Khi các nhà đầu tư xuất hiện này càng nhiều trên thị trường thì phát hành chứng khoán trở thành hoạt động huy động vốn quan trọng và hiệu quả hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp. Vậy phát hành chứng khoán là gì? Công ty Luật ACC với bài viết sau sẽ làm rõ vấn đề trên.

1. Căn cứ pháp lý
- Luật chứng khoán năm 2019
2. Chứng khoán là gì?
Trước khi tìm hiểu khái niệm phát hành chứng khoán là gì, ta cần có góc nhìn tổng quát về chứng khoán. Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019, chứng khoán được quy định như sau:
“Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Trong đó:
- Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
- Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
- Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
- Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
- Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
- Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.
- Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
- Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.
3. Phát hành chứng khoán là gì?
Khái niệm phát hành chứng khoán hiện nay không được quy định trong các văn bản pháp lý, tuy nhiên, từ góc độ kinh tế có thể khái quát:
“Phát hành chứng khoán là nghiệp vụ đưa chứng khoán mới ra lưu hành với mục đích huy động vốn cần thiết cho người phát hành chứng khoán và trao cho người mua (chủ sở hữu chứng khoán) quyền thu nhập dưới dạng lợi tức nhất định (nhận ngay khi mua phiếu hoặc sau một thời gian nhất định).”
Từ cách hiểu về phát hành chứng khoán là gì, có thể rút ra một số đặc điểm về phát hành chứng khoán như sau:
Thứ nhất, chủ thể phát hành chứng khoán là doanh nghiệp cần huy động vốn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Các chủ thể này cần đáp ứng những điều kiện nhất định để có thể phát hành chứng khoán.
Thứ hai, chứng khoán được phát hành dưới hình thức luật định nhằm xác nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc tài sản của tổ chức phát hành.
Thứ ba, phát hành chứng khoán làm tăng vốn đầu tư cho bên phát hành và đổi lại lợi tức nhận định đối với chủ sở hữu chứng khoán.
4. Phân loại phát hành chứng khoán
Để hiểu rõ hơn về phát hành chứng khoán là gì, việc xác định cách phân loại là một bước quan trọng. Cụ thể việc phát hành chứng khoán có thể phân chia theo các tiêu chí sau:
4.1. Phân loại theo đợt phát hành
– Phát hành chứng khoán lần đầu: là việc tổ chức phát hành chứng khoán lần đầu tiên sau khi tổ chức phát hành đã đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
– Phát hành các đợt tiếp theo: tổ chức phát hành các đợt tiếp theo đã có chứng khoán phát hành và giao dịch trên thị trường thứ cấp.
4.2. Phân loại theo phương pháp định giá phát hành
– Phát hành theo một mức giá ấn định trước: tổ chức phát hành thuê đơn vị tư vấn xác định một mức giá cụ thể và bán theo giá này.
– Phát hành theo phương pháp ghi sổ: Tổ chức phát hành thuê một tổ chức bảo lãnh phát hành thăm dò mức giá và số lượng cổ phiếu mà họ muốn mua. Sau đó tổng hợp mức cầu thị trường và các mức giá mong muốn, tổ chức bảo lãnh sẽ định giá phát hành và phân phối cho nhà đầu tư.
– Phát hành bằng phương pháp đấu giá: Tổ chức phát hành hay tổ chức bảo lãnh sẽ ấn định giá tối thiểu và tổ chức bán chứng khoán theo nguyên tắc ưu tiên về giá dựa trên các phiếu tham dự đấu giá.
4.3. Phân loại theo phương pháp phát hành
– Phát hành trực tiếp: Tổ chức phát hành tự bán chứng khoán ra công chúng.
– Phát hành gián tiếp: Phát hành thông qua tổ chức bảo lãnh phát hành
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật ACC về vấn đề Phát hành chứng khoán là gì. Nếu quý bạn đọc còn vấn đề gì vướng mắc, chưa rõ xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo cách thức:
Hotline: 19003330
Zalo: 084 696 7979
Gmail: [email protected]
Nội dung bài viết:
Bình luận