Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hay còn gọi là hợp đồng BCC) là một loại hợp đồng hợp tác giữa các chủ thể tham gia hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh. Đây là một loại hợp đồng được sử dụng rộng rãi và được pháp luật quy định đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về loại hợp đồng này. Để giúp cho bạn đọc tìm hiểu về các quy định pháp luật của loại hợp đồng này; bài viết sau đây, ACC sẽ cung cấp cho bạn đọc một cách đầy đủ và chính xác nhất về pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh
I. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015 số 91/2015/QH13
- Luật Thương mại năm 2005 số 36/2005/QH11
- Luật Đầu tư 2020 số 61/2020/QH14
II. Pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh
1. Khái niệm hợp đồng hợp tác kinh doanh
Trước tiên, ta cần hiểu hợp đồng hợp tác kinh doanh là một loại hợp đồng hợp tác. Vì vậy các quy định pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh cần tuân thủ các quy định của hợp đồng hợp tác. Theo Khoản 1, Điều 504, Bộ luật Dân sự 2015:
"Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm."
Ngoài ra, hợp đồng hợp tác kinh doanh còn được định nghĩa tại Khoản 14, Điều 3, Luật Đầu tư 2020 như sau:
"Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế."
Ta có thể hiểu Hợp đồng hợp tác kinh doanh là văn bản ký kết giữa hai hoặc nhiều bên để tiến hành đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó quy định trách nhiệm và kết quả kinh doanh cho mỗi bên mà không thành lập pháp nhân mới.
2. Chủ thể của hợp đồng hợp tác kinh doanh
Chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể là nhà đầu tư trong nước hoặc ngoài nước; nhà đầu tư có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Một hợp đồng BCC có thể có sự tham gia của nhiều chủ thể và có thể bao gồm đại diện của các chủ thể tham gia hợp đồng.
Chủ thể tham gia hợp đồng BCC được quy định tại Khoản 18, Khoản 19 và Khoản 20 Điều 3 Luật đầu tư 2020 như sau:
"18. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
19. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
20. Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông."
3. Hình thức của hợp đồng hợp tác kinh doanh
Theo Khoản 2, Điều 504, Bộ luật Dân sự 2020:
"Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản."
Vì là một loại hợp đồng hợp tác, nên hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng phải được thành lập theo hình thức văn bản. Theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 27, Luật đầu tư 2020:
"1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận."
Như vậy, nếu chủ thể gồm nhà đầu từ nước ngoài, để ký kết hợp đồng BCC còn cần Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Điều 38, Luật Đầu tư 2020.
Có thể thấy đặc thù của hợp đồng BCC thể hiện ở sự "Hợp tác kính doanh", bao gồm các thỏa thuận về vốn góp cùng kinh doanh, cùng chịu rủi ro, phân chia kết quả kinh doanh. Vì vậy, các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thành lập Ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban điều phối do các bên thảo thuận. Việc lập ra ban điều phối nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên tham gia hợp đồng, cũng như đại diện cho các bên giám sát quá trình thực hiện hợp đồng.
4. Nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh
Hợp đồng BCC cần tuân thủ các quy định về nội dung đối với hợp đồng hợp tác; căn cứ theo Điều 505, Bộ luật Dân sự 2015:
"Hợp đồng hợp tác có nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục đích, thời hạn hợp tác;
2. Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;
3. Tài sản đóng góp, nếu có;
4. Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;
5. Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;
6. Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;
7. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;
8. Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;
9. Điều kiện chấm dứt hợp tác."
Ngoài ra, nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 28, Luật Đầu tư 2020:
"Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp."
Theo đó, hợp đồng hợp tác kinh doanh sẽ có những nội dung bắt buộc như tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư; tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên,… theo quy định trên. Cùng với các nội dung như hợp đồng hợp tác, hợp đồng BCC sẽ bao gồm các nội dung về các điều khoản kinh doanh, nội dung kinh doanh, quan hệ kinh doanh giữa các bên tham gia hợp đồng.
> Xem thêm: Tìm hiểu về nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 28 cũng quy định như sau:
"2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật."
Như vậy, hợp đồng BCC không hề giới hạn quyền của các bên khi tham gia hợp đồng. Vì là một loại hợp đồng hợp tác nên các bên tham gia hợp đồng hoàn toàn có thể thỏa thuận các điều khoản khác ngoài hợp đồng, miễn là các điều khoản được sự đồng thuận từ tất cả các bên tham gia hợp đồng và đúng quy định pháp luật.
Trên đây là toàn bộ nội dung về pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh do ACC cung cấp đến các bạn. Nếu bạn đọc còn thắc mắc về nội dung bài viết, cần tư vấn về pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh; hoặc quan tâm đến dịch vụ soạn hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Luật ACC vui lòng liên hệ với chúng tôi qua webite: https://accgroup.vn/
Nội dung bài viết:
Bình luận