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng bằng các vật liệu dễ cháy; tranh, tre, nứa, lá. Nguồn nhiên liệu cung cấp chính cho các nhà hàng là khí gas.
- Hệ thống điện chiếu sáng sự cố, hướng dẫn lối thoát nạn không có.
- Nhiều Khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch có qui mô lớn, có giá trị nhiều tỷ đồng lại ở cách xa đơn vị PCCC, trong khi đó lực lượng phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa được đầu tư đúng mức.
- Một số người đứng đầu cơ sở chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, do đó chưa đầu tư đầy đủ đúng mức cho công tác này nhất là việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật để quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, điều kiện chống cháy lan, thoát nạn khi xảy ra cháy và tổ chức lực lượng PCCC cơ sở, hầu hết các vụ cháy ở khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch chủ yếu là lực lượng tại chỗ hoạt động kém hiệu quả. Còn không ít chủ cơ sở không quan tâm đến công tác PCCC, coi việc PCCC là của Công an hay của chính quyền địa phương.
Để tăng cường các biện pháp, giải pháp PCCC khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch trước hết cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành các tổ chức xã hội, đơn vị, cơ sở có liên quan đến công tác trong việc thực hiện các giải pháp PCCC khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch.
Theo qui định của Luật PCCC, Nghị định số 79/2014/NĐ/CP của Chính phủ, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp chính quyền trực tiếp quản lý khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch.
Một biện pháp rất quan trọng nữa để giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra là lực lượng Cảnh sát PCCC theo chức năng quản lý Nhà nước về PCCC phải tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch.
Nội dung bài viết:
Bình luận