Pháp lệnh phí, lệ phí 2001 - 38/2001/PLUBTVQH10

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 38/2001/PL-UBTVQH10 NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 2001 VỀ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Để thống nhất quản lý nhà nước về phí và lệ phí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 8 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2001;
Pháp lệnh này quy định về phí và lệ phí.

Pháp Lệnh Phí Và Lệ Phí

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Pháp lệnh này quy định thẩm quyền ban hành và việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí do các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác và cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 2

Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.

Điều 3

Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.

Điều 4

Pháp lệnh này không điều chỉnh đối với phí bảo hiểm xã hội, phí bảo hiểm y tế và các loại phí bảo hiểm khác.

Điều 5

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về phí, lệ phí khác với Pháp lệnh này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 6

Tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí bao gồm:

1- Cơ quan thuế nhà nước;

2- Cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác và cá nhân cung cấp dịch vụ, thực hiện công việc mà pháp luật quy định được thu phí, lệ phí.

Điều 7

Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân tự đặt ra các loại phí, lệ phí; sửa đổi các mức thu phí, lệ phí đã được cơ quan có thẩm quyền quy định; thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.

Chương 2:

THẨM QUYỀN QUY ĐỊNH VỀ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Điều 8

Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh này.

Điều 9

Chính phủ có thẩm quyền:

1- Quy định chi tiết Danh mục phí và lệ phí do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành;

2- Quy định chi tiết nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí;

3- Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với một số phí, lệ phí quan trọng thực hiện trong cả nước; giao hoặc phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các phí, lệ phí khác;

4- Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục phí và lệ phí.

Điều 10

Bộ Tài chính có thẩm quyền:

1- Soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về phí và lệ phí để trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền;

2- Căn cứ vào quy định chi tiết của Chính phủ, quy định mức thu cụ thể đối với từng loại phí, lệ phí; hướng dẫn xác định mức thu phí, lệ phí cho các cơ quan được phân cấp quy định mức thu;

3- Quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các phí, lệ phí thuộc thẩm quyền;

4- Hướng dẫn thực hiện chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí thu được.

Điều 11

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thu phí, lệ phí được phân cấp do Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Chương 3:

NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ

Điều 12

Việc xác định mức thu phí căn cứ vào các nguyên tắc sau đây:

1- Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ;

2- Mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.

Điều 13

Mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí, phù hợp với thông lệ quốc tế; riêng mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ.

Điều 14

1- Phí, lệ phí thu tại Việt Nam bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật quy định được thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ.

2- Phí, lệ phí thu ở nước ngoài được thu bằng tiền của nước sở tại hoặc bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Điều 15

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải lập và cấp chứng từ thu cho đối tượng nộp phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

Trường hợp không được cấp chứng từ hoặc cấp chứng từ không đúng quy định thì đối tượng nộp phí, lệ phí có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí cấp chứng từ thu hoặc khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 16

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải niêm yết hoặc thông báo công khai tại địa điểm thu về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu và cơ quan quy định thu.

Điều 17

1- Phí thu từ các dịch vụ do Nhà nước đầu tư là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

a) Trường hợp tổ chức thu đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo dự toán hàng năm thì tổ chức thu phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước;

b) Trường hợp tổ chức thu không được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí thì tổ chức thu được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước;

c) Trường hợp tổ chức thu được uỷ quyền thu phí ngoài chức năng, nhiệm vụ thường xuyên thì tổ chức thu được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

2- Chính phủ quy định phần phí được để lại và việc quản lý, sử dụng phần phí được để lại quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 18

Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức, cá nhân thu phí có quyền quản lý, sử dụng số tiền phí thu được theo quy định của pháp luật.

Điều 19

1- Mọi khoản lệ phí thu được đều thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời số lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Trong trường hợp uỷ quyền thu thì tổ chức được uỷ quyền thu lệ phí được để lại một phần trong số lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu lệ phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

2- Chính phủ quy định phần lệ phí được để lại và việc quản lý, sử dụng phần lệ phí được để lại quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 20

Phí, lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước được phân chia cho các cấp ngân sách và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Điều 21

Chính phủ quy định việc miễn, giảm phí, lệ phí trong những trường hợp cần thiết.

Chương 4:

TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN

Điều 22

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải thực hiện chế độ kế toán; định kỳ báo cáo quyết toán thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí; thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Điều 23

Tổ chức, cá nhân thu các loại phí, lệ phí khác nhau phải hạch toán riêng từng loại phí, lệ phí.

Điều 24

Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước không phải chịu thuế.

Điều 25

Phí không thuộc ngân sách nhà nước do các tổ chức, cá nhân thu theo quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh này phải chịu thuế theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong bài viết này, ACC đã cung cấp tới quý độc giả những thông tin cần thiết liên quan đến Pháp lệnh phí, lệ phí 2001 - 38/2001/PLUBTVQH10. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết hoặc các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ ngay với ACC để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời nhé!

 

 

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo