Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của ai?

Vấn đề tham nhũng là một vấn đề quan trọng và đáng báo động ở mọi quốc gia, bởi lẽ những hậu quả của nó đem lại là vô cùng nặng nề đe dọa đến sự phát triển của một quốc gia. Chính vì vậy mà hiện nay các quốc gia đang không ngừng thực hiện nhiều chương trình và biện pháp hướng đến giảm thiểu, chấm dứt nạn tham nhũng diễn ra; để phát huy được hết sức mạnh của các chương trình, biện pháp này đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của mọi cấp, mọi ngành và mọi người dân. Vậy Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của ai? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của ai?
Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của ai?

1. Phòng, chống tham nhũng là gì?

Tham nhũng là một hiện tượng tất yếu của xã hội có sự phân chia giai cấp, có nhà nước; bơi tham nhũng luôn gắn với quyền lực nhà nước; một số người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước đã lợi dụng quyền lực nhà nước để nhằm thu lợi ích bất chính về cho mình, cho gia đình, cho người thân của mình.

Tham nhũng gây thiệt hại đến nền kinh tế của đất nước, nó làm suy thoái đạo đức lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó hiện tượng tham nhũng còn làm cho bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu quả thậm chí làm mục rỗng cơ cấu hoạt động của bộ máy nhà nước đe dọa đến sự tồn vong của đất nước, của chế độ; Chính vì vậy mà cấp thiết Đảng và nhà nước, nhân dân phải có những phương pháp, chương trình nhằm hạn chế, tiến tới tiêu diệt những mầm họa này.

Theo đó phòng, chống tham nhũng được hiểu là: bao gồm các hoạt động của hệ thống cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân, căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị – xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế – xã hội đất nước phát triển bền vững.

2. Vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải gắn liền và phục vụ cho đổi mới kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đại đoàn kết toàn dân và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới.

Tham nhũng là căn bệnh của bộ máy nhà nước; đồng thời, đó cũng là một tệ nạn xã hội cần phải được bài trừ và lên án của cả xã hội. Mọi công dân đều có trách nhiệm tham gia tích cực để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ các điều kiện tồn tại của tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Nếu như đấu tranh chống tham nhũng trước hết là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thì việc tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của các tổ chức và từng thành viên trong xã hội. Các em học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng đã có thể tham gia tích cực vào công tác đấu tranh. Phòng chống tham nhũng; sự tham gia của các em được thể hiện trước hết ở thái độ nghiêm túc trong học tập, tự phấn đấu bằng chính năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, các em cũng cần có thái độ thẳng thắn và đấu tranh kiên quyết với mọi biểu hiện tiêu cực diễn ra trong phạm vi nhà trường.

Về phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng, các nước trên thế giới đều khẳng định trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội, công dân đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống tệ nạn tham nhũng. Vai trò của xã hội thể hiện ở việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện đối với hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và trong công tác phòng chống tham nhũng nói riêng. Xã hội có quyền đòi hỏi Nhà nước thực hiện đúng chức năng của mình cũng như đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hình thành nên từ sự đóng góp của các thành viên trong xã hội. Để phát huy hết khả năng và năng lực của toàn xã hội Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có những quy định để tạo cơ sở pháp lý để xã hội tham gia đấu tranh chống tệ tham nhũng qua việc quy định vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; vai trò và trách nhiệm của báo chí; vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; trách nhiệm của công dân và ban thanh tra nhân dân với các loại hình tham gia thích hợp với tính chất hoạt động của các tổ chức này.

3. Trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Cũng giống như trong vai trò của phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của tất cả mọi tổ chức, mọi thành viên của xã hội, bất cứ khi nào khi phát hiện ra những dấu hiếu của hành vi tham nhũng đều phải có những hành động nhằm ngăn chặn nó xảy ra gây thiệt hại cho đất nước và xã hội. Để làm rõ hơn về trách nhiệm của phòng, chống tham nhũng thì ta sẽ đi vào tìm hiểu từng chủ thể cụ thể:

3.1.  Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phòng, chống tham nhũng

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm sau đây:

– Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng;

– Động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về các hành vi tham nhũng;

– Cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng;

– Thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, kiến nghị việc bảo vệ, khen thưởng người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

3.2. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo trong việc phòng, chống tham nhũng

– Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm trong việc đưa các thông tin về hoạt động phòng chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng đang xảy ra trên thực tế;

 Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp đầy dủ và chính xác các thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.

3.3. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong phòng, chống tham nhũng

– Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tuyên truyền, động viên người lao động, thành viên, hội viên của mình thực hiện đúng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; kịp thời thông báo đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xử lý hành vi tham nhũng.

– Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

– Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tổ chức diễn đàn để trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

3.4. Trách nhiệm của công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong phòng, chống tham nhũng

– Công dân tự mình hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc thông qua tổ chức mà mình là thành viên tham gia phòng, chống tham nhũng. Khi phát hiện có dấu hiệu của hành vi tham nhũng thực hiện ngay việc thông báo đến các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn hậu họa xảy ra của hành vi tham nhũng.

– Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Trên đây là Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của ai? mà ACC muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Hi vọng bài viết sẽ hỗ trợ và giúp ích cho quý bạn đọc về vấn đề này!

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo